Mượn xe máy đi cầm cố để vay tiền phạm tội gì?

ANTĐ - Khi đang ngồi uống bia cùng L., H. thì T. gọi điện thoại rủ chị A. là người quen của mình đến ngồi cùng. Chị A. đồng ý và điều khiển xe máy nhãn hiệu Attila đến ngồi cùng với T., H., L. Khoảng 20 phút sau, T. nói với chị A.: “Chị cho em mượn xe đi mua card điện thoại”. Chị A. đồng ý và giao chìa khóa xe cho T. Sau đó T. điều khiển xe đi mua card điện thoại và tiếp tục đi chơi mà không về trả xe cho chị A. 

Xe hết xăng, T. vào đổ xăng thì phát hiện trong cốp xe của chị A. có số tiền 5 triệu đồng. T. lấy hết số tiền tiêu xài và nảy sinh ý định chiếm đoạt chiếc xe máy của chị A. Do có quen biết từ trước nên T. gọi điện thoại cho anh X. mượn số tiền 10 triệu đồng. Để tạo sự tin tưởng, T. viết giấy bán xe máy của chị A. cho anh X với giá 10 triệu đồng. T. nói với anh X. là xe của chị gái mình. Sau đó, khi X. điều khiển xe máy chở T. đi chơi thì bị lực lượng Cảnh sát giao thông lập biên bản tạm giữ do vi phạm Luật Giao thông. Sau khi sự việc xảy ra, chị A. không liên lạc được với T. nên đến cơ quan công an trình báo vụ việc. T. sau đó bỏ trốn khỏi địa phương. 

Vấn đề cần tranh luận trong vụ việc này là T. phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản?

Mượn xe máy đi cầm cố để vay tiền phạm tội gì? ảnh 1Minh họa: Internet

Ý kiến bạn đọc 

T. phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản 

Khi phân tích các dấu hiệu trong cấu thành tội phạm của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 139, Bộ luật Hình sự cho thấy dấu hiệu đặc trưng của tội phạm này là người phạm tội có hành vi gian dối để người chủ tài sản tự nguyện trao tài sản. Theo đó, gian dối cần được hiểu là hành vi tạo thông tin giả nhằm đánh lừa người khác, hoặc thực hiện các thủ đoạn khác nhằm mục đích tạo lòng tin của người bị hại đối với người phạm tội về sự việc, thông tin không đúng sự thật nhằm cho người khác tin là sự thật để chiếm đoạt tài sản. Trong vụ việc này các hành vi phạm tội của T. là lợi dụng sự tin tưởng để chị A. giao chìa khóa xe; đưa ra thông tin sai sự thật làm cho người khác tin đó là sự thật bằng cách  lập hợp đồng để anh X. tin tưởng đó là sự thật. Như vậy T. đã phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nguyễn Duy Thái (Yên Mô - Ninh Bình)

T. phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Người lừa đảo chiếm đoạt tài sản phải có hành vi gian dối gây lòng tin đối với chủ tài sản, làm chủ tài sản tin tưởng mà trao tài sản cho mình. Hay nói cách khác để chiếm đoạt được tài sản, người phạm tội lừa đảo phải dùng thủ đoạn gian dối trước. Chính thủ đoạn gian dối là nguyên nhân làm người có tài sản tin tưởng mà trao tài sản. Thủ đoạn gian dối là nguyên nhân nhận được tài sản của người khác để chiếm đoạt tài sản ấy. Tuy nhiên trong vụ án này, T. nhận được xe máy từ chị A một cách hợp pháp, ngay thẳng với lý do đi mua card điện thoại. Sau khi nhận được xe máy T. mới nảy sinh và thực hiện hành vi chiếm đoạt xe máy của chị A. Sự chiếm đoạt tài sản xảy ra sau khi nhận được tài sản nên có thể coi hành vi của T. là lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là bội tín (phản bội lòng tin) của chủ tài sản. Do đó theo tôi, T. đã phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Nguyễn Thị Thủy (Trùng Khánh - Cao Bằng)

Mức phạt sẽ tùy theo giá trị của xe

Theo tôi, trong trường hợp này ban đầu T đã mượn chiếc xe máy từ chị A một cách hợp pháp. Tuy nhiên, sau khi nhận được xe máy của chị A, T đã thực hiện hành vi gian dối, dùng chiếc xe của chị A để thế chấp vay tiền. Căn cứ vào mục đích ngay từ đầu và ý tưởng nảy sinh chiếm đoạt xe máy của chị A, tôi cho rằng T đã phạm tội lạm dụng chiếm đoạt tài sản. Trong vụ việc này, để kết tội T, cơ quan chức năng cần dựa vào tình tiết vụ án, giá trị chiếc xe máy kết hợp với nhân thân của T thì  mới có thể kết tội và đưa ra mức hình phạt chính xác phù hợp với quy định của pháp luât.


