Để không bị đè bẹp trong sân chơi TPP

ANTĐ - Rau, củ, quả, thực phẩm an toàn không chỉ là mong mỏi của các bà nội trợ mà còn là câu chuyện hàng ngày của nhiều gia đình. Còn nhớ, cách đây 6 tháng khi VinEco (thành viên của Vingroup) cho biết họ sẽ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên quy mô lớn, không ít bà nội trợ bày tỏ vui mừng trong tương lai gần sẽ được ăn rau sạch. Và sự thực là, 14 chủng loại rau, củ, quả đạt tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP của VinEco bắt đầu được bán từ 1-10 trong hệ thống siêu thị đã lập tức được người tiêu dùng săn đón.

Cú “chen ngang” của VinEco chắc chắc sẽ khiến lối làm ăn chụp giật, thiếu lương tâm không còn đất sống. Theo công bố, từ nay đến cuối năm VinEco sẽ cho ra thị trường 4.000 tấn rau sạch, tương đương với 30 tấn/ngày. Dĩ nhiên, người tiêu dùng sẽ tin VinEco và thương hiệu của công ty này hơn những hàng rau nhỏ lẻ, khó kiểm định được độ an toàn. Nếu VinEco bán ra được 4.000 tấn rau sạch thì ở đâu đó sẽ có 4.000 tấn rau “không sạch” bị đẩy lui trên thị trường. Và với đà này, chắc chắn sản phẩm “rau bẩn” sẽ không “có cửa” để bán cho dân Hà Nội, người trồng “rau bẩn” cũng sẽ thất nghiệp. 

Sự xuất hiện của thương hiệu VinEco chỉ là một ví dụ nhỏ trong câu chuyện dài của ngành nông nghiệp Việt Nam khi mà lối làm ăn theo kiểu tư lợi, ngắn ngày đã ngấm vào máu không ít người trồng trọt, chăn nuôi nhỏ lẻ. Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam vừa tham gia cũng sẽ là một cuộc đấu mà nơi đó không có chỗ cho những trò làm ăn gian trá. Không chỉ có trồng trọt, chăn nuôi cũng sẽ lĩnh những hậu quả nhãn tiền bởi hiện có tới 85% là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Việt Nam có đàn lợn nái 4,5 triệu con, đứng thứ 3 trên thế giới, nhưng sản lượng thịt chỉ xếp hạng 15-16, chưa kể năng suất quá thấp đã đẩy giá thành tăng cao nên rất khó cạnh tranh.

Theo lộ trình TPP, thuế suất mặt hàng thịt sẽ tiếp tục giảm mạnh. “Làn sóng” thịt bò, lợn, gia cầm từ Mỹ, Australia giá rẻ sẽ “thoải mái” nhập khẩu, không chỉ lấn át mà còn dồn ép thịt nội vào sát chân tường. Tổng Giám đốc Công ty Việt Nam kỹ nghệ súc sản (VISSAN) đã bày tỏ lo ngại nguy cơ thịt ngoại “đè bẹp” thịt nội trong sân chơi TPP chính là do ngành chăn nuôi chưa truy suất nguồn gốc, chưa sản xuất theo chuỗi giá trị.  

Không chỉ là nguy cơ, ngay trước mặt, tình trạng các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ “đua nhau” sử dụng chất cấm tạo nạc, chất kích thích tăng trưởng ngày càng lây lan, phổ biến. Mục đích của họ là làm sao cho lợn “trơn lông, mượt da”, với suy nghĩ hết sức nguy hiểm và thiển cận: “Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”.

Mặc dù Cục An toàn thực phẩm, cơ quan thú y và chính quyền đã vào cuộc, xử lý, nhưng còn không ít hộ sản xuất vẫn “chứng nào tật nấy”. Hậu quả không phải đâu xa khi TPP đã cận kề, thì thói quen, kiểu cách kiếm tiền bằng thực phẩm bẩn sẽ hết “đất sống”. Khi đó, trên mâm cơm của mọi gia đình chỉ toàn là rau, thịt có nguồn gốc xuất xứ an toàn từ TPP. Nói ngành chăn nuôi, nông nghiệp dễ bị tổn thương chỉ đúng một phần. Ngay lúc này, ngành này ngoảnh lại đã thấy rõ hết đường lùi nếu không tự cứu mình khẩn cấp.