Còn nhiều việc phải gánh

ANTĐ - Trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 thấp kỷ lục trong gần 10 năm qua, giá cả hầu như đứng yên, kinh tế vĩ mô ổn định, người dân lại phấp phỏng chờ đợi các loại phí tăng giá. Xét ở góc độ kinh tế, đây là thời điểm thích hợp để tăng giá học phí, viện phí, thậm chí giá nước sinh hoạt. Đây là lộ trình đã vạch sẵn từ nhiều năm trước, không thể không làm, song còn nhiều vấn đề xã hội cần bàn bạc thấu đáo.

So sánh giá viện phí hiện tại với giá dự kiến tăng, có thể thấy sự bất hợp lý cần phải điều chỉnh cho phù hợp cơ chế, giá cả thị trường. Điểm mấu chốt là phải đảm bảo nguyên tắc “tính đúng, tính đủ” cho đầu tư, trang thiết bị phục vụ việc khám chữa bệnh. Hơn thế, mọi hoạt động của bệnh viện công lập, trong đó bao gồm cả lương của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế đều trông vào sự “tính đúng, tính đủ” các  dịch vụ khám chữa bệnh.

Nếu kéo dài thực trạng không tính đúng, tính đủ, sẽ dẫn đến tình trạng bác sĩ có tay nghề cao “chân trong, chân ngoài”, mở phòng khám riêng, có bệnh nhân riêng để tăng thu nhập. Vì thế, lộ trình tăng giá viện phí là con đường duy nhất, sớm hay muộn cũng phải đi. Càng chần chừ, nấn ná thì sự bất hợp lý càng kéo dài. 

Tuy vậy, dưới góc nhìn của người dân, nhất là đại bộ phận người thu nhập thấp, người nghèo, học phí, viện phí, giá nước hay giá điện đều là những gánh nặng đè nặng lên đôi vai họ dù trong các đợt tăng giá, chính sách an sinh xã hội luôn dành những ưu đãi, trợ giúp những đối tượng này. Ngay trong đợt bàn về 3 phương án biểu giá điện vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, phương án nào thì cũng phải tính đến đa số người dân hiện có mức thu nhập thấp.

Có thể nói, mỗi đợt tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục cũng như các loại phí bắt buộc, những đối tượng dễ bị tổn thương đó dù đã được hỗ trợ nhưng vẫn chịu áp lực lớn hơn các nhóm khác trong xã hội. 

Chủ trương “tính đúng, tính đủ” là không thể phủ nhận, nhưng còn nhiều việc phải tính đến. Trước hết, cần quan tâm hơn nữa đến tầng lớp lao động đang hưởng mức lương tối thiểu chỉ đủ cho 60-70% đời sống tối thiểu. Phải tính đến chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, cũng phải tăng theo viện phí. Còn một việc cũng cần được tính đến nơi đến chốn là phải thay đổi triệt để phong cách, thái độ phục vụ của đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế với người bệnh, dù giàu hay nghèo. Khi người bệnh thực sự hài lòng, thì dù giá viện phí cao hơn, họ cũng sẵn lòng bỏ tiền ra, không phải để “mua” nụ cười mà bởi được chăm sóc, chữa trị tận tình bởi những “lương y như từ mẫu”.