Thám tử rởm tống tiền "quý bà" cặp bồ với "phi công trẻ" phạm tội gì?

ANTĐ - Công an quận Hà Đông, Hà Nội, vừa bắt đối tượng Chu Xuân Hiếu (SN 1980, trú tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, Hà Nội). 

Thám tử rởm tống tiền "quý bà" cặp bồ với "phi công trẻ" phạm tội gì?  ảnh 1

Nội dung vụ án

Chiều 29-8-2015, thấy chiếc xe ô tô đỗ trước cửa một khách sạn trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội có che biển kiểm soát, nghi chủ nhân có điều khuất tất, Hiếu đã bí mật theo dõi. Đối tượng bám sát chiếc xe ô tô do một người phụ nữ điều khiển chở một thanh niên trẻ đi qua nhiều con phố và phát hiện chị này cùng thanh niên đi vào khách sạn thuê phòng. Đoán chắc đây là cặp tình nhân, Hiếu chờ cho 2 người ra khỏi khách sạn, rồi bí mật bám theo người phụ nữ đến bãi gửi xe ở gần Cầu Am.

Những ngày sau, Hiếu quay lại bãi gửi xe tìm hiểu tên tuổi, hoàn cảnh gia đình người phụ nữ. Chờ thời cơ thuận lợi, người phụ nữ kia đi làm về, Hiếu đã tới gặp và nói rằng có người thuê hắn theo dõi chị, biết chị đã đến nhà nghỉ MV, nếu không muốn lộ thông tin thì phải đưa tiền cho hắn. Sợ chồng con biết chuyện, người phụ nữ đã đưa cho Hiếu 5 triệu đồng. Nhưng Hiếu yêu cầu phải nộp đủ 40 triệu đồng. Vì không mang theo nhiều tiền mặt nên người phụ nữ đã đưa trước 50% số tiền mà Hiếu yêu cầu và sẽ giao nốt 20 triệu đồng sau. 

Xác định sự việc trên có dấu hiệu hình sự, kế hoạch bắt giữ đối tượng tống tiền đã được các trinh sát vạch ra kỹ lưỡng. Đối tượng Hiếu điện thoại, thúc ép bị hại chuẩn bị tiền để mang đến điểm hẹn. Sau khi lòng vòng nhiều nơi, đi xe máy di chuyển song song với xe ô tô của bị hại và yêu cầu chị này hạ kính xe đưa tiền, rồi tăng ga định tẩu thoát. Đúng lúc đó, Hiếu bị các trinh sát kịp thời bắt giữ.

Theo thông tin nắm được, tháng 8-2015, đối tượng vừa bị Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm xử phạt 18 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo về tội cưỡng đoạt tài sản. Khi bị bắt giữ, Hiếu cũng đã có hành vi theo dõi, tống tiền một phụ nữ cặp bồ. Hiện vụ việc đang được Công an quận Hà Đông điều tra, làm rõ.

Vấn đề cần trao đổi là nghi can Chu Xuân Hiếu có thể phạm tội theo tội danh nào và sẽ bị pháp luật trừng phạt ra sao?

Ý kiến bạn đọc 

Chu Xuân Hiếu phạm tội cướp tài sản
Nghi can đã đe dọa sẽ phá hoại đời sống của người phụ nữ để chiếm đoạt tài sản. Đó là hành vi làm cho nạn nhân rơi vào tình thế không thể chống cự, phải đưa tiền cho nghi can. Hành vi cướp tài sản của Chu Xuân Hiếu đã hoàn thành. Số tiền 40 triệu này là tài sản mà nghi can đã chiếm đoạt. Thủ đoạn cướp của nghi can rất xảo quyệt làm tê liệt mọi sự chống đối của người bị hại. Theo Điều 133 Bộ luật Hình sự, tội cướp tài sản: Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm. Nghi can Chu Xuân Hiếu sẽ bị truy tố theo tội danh cướp tài sản. 

