Nguyên tắc xác định người trúng cử

ANTĐ - Hỏi: Nguyên tắc xác định người trúng cử được quy định như thế nào? Biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội của Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm những nội dung gì? Trần Kim Thanh (Phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội)

Trả lời:

Nguyên tắc xác định người trúng cử được xác định như sau: Kết quả bầu cử được tính trên số phiếu bầu hợp lệ và chỉ được công nhận khi đã có quá ½ tổng số cử tri trong danh sách cử tri tại đơn vị bầu cử tham gia bầu cử, trừ trường hợp bầu cử lại mà số cử tri đi bầu cử vẫn chưa đạt quá ½ tổng số cử tri trong danh sách cử tri thì kết quả bầu cử lại được công nhận mà không tổ chức bầu cử lại lần thứ hai.

Người trúng cử phải là người ứng cử đạt số phiếu bầu quá 1/2 tổng số phiếu bầu hợp lệ. Trường hợp số người ứng cử đạt số phiếu bầu quá 1/2 tổng số phiếu bầu hợp lệ nhiều hơn số lượng đại biểu mà đơn vị bầu cử được bầu thì những người trúng cử là những người có số phiếu bầu cao hơn. Trường hợp cuối danh sách trúng cử có nhiều người được số phiếu bầu bằng nhau và nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử thì người nhiều tuổi hơn là người trúng cử.

Sau khi nhận, kiểm tra biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội của các Ban bầu cử và giải quyết khiếu nại, tố cáo (nếu có), Ủy ban bầu cử ở tỉnh lập biên bản xác định kết quả bầu cử ở địa phương. Biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội của Ủy ban bầu cử cấp tỉnh gồm các nội dung: Số lượng đơn vị bầu cử; số lượng người ứng cử; tổng số cử tri của địa phương; số lượng cử tri đã tham gia bỏ phiếu, tỷ lệ so với tổng số cử tri của địa phương; số phiếu hợp lệ; số phiếu không hợp lệ; số phiếu bầu cho mỗi người ứng cử. Ngoài ra trong biên bản này cần ghi rõ danh sách những người trúng cử theo từng đơn vị bầu cử; những khiếu nại, tố cáo do tổ bầu cử, ban bầu cử đã giải quyết; những việc quan trọng đã xảy ra và kết quả giải quyết…

Biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được lập thành 4 bản, có chữ ký của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Ủy ban bầu cử. Biên bản được gửi đến Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh chậm nhất là 7 ngày sau ngày bầu cử.