Nguyễn Đình Chinh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội)

Bình luận của luật sư 

Trước hết cần xét đến hành vi của T. ở tội trộm cắp tài sản. Trước khi phạm tội danh khác, T. đã tự ý lấy tiền trong cốp xe của chị A. để tiêu xài. Hành vi này thỏa mãn dấu hiệu lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác trong cấu thành tội trộm cắp tài sản được quy định tại Điều 138, Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, dấu hiệu thứ hai trong cấu thành tội trộm cắp tài sản là dấu hiệu chiếm đoạt được thể hiện ở đây T. đã dịch chuyển được tài sản trộm cắp là tiền trong cốp xe ra khỏi vị trí và sự kiểm soát của chủ tài sản, cho nên tội phạm được coi đã hoàn thành. Dấu hiệu lén lút đối với người chủ tài sản là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội trộm cắp tài sản. Tội phạm là thể thống nhất giữa mặt khách quan và mặt chủ quan. Ở đây, hành vi khách quan là hành vi trộm cắp tài sản, hoàn toàn thống nhất với ý định trộm cắp tài sản. 

Khi thực hiện hành vi phạm tội lấy tiền trong cốp xe, T. không hề nghĩ đến việc lừa đảo. Mục đích phạm tội của T. là chiếm đoạt tiền tiêu xài không có sự đồng ý của chủ sở hữu. Sau đó bằng thủ đoạn gian dối, lợi dụng sự tin tưởng của chủ sở hữu tài sản mà đã chiếm đoạt xe máy. Hành vi này độc lập hoàn toàn với hành vi trộm tiền trong cốp xe, hơn nữa các hành vi xảy ra ở hai thời điểm khác nhau, sự thống nhất giữa mặt khách quan và chủ quan của tội phạm trong lần sau đối với chiếc xe máy hoàn toàn độc lập với cấu thành tội phạm ở việc trộm tiền trong cốp xe trước đó. Như vậy, ngay từ trong ý nghĩ của T. là độc lập: Lấy tiền tiêu xài cá nhân xong (đủ yếu tố cấu thành tội trộm cắp tài sản). Tiếp đó T. đã lợi dụng sự tin tưởng của chủ sở hữu và bằng thủ đoạn gian dối đã cầm cố chiếc xe để lấy tiền. Và hành vi tiếp theo đó của T đã phạm vào tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Tuy nhiên, ở đây cần có sự phân biệt giữa tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. 

Khoản 1, Điều 139, Bộ luật Hình sự quy định: “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng trở lên hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt từ từ sáu tháng đến ba năm”.

Khoản 1, Điều 140, Bộ luật Hình sự quy định: “Người có một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ bốn triệu đồng trở lên hoặc dưới bốn triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt từ từ sáu tháng đến ba năm”.

- Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó.

- Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản”.

Do cả hai Điều luật này đều chứa đựng nội hàm gần giống nhau đó là: Đều có thủ đoạn gian dối tức là sự dối trá của người phạm tội; đều nhằm mục đích là chiếm đoạt tài sản; đều được chủ sở hữu sự tin tưởng và giao tài sản... Tuy nhiên để phân biệt hai tội này như sau:

1. Đối với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản cần phải thỏa mãn các yếu tố đặc trưng sau:

 - Có thủ đoạn gian dối trước khi thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

 - Mục đích chiếm đoạt tài sản có trước khi nhận được tài sản.

 - Định lượng để truy cứu trách nhiệm hình sự là từ 2 triệu đồng trở lên (nếu không thuộc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản chưa được xóa án tích).

2. Đối với tội danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản cần phải thỏa mãn các yếu tố đặc trưng sau:

 - Hành vi gian dối phát sinh sau khi nhận được tài sản một cách hợp pháp (vay, mượn, thuê...) tài sản.

-  Mục đích chiếm đoạt tài sản phát sinh sau khi nhận được tài sản.

Như vậy có thể thấy T. chỉ có ý định phạm tội sau khi đã mượn được xe của chị A. Do đó hành vi của T. đã phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.