Vũ Đức Phúc (Phường Dịch Vọng, Q. Cầu Giấy, Hà Nội)


Có thể nghi can không phạm tội?
Theo nội dung vụ án, Chu Xuân Hiếu nắm được thông tin về việc người phụ nữ ngoại tình và đã có trao đổi trực tiếp với nạn nhân để nạn nhân trả tiền cho Chu Xuân Hiếu. Như vậy đây có thể quan niệm như một vụ mua bán thông tin, một giao dịch dân sự. Điều 122 Bộ luật Dân sự, quy định cụ thể như sau: Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây: Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự; Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội; Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện. Việc mua bán này theo tôi không vi phạm các quy định pháp luật, về mặt đạo đức lại có thể giữ được hạnh phúc cho gia đình người phụ nữ. Hai bên đã thỏa thuận và giao dịch hoàn toàn tự nguyện. Nếu xét theo hướng này, Chu Xuân Hiếu có thể không phạm tội.

Văn Ngọc Hùng (Quốc Oai, Hà Nội)

Đây là hành vi tống tiền
Hành vi khai thác bí mật riêng tư của người khác, sau đó đe dọa tiết lộ để bắt người khác phải bỏ tiền ra là hành vi tống tiền. Hành vi này đã bị lên án và là hành vi không chỉ vi phạm luật pháp mà còn vi phạm các chuẩn mực đạo đức xã hội. Việc người phụ nữ ngoại tình là trái đạo đức, nhưng lợi dụng việc này để chiếm đoạt tài sản, lại là hành vi vi phạm các quy định pháp luật nghiêm trọng và là hành vi trái đạo đức nghiêm trọng hơn. Dĩ nhiên, người phụ nữ kia cần phải xem xét lại các hành vi của mình, nếu muốn có một gia đình hạnh phúc, một đời sống lành mạnh. Pháp luật phải nghiêm trị những kẻ bất chấp mọi chuẩn mực pháp luật, đạo đức như Chu Xuân Hiếu. 

Phạm Thị Hồng Tươi (Đập Đá, TP Huế)

Cũng chỉ vì tò mò
Theo tôi Chu Xuân Hiếu ban đầu chỉ xuất phát từ việc tò mò muốn tìm hiểu xem chủ xe là ai. Hiếu không biết người chủ xe là ai và cũng không có ân oán gì với chủ xe ô tô. Việc phát hiện ra người phụ nữ chủ xe ngoại tình cũng chỉ là việc tình cờ của Hiếu. Hành vi tống tiền của Hiếu với người phụ nữ chủ xe là sai nhưng tôi nghĩ là cũng không phải là việc làm có ý đồ chuẩn bị sẵn của Hiếu. Theo tôi, cũng nên thông cảm cho Hiếu và giảm nhẹ một phần hình phạt của anh ta.

Trần Quốc Hải (Kiến An, Hải Phòng)

Bình luận của luật sư 
Theo đúng nội dung vụ án, chúng ta thấy có hành vi có dấu hiệu phạm tội, đó là hành vi của nghi can Chu Xuân Hiếu đe dọa tiết lộ việc người phụ nữ ngoại tình để bắt chị ta phải đưa cho nghi can 40 triệu đồng. Trước khi xem xét, định tội danh mà Chu Xuân Hiếu có thể phạm phải, chúng tôi xin có ý kiến về những nhận định của một số bạn đọc. 

Nghi can Chu Xuân Hiếu có phạm tội cướp tài sản không? Theo điều 133, BLHS, người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản thì phạm tội Cướp tài sản. Trong vụ án này, có thể khẳng định nghi can không có những hành vi “ngay tức khắc” để người bị hại lâm vào tình trạng không thể chống cự được. Vì vậy, nghi can Chu Xuân Hiếu không phạm tội Cướp tài sản.

Giao dịch của nghi can Chu Xuân Hiếu với nạn nhân, có phải là giao dịch dân sự không? Tại điều 122 Bộ luật Dân sự có quy định về Giao dịch dân sự, trong đó, giao dịch dân sự chỉ hợp pháp khi cả hai bên tự nguyện. Ở đây yếu tố tự nguyện không có, người phụ nữ không tự nguyện đưa tiền cho nghi can Chu Xuân Hiếu mà bị bắt buộc phải đưa tiền do có sự đe dọa của Chu Xuân Hiếu. Vì vậy không thể coi việc đe dọa để lấy tài sản của Chu Xuân Hiếu là giao dịch dân sự được. Đây là hành vi có dấu hiệu phạm tội. Nhưng phạm tội theo tội danh nào, cần được xem xét kỹ lưỡng. 

