Cứu lấy ngành chăn nuôi

ANTĐ - Ngành chăn nuôi đang chuẩn bị các mặt hàng tươi sống để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán. Trong khi đó, đầu vào lại lệ thuộc rất lớn vào nước ngoài khi phải nhập khẩu từ giống, nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y... Hơn thế, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Việt Nam lại đang điều khiển, thậm chí còn làm giá, thao túng, đặc biệt trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, hiện chiếm tới 60-70% đầu vào.

Trung tâm Chính sách và chiến lược nông nghiệp – nông thôn đưa ra lời cảnh báo trên trước thực trạng người chăn nuôi trên cả nước đang điêu đứng, đuối sức trước sức ép từ những “ông lớn”, những công ty có vốn FDI đang có dấu hiệu độc quyền, làm giá các sản phẩm thức ăn chăn nuôi. Hiện cả nước có gần 240 nhà máy sản xuất thức ăn gia súc, nhưng chỉ trong 3 năm gần đây, có 3-5 công ty FDI chiếm 35-50% thị phần cả nước. Chiếm thị phần cao nhất là Công ty cổ phần chăn nuôi Việt Nam với gần 19,5% trong tổng sản lượng bán ra thị trường. Tiếp đó là Công ty Cargill Việt Nam với hơn 8%, Procono hơn 7,5%. Ngoài ra còn một số nhà máy sản xuất lớn chiếm hầu hết thị phần còn lại, nhà máy của doanh nghiệp trong nước chỉ có quy mô rất nhỏ.

Tại cuộc hội thảo công bố kết quả nghiên cứu của nhóm Liên minh nông nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi mới đây cho thấy hàng nghìn hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm đang bị sức ép từ bốn phía như con giống, thức ăn gia súc, gia cầm, thuốc phòng dịch bệnh, thuốc thú y... Giá cám của các công ty nước ngoài sản xuất tại Việt Nam chỉ có lên, không có xuống. Chẳng hạn, khi giá ngô bán 6.900 đồng/kg, giá cám bán 12.000 đồng/kg nhưng khi giá ngô còn 5.500 đồng, giá cám vẫn giữ nguyên. Nhiều hộ chăn nuôi lên tiếng kêu cứu về tình trạng thức ăn do các nhà máy sản xuất, phân phối quyết định, lợn thì do thương lái định đoạt, người chăn nuôi ở giữa không có quyền gì. Nếu cứ xu thế “cá lớn nuốt cá bé”, chăn nuôi sẽ rơi vào cảnh làm thuê chẳng lời lãi gì.

Giới chuyên gia chỉ ra thực trạng, thị trường thức ăn chăn nuôi có dấu hiệu bị điều khiển bởi một số công ty FDI chiếm thị phần lớn, liên kết định giá, có thể gây thiệt hại cho xã hội hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Khâu trung gian “ăn” nhiều quá, nông dân bán ra với giá rẻ, đến tay người tiêu dùng thì quá đắt. Cần phá vỡ thế độc quyền để cứu ngành chăn nuôi đang đuối dần.