Giảm gánh nặng cho xã hội

ANTĐ - Sau khi nhiều ngành kinh tế, giao thông, y tế… “đăng đàn” đối thoại trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, mới đây ngành Giáo dục-Đào tạo cũng có buổi giao lưu. Hai vấn đề được dư luận xã hội quan tâm nhiều nhất là tình trạng dạy thêm, học thêm và kế hoạch thi cử. Trong Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục-đào tạo của Bộ Giáo dục-Đào tạo, việc đổi mới khâu thi cử, kiểm tra, đánh giá học sinh được xác định là mũi đột phá. Đại diện Bộ này khẳng định khi ấn nút sẽ làm “rung chuyển” toàn hệ thống giáo dục-đào tạo.

Đổi mới nội dung, cách thức thi cử, kiểm tra đánh giá học sinh sẽ có tác dụng ngược trở lại chất lượng dạy học, cách tổ chức học, tác động tới các chính sách giáo dục. Hơn thế, còn tác động tới quan niệm, nhận thức của xã hội, của phụ huynh cũng như động cơ, động lực thi của học sinh. Tuy nhiên, theo phản biện của hiệu trưởng một trường trung học phổ thông có tiếng ở Hà Nội, ngành giao dục tham vọng đặt ra quá nhiều “đột phá”. Chẳng hạn, đột phá trong đổi mới quản lý giáo dục, đột phá trong đào tạo giáo viên, nay lại đột phá trong thi cử. Nếu coi đột phá có thể làm “rung chuyển” cả hệ thống giáo dục, thì theo vị hiệu trưởng kỳ cựu này, “nút bấm” đó không phải là thi cử, là kiểm tra, đánh giá mặc dù hai khâu này khá quan trọng.

Bởi vậy, khâu đột phá để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phải là việc dạy cho học sinh học cái gì, học như thế nào, áp dụng ra sao? Đây mới là cái “gốc” của giáo dục, thi cử, kiểm tra, đánh giá là “ngọn”. Cùng quan điểm với Bộ GD-ĐT, một vị phó giáo sư cũng cho rằng, vấn đề thi cử, kiểm tra đánh giá hiện có nhiều bất cập, vì thế cần đổi mới cơ bản để có tác động ngay trở lại chất lượng giáo dục. Mặt khác, đây là việc có thể làm ngay, không phải đầu tư, mất thời gian nhiều, trong khi việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa là công việc đòi hỏi phải thận trọng, lâu dài, sớm nhất cũng phải sau năm 2015.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định, không chỉ đổi mới hình thức thi cử, nội dung thi, kiểm tra cũng sẽ thay đổi dần để phù hợp với quá trình chuyển từ giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực học sinh. Trong thời gian tới, Bộ    GD-ĐT khuyến khích những cơ sở giáo dục đủ điều kiện chủ động phương án tuyển sinh theo cách thức phù hợp với mục tiêu, đặc thù của mỗi trường. Vấn đề “nóng” nhất hiện nay gây bức xúc xã hội là tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, được lãnh đạo Bộ “giải tỏa” rằng, khi giảm tải nội dung, chương trình sẽ có tác động mạnh tới việc giảm đáng kể dạy thêm, học thêm. Khi thiết kế lại chương trình giáo dục phổ thông và đổi mới thi cử, tình trạng này chỉ còn tồn tại khi có nhu cầu thật sự và chính đáng của học sinh. Tăng giờ học chính khóa trong trường, trong đó tăng số trường, học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày ở trường, kiểm soát chặt hoạt động chuyên môn của thầy cô giáo, đồng thời tăng lương cho giáo viên, là những việc cần làm ngay, góp phần thiết thực giảm tải dạy thêm, học thêm.

Một buổi đối thoại trực tuyến chưa thể giải quyết được nhiều vấn đề bất cập, bất hợp lý chồng chất trong ngành giáo dục. Còn những quan điểm khác nhau về kỳ thi “3 chung” tuyển sinh đại học, cao đẳng, giao quyền chủ động tuyển riêng; việc dạy thêm “trong sáng”, chương trình và sách giáo khoa… Rõ ràng là ngành giáo dục còn nhiều việc nặng nề phải giải quyết dứt điểm để giảm “gánh nặng” không chỉ cho học sinh, mà cho cả xã hội.