Điều 135. BLHS, tội cưỡng đoạt tài sản có nội dung: Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản thì phạm tội cưỡng đoạt tài sản. Đe doạ sẽ dùng vũ lực là hành vi (lời nói hoặc hành động) làm cho người bị đe doạ sợ nếu không giao tài sản cho người phạm tội thì sẽ bị đánh đập tra khảo, bị đau đớn về thể xác.

Thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần là những thủ đoạn mà người phạm tội sử dụng để uy hiếp tinh thần của người có tài sản hoặc của người có trách nhiệm về tài sản như: Doạ sẽ tố cáo với chồng về việc vợ ngoại tình, doạ sẽ tố cáo việc phạm tội hoặc việc làm sai trái của người có tài sản hoặc người có tránh nhiệm về tài sản.v.v... Có thể nói, cưỡng đoạt tài sản là tìm mọi cách làm cho người có tài sản hoặc người có trách nhiệm về tài sản sợ hãi phải giao tài sản cho người phạm tội.

Như vậy, hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn uy hiếp tinh thần người khác mà người phạm tội thực hiện là nhằm chiếm đoạt tài sản.  Cưỡng đoạt tài sản là hành vi được thực hiện một cách công khai, trắng trợn. Tuy nhiên, sự công khai trắng trợn chủ yếu đối với người có trách nhiệm về tài sản, còn đối với những người khác, người phạm tội không quan tâm, nếu hành vi phạm tội được thực hiện ở nơi công cộng, người phạm tội chỉ công khai trắng trợn với người có trách nhiệm về tài sản còn những người khác thì người phạm tội lại có ý thức lén lút.

 So sánh với những hành vi của nghi can Chu Xuân Hiếu, chúng ta nhận thấy, nghi can Hiếu đã có dấu hiệu phạm tội Cưỡng đoạt tài sản. Nghi can Hiếu đã đe dọa tiết lộ việc người phụ nữ ngoại tình để bắt chị này, phải đưa cho nghi can 40 triệu đồng. 

Tội cưỡng đoạt tài sản là tội có cấu thành hình thức, điều này được thể hiện ngay điều văn của điều luật “nhằm chiếm đoạt tài sản”, do đó, hậu quả  không phải là yếu tố bắt buộc để định tội, nếu người phạm tội đã thực hiện hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người có trách nhiệm về tài sản là tội phạm đã hoàn thành. Trong vụ án này, nghi can Hiếu đã cưỡng đoạt 20 triệu đồng và đang cưỡng đoạt tiếp 20 triệu thì bị bắt quả tang.

Nghi can Hiếu đã hoàn thành việc cưỡng đoạt 40 triệu đồng của người phụ nữ. Cũng như đối với tội cướp tài sản và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội cưỡng đoạt tài sản cũng được thực hiện do cố ý. Mục đích của người phạm tội là mong muốn chiếm đoạt được tài sản. Trong vụ án này, nghi can Hiếu đã cố tình khai thác thông tin, trực tiếp thực hiện hành vi đe dọa… là cố ý chiếm đoạt tài sản. Yếu tố chủ quan đã rõ.

Nghi can Chu Xuân Hiếu có thể bị truy tố theo tội danh Cưỡng đoạt tài sản (điều 133 BLHS). Lưu ý, theo kết quả điều tra, tháng 8-2015, nghi can Hiếu vừa bị Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm xử phạt 18 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo về tội cưỡng đoạt tài sản.

Khi bị bắt giữ, Hiếu cũng đã có hành vi theo dõi, tống tiền một phụ nữ cặp bồ. Như vậy hành vi của Chu Xuân Hiếu có dấu hiệu phạm tội chuyên nghiệp. Với tất cả những tư liệu đó cùng hành vi có dấu hiệu phạm tội của mình, nghi can Chu Xuân Hiếu có thể bị truy tố theo khoản 2 điều 133 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt cao nhất tới 10 năm tù. 
Luật sư Nguyễn Văn Hướng (Đoàn Luật sư Hà Nội)