Điểm "liệt", do đâu?

ANTĐ - Trong khi hàng trăm nghìn thí sinh đang háo hức lựa chọn trường để nộp hồ sơ, thì cũng có tới hàng chục nghìn thí sinh đành tạm gác giấc mơ đại học vì điểm “liệt”. 12 năm đèn sách, “dùi mài kinh sử”, giờ coi như “xôi hỏng bỏng không”. Vậy nguyên nhân sâu xa là bởi học sinh, giáo viên hay chương trình sách giáo khoa?

Khách quan mà nói, trong kỳ thi chung 2 mục đích lần đầu tiên được Bộ GD-ĐT áp dụng, thì mục đích tốt nghiệp THPT vẫn là quan trọng nhất, bởi nếu không vào đại học hoặc cao đẳng, thí sinh tốt nghiệp THPT vẫn có được chứng chỉ tối thiểu và cần thiết để vào các trường dạy nghề, trung cấp. Mặc dù, kết quả điểm thi vừa được công bố cuối tuần qua với tỷ lệ 92% tốt nghiệp đã cách xa tỷ lệ “không tưởng” vượt quá 99% như năm 2014, song kỳ thi năm nay lại bộc lộ hai “lỗ hổng” rất đáng lo ngại.

Đó là hai môn hết sức cần thiết cho học sinh, Toán và Tiếng Anh có quá nhiều điểm “liệt”: Môn Toán gần 40.000 bài, môn Tiếng Anh cũng có tới hàng chục nghìn bài điểm 2. Không chỉ năm nay mới xuất hiện điểm “liệt” và cũng không chỉ rơi vào môn Toán hay Tiếng Anh.  Nếu chỉ là mục tiêu xét tuyển vào đại học, cao đẳng thì điểm “liệt” như năm nay không nhiều.

Tuy vậy, kỳ thi còn một mục tiêu rất quan trọng là tốt nghiệp THPT, thì điểm “liệt” như vậy là quá nhiều. Vì sao có thực trạng này? Theo phân tích của Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa,  Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, một nguyên nhân chủ yếu vì đề thi phục vụ cho 2 mục đích nên yêu cầu ra đề cao hơn đề thi tốt nghiệp THPT và thấp hơn tuyển sinh đại học – cao đẳng. Do vậy, việc kết hợp 2 kỳ thi, kết hợp 2 mục tiêu là bất khả thi.

Để có nhiều bài thi điểm kém, không thể không “truy cứu” trách nhiệm của chương trình, sách giáo khoa và cách giảng dạy của đội ngũ giáo viên. Ví dụ như môn Toán có khoảng 60-70% câu hỏi của đề thi dễ hơn cả câu hỏi của đề thi các năm trước và “cho không” thí sinh 5-6 điểm mà vẫn có tới 40.000 điểm “liệt”, tức là chất lượng học tập, truyền đạt kiến thức cũng rơi vào “điểm liệt”.