Cướp của thai phụ, gây sảy thai bị truy cứu tội danh gì?

ANTĐ - Ngày 11-5, công an đã tạm giữ nghi can Võ Văn T. (22 tuổi), trú tại huyện Nghi Lộc (Nghệ An). Trước đó, trưa ngày 9-5, cơ quan công an nhận được đơn của chị Nguyễn Thu N. (22 tuổi) trình báo về sự việc chị đang đi xe máy trên đường về nhà thì bị một thanh niên đạp ngã, cướp chiếc điện thoại di động iPhone 6 và gần 13 triệu đồng. Tại thời điểm bị cướp, chị N. đang mang thai, sau khi bị Võ Văn T. đạp ngã, chị N. đã được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng đã bị hỏng thai. 

Minh họa: Internet

Nội dung vụ việc

Theo chị N. mô tả, nghi phạm cao khoảng 1m65 trở lên, mặc quần jean, đội mũ bảo hiểm đỏ, đi xe máy hiệu Honda Dream. Đến khoảng 13h cùng ngày, cơ quan công an nhận được thông tin về một nghi phạm có đặc điểm giống như chị N. mô tả. Sau khi nhận dạng đúng nghi phạm, một nhóm trinh sát bất ngờ áp sát, chốt chặn để kiểm tra hành chính người này và thu giữ chiếc điện thoại iPhone 6 cùng chiếc ví màu đỏ bên trong có 13 triệu đồng.

Tại cơ quan điều tra, bước đầu đã khai nhận do thiếu tiền trả nợ đã nảy sinh ý định cướp tài sản. Thấy chị N. đi xe máy SH trên đoạn đường vắng, T. áp sát xe rồi đạp ngã xe chị N. cướp điện thoại và tiền. Gây án xong, T. tẩu thoát khỏi hiện trường, đem tài sản đi tiêu thụ thì bị công an bắt giữ.

Vấn đề đặt ra là hành vi đạp ngã thai phụ đi xe máy cướp tài sản dẫn đến sảy thai bị truy cứu những tội danh gì?

 Ý kiến bạn đọc 

Đây là hành vi giết người

Việc chị Nguyễn Thu N. bị Võ Văn T. đạp ngã dẫn tới bị hỏng thai thì đây chính là hành vi giết người. Chị N. đã mang thai và thai nhi trong bụng chị N. đã là một cơ thể sống bình thường. Hành động đạp ngã chị N. để cướp tài sản của T. đã gây ra nguