Chủ động là không thừa

ANTĐ - Tại hội thảo về kinh tế toàn cầu vừa diễn ra tại TP.HCM, các chuyên gia dự báo năm 2016, Việt Nam là điểm sáng của châu Á và ASEAN, vươn lên trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao thứ hai tại châu Á với GDP ước đạt 6,9%, cao hơn nhiều so với mức 6,6% dự báo trước đó.

Lý do nâng mức dự báo là vì trong 6 quý gần đây, tăng trưởng GDP của Việt Nam luôn cao hơn chỉ tiêu. Khu vực đầu tư và tiêu dùng tiếp tục được cải thiện tuy mức độ không lớn. Ngay trong tháng đầu năm 2016, một số ngân hàng thương mại đã “âm thầm” tăng lãi suất cho vay tiêu dùng, trong khi giá USD so với đầu tháng 1 đã giảm 230 đồng/USD.

Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm ngày 27-1 giảm 5 đồng/USD, giá USD trên thị trường tự do giảm từ 20-30 đồng/USD. Trong bối cảnh này, các ngân hàng thương mại có dấu hiệu lạm dụng tăng lãi suất cho vay tiêu dùng vượt trần cũng là một thực tế có thể “thông cảm”. Bởi nhu cầu tiêu dùng, mua sắm lớn vào dịp cận kề Tết Nguyên đán của người dân là một quy luật. Bản thân các ngân hàng thương mại cũng không thể bỏ lỡ cơ hội này. 

Tuy nhiên, một số chuyên gia ngân hàng, tiền tệ đã lên tiếng cảnh báo những rủi ro có thể xảy ra ngay cả trước mắt lẫn lâu dài nếu không kiểm soát chặt tình trạng vượt trần lãi suất đang có xu hướng gia tăng. Cho vay tiêu dùng để kích cầu khác với cho vay để đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh vào mùa Tết hàng năm. Bản thân các doanh nghiệp cũng bày tỏ nỗi lo lắng lớn nhất nằm ở biến động tỷ giá.

Đối với doanh nghiệp xuất khẩu, có tới 53,5% doanh nghiệp phòng ngừa rủi ro tỷ giá thấp. Gần 38% cho rằng họ phòng ngừa tỷ giá trung bình, chỉ có 8,6% doanh nghiệp phòng ngừa tỷ giá cao. Trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng, với chính sách điều hành tỷ giá có lên, có xuống của Ngân hàng Nhà nước, đồng nội tệ của Việt Nam sẽ được giảm bớt áp lực và “dễ thở” hơn. 

Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhắc nhở rằng, mặc dù lạm phát sẽ được kiểm soát tốt trong năm nay, nhưng các yếu tố năng lượng, điều chỉnh giá dịch vụ công như y tế, giáo dục và một số mặt hàng cơ bản sẽ góp phần đẩy chỉ số giá tiêu dùng năm 2016 cao hơn năm 2015. Đặc biệt, những thiệt hại nặng nề do hậu quả của đợt giá rét vừa qua cũng sẽ tác động xấu tới nền kinh tế và sức mua của người dân khi nguồn thực phẩm, rau, củ, quả phục vụ Tết Nguyên đán sẽ khan hiếm, đắt đỏ.

Vì thế, sự chủ động phòng ngừa, cảnh giác với lạm phát nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế sự trỗi dậy của lạm phát không bao giờ thừa. Từng đồng vốn “chảy” ra khỏi ngân hàng phải được theo dõi, kiểm soát chặt chẽ để rót vào đúng chỗ như sản xuất kinh doanh, đầu tư mang lại lợi ích cho doanh nghiệp cũng như các lĩnh vực kinh tế.