"Chông chênh" thương hiệu Việt

ANTĐ - Xây dựng thương hiệu Việt Nam cho hàng hóa, sản phẩm đã được các chuyên gia bàn bạc, đề xuất ngay từ khi nước ta gia nhập WTO. Sau 9 năm bước vào sân chơi thương mại toàn cầu, có thể đếm được bao nhiêu thương hiệu Việt đứng ngang hàng với những tên tuổi nổi tiếng trên thế giới, lấy được lòng tin của hàng triệu người tiêu dùng khắp năm châu, bốn biển? 

Trước ngưỡng cửa cuộc hội nhập TPP, áp lực lên thương hiệu Việt, nhất là các mặt hàng nông sản, thực phẩm càng nặng nề hơn, trong khi đó, các doanh nghiệp, công ty “đẻ” ra sản phẩm cũng thờ ơ với thương hiệu của chính mình. Khi chuẩn bị gia nhập WTO, hầu hết doanh nghiệp đều nắm rất rõ thông tin từ lúc chưa đàm phán đến lúc kết thúc.

Họ còn có cả chiến lược phòng thủ rất kỹ, kế hoạch phản công nên không bị sốc. Nhờ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nên doanh nghiệp đã trụ vững trên thương trường cạnh tranh khốc liệt, nhất là trong cuộc chiến không chỉ tốn công sức mà đòi hỏi rất nhiều tiền bạc để bảo vệ, giữ gìn thương hiệu đã dày công xây dựng.

Một số thương hiệu lớn đã tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc theo đuổi các vụ kiện quốc tế khi bị các công ty, doanh nghiệp nước ngoài không chỉ nhái thương hiệu mà còn “cướp trắng” tên tuổi, quyền sở hữu trí tuệ. Trong cuộc chiến không cân sức đó, đến thời điểm này, tiếc thay, những thương hiệu Việt đứng vững và làm rạng danh uy tín, chất lượng sản phẩm Việt Nam giữa chợ toàn cầu, mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mấy năm gần đây, người tiêu dùng  trong nước đã “nhận mặt, chỉ tên” những mặt hàng nước ngoài nhập nhằng trắng đen, dán nhãn mác “Made in VietNam” trà trộn trên thị trường.

Ngay cả khoai tây Trung Quốc cũng được bọc đất cao nguyên để lọt vào xứ rau củ Đà Lạt. Ở thời điểm này, khi sắp bước vào TPP, cộng đồng doanh nghiệp thừa nhận họ đón nhận thông tin chủ yếu qua báo chí. Những vấn đề cốt lõi của TPP rất lờ mờ, chưa nói tới chuyện xây dựng thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ cũng như tiêu chuẩn nghiêm ngặt về đăng ký bản quyền, sở hữu trí truệ, an toàn thực phẩm...

Đàm phán TPP mới là khúc mở đầu, khó khăn trên chặng đường xây dựng thương hiệu Việt còn dài. Nỗi lo về thực trạng “chông chênh” thương hiệu đã lộ rõ. Doanh nghiệp không có đường lùi, nếu không lo giữ tên tuổi sản phẩm của mình thì lợi thế sẽ thành thất thế ngay trên sân nhà, chưa nói tới vươn ra thế giới.

Muốn vượt qua cuộc cạnh tranh này, bản thân mỗi doanh nghiệp phải tự thay đổi, bởi đây là cuộc chơi sòng phẳng, không nên dựa dẫm, ỷ lại vào sự trợ giúp, hỗ trợ của Nhà nước. Đương nhiên, thương hiệu không thể có trong một sớm, một chiều. Song, nếu không chăm lo, đặt những viên gạch đầu tiên thì đến bao giờ mới chúng ta mới có những thương hiệu có tầm thế giới, xứng đáng với niềm tự hào, kiêu hãnh của một quốc gia?