Bịt "kẽ hở" lạm dụng Bảo hiểm y tế

ANTĐ -  Lạm dụng dịch vụ y tế, nhất là tình trạng kéo dài ngày điều trị gây tốn tiền, nhân lực và thời gian trong quá trình chăm sóc người bệnh. 

Tất cả những điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hành vi ứng xử và xói mòn lòng tin của người bệnh đối với bác sĩ và bệnh viện.  Sau hơn 3 tháng thực hiện Thông tư 37 liên tịch Bộ Y tế - Bộ Tài chính về điều chỉnh giá dịch vụ y tế, nhiều bệnh viện, cơ sở y tế đã thay đổi cách quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ, thái độ phục vụ từng bước lấy được sự hài lòng của người bệnh.

Song, qua kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng cũng lộ ra những “kẽ hở” như một số chi phí vật tư y tế dù đã được tính trong giá dịch vụ kỹ thuật nhưng bệnh viện vẫn thu thêm tiền của người bệnh hoặc đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) thanh toán. Điển hình là việc người bệnh nhập viện trong những ngày nắng nóng nhưng có những phòng khám, phòng điều trị không có điều hòa nhiệt độ cho dù những trang thiết bị này đã được tính hết vào giá khám bệnh, giá giường theo ngày.

Chưa hết, tại một số bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, có tới 70% số người bệnh “được” chỉ định làm siêu âm, nội soi cho những bệnh nhẹ. Có những đơn được bác sĩ “ưu ái” kê tới hơn 10 loại thuốc mà phần lớn những loại thuốc này không uống cũng không sao. Đương nhiên, bệnh viện cung cấp dịch vụ sẽ được hưởng lợi, nhưng việc kê khai thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) cao hơn thực tế điều trị hay chỉ định không vì mục đích chữa bệnh sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia BHYT, nghiêm trọng hơn còn xâm phạm Quỹ BHYT.

Các chuyên gia y tế đã từng cảnh báo, việc siêu âm, chụp chiếu quá nhiều, không cần thiết sẽ chỉ làm hại thêm sức khỏe người bệnh. Dùng thuốc “cả vốc” nhất là lạm dụng thuốc kháng sinh bất hợp lý càng làm cho người bệnh nhờn thuốc, bệnh thêm nặng.

Cho tới nay, chưa có quy định xử phạt hành chính các hành vi lạm dụng dịch vụ y tế mà cơ quan BHXH chỉ có quyền kiểm tra, thu hồi số tiền vi phạm. Đã đến lúc hành vi này cần phải được xác định rành mạch, thống nhất trên cơ sở quyền lợi của người bệnh. Đầu tháng 7 tới, hệ thống thông tin giám định BHYT điện tử sẽ hoạt động, cho phép kết nối dữ liệu khám chữa bệnh giữa cơ sở y tế và BHXH trên cả nước.

Các bệnh viện sẽ bị giám sát, đánh giá có lạm dụng dịch vụ hay không. Lúc này, các bệnh viện sẽ phải ban hành gói dịch vụ y tế, trong đó quy định cụ thể quy trình khám chữa bệnh, trình độ bác sĩ, giá thành, chỉ định dùng thuốc. Tới lúc đó người bệnh có thể hy vọng, “kẽ hở” lạm dụng dịch vụ sẽ bị bịt lại.