Bắt tay vào làm thật

ANTĐ - Đúng vào Tháng hành động vì an toàn thực phẩm được triển khai trên cả nước, thì nỗi bất an của người dân về thực phẩm lại lớn hơn bao giờ hết. Trong khi vi phạm của người chăn nuôi vẫn khá phổ biến, việc quản lý và xử lý lại gặp không ít khó khăn dù chế tài, thậm chí chế tài hình sự đã có. Bởi vậy, kiên quyết loại bỏ thực phẩm bẩn không thể chỉ là một khẩu hiệu trong Tháng hành động này.

Đại diện Bộ Y tế khẳng định, điều quan trọng nhất là phải biến khẩu hiệu, kế hoạch thành hành động cụ thể bằng những kết quả thanh tra, kiểm tra. Hà Nội là đầu mối trung chuyển, thị trường tiêu thụ lớn nhất nhì cả nước với hơn 58.000 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm và cũng là “điểm nóng” thực phẩm bẩn gây bức xúc dư luận, vì thế trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, đòi hỏi các cơ quan hữu trách phải có quyết tâm cao, giải pháp quyết liệt.

Thành phố sẽ tổ chức 6 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về VSATTP, tập trung chủ yếu vào rau và thịt, 2 loại thực phẩm đáng lo ngại nhất hiện nay. Các đoàn thanh tra của thành phố, quận, huyện sẽ tăng cường kiểm tra tới tận phường, xã nơi có các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, lưu thông, bán lẻ, nhất là các chợ đầu mối. Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, không nên tái diễn kiểu kiểm tra theo kế hoạch, kéo cả đoàn xuống địa bàn mà phải đột xuất, bất ngờ thì mới đạt kết quả.

Đặc biệt, cần sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt với cách làm mới, sáng tạo của ngành chức năng và chính quyền địa phương. Trước câu hỏi, liệu cơ quan chức năng có buông lỏng việc quản lý, sử dụng chất cấm, lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi hay không, đại diện Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản khẳng định, cơ quan Nhà nước không lỏng mà vì cách làm chưa quyết liệt, hiệu quả. Vì vậy trong đợt ra quân này, các đoàn thanh tra phải nắm được loại nào đang dùng phổ biến, nguồn gốc xuất phát và “đường đi” của nó.

Điều này đòi hỏi phải “buộc” trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương, nhất là chính quyền phường, xã, không thể trút hết cho ngành y tế, nông nghiệp hoặc quản lý thị trường. Hơn thế, cần phải xử lý những địa phương buông lỏng quản lý để xảy ra những sai phạm lớn. Làm mạnh tay như vậy thì các địa phương mới thực sự bắt tay vào việc quyết “tuyên chiến” với thực phẩm bẩn.

Chặn đứng thực phẩm bẩn là đòi hỏi bức xúc, cấp thiết của cả xã hội. Sự quyết liệt của Hà Nội thể hiện rất rõ ràng, cụ thể. Song để cuộc chiến chống thực phẩm bẩn đạt được thành công, cũng rất cần người dân giúp sức trong việc cung cấp thông tin. Tai mắt nhân dân ở khắp nơi sẽ khiến gian thương không còn đất làm bậy. Cả xã hội vào cuộc sẽ mang lại hiệu quả rõ rệt trong cuộc chiến chặn đứng thực phẩm bẩn, tiến tới đẩy lùi và loại trừ.