Đừng coi rẻ tính mạng mình

ANTĐ - Trong những năm gần đây,  tại gần 9.000 điểm giao cắt đường bộ - đường sắt trên cả nước đã xảy ra không ít vụ TNGT thảm khốc. Đó là chưa kể những “điểm đen” do người dân tự phát mở ra để đi lại cho… thuận tiện. 

Nguyên nhân chính là sự “thuận tiện” bất chấp pháp luật, coi rẻ tính mạng của mình và coi thường sinh mạng của người khác của người tham gia giao thông. Từ con số 10.000 người chết vì TNGT mỗi năm, đến nay đã kéo xuống chỉ còn 9.000 người thiệt mạng trên đường. Song, số vụ tai nạn thảm khốc, số người bị thương để lại những hậu quả, gánh nặng cho gia đình và xã hội vẫn là một thực trạng đáng báo động.

Luật Giao thông đường bộ đã được bổ sung nhiều quy định mới với chế tài xử phạt các hành vi vi phạm cứng rắn và mạnh tay hơn, các tuyến đường giao thông, cơ sở hạ tầng như cầu vượt, hầm đường bộ, đường cao tốc được đầu tư xây dựng góp phần giảm tải giao thông, giải tỏa nhiều nút thắt, điểm nghẽn; đặc biệt là sự ra quân của CSGT, cảnh sát cơ động và lực lượng đảm bảo ATGT của các phường, xã...

Tuy nhiên, mọi điều kiện cần thiết đó chưa đủ để “nâng cấp”, cải thiện ý thức của một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông. Tuy chưa có số liệu nào công bố để có thể “đo đếm” sự tăng - giảm ý thức của người tham gia giao thông, được coi là “thủ phạm” chính gây ra các vụ tai nạn từ nhỏ đến lớn. Chưa nói tới tình trạng sử dụng rượi bia “quá liều” khi lái xe; vượt đèn đỏ, lạng lách, đi ngược chiều; rồi ngay cả những đoạn đường bộ giao cắt đường sắt có rào chắn, có biển báo và nhân viên canh gác 24/24h, không ít người vẫn ngang nhiên phóng ô tô, xe máy vượt qua. 

Dưới con mắt của giới chuyên gia giao thông đô thị, cũng như một số chuyên gia tư vấn nước ngoài giúp Việt Nam giải “bài toán” giao thông, tình trạng ùn tắc giao thông, quá tải cơ sở hạ tầng và sự gia tăng chóng mặt các phương tiện giao thông cá nhân, không chỉ là vấn đề “nóng”, khó tìm ra lời giải, lối thoát thỏa đáng của Việt Nam.

Có những ý kiến thẳng thắn chỉ rõ, cho dù nay mai, Hà Nội, TP.HCM sẽ có đường sắt đô thị trên cao, mở các tuyến tàu điện ngầm, phương tiện giao thông vận tải hành khách công cộng có thể đáp ứng hơn 50% nhu cầu đi lại của cư dân đô thị, thì vẫn tồn tại một “điểm nghẽn” hết sức đáng lo ngại. Đó chính là ý thức của người tham gia giao thông. 

Không nên đổ lỗi cho hạ tầng cơ sở, phương tiện giao thông, diện tích giao thông “động và tĩnh” chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa và áp lực gia tăng mật độ. Mỗi người dân hàng ngày đi lại trên đường dù là người đi bộ, lái xe taxi, xe buýt, xe cá nhân… phải nhìn thẳng và thừa nhận một thực trạng là ý thức không theo kịp chứ không thể vin vào những yếu tố khách quan. Cho dù mọi điều kiện đều đầy đủ, nhưng thiếu ý thức thì an toàn giao thông chỉ là ước mơ xa vời không biết bao giờ mới trở thành hiện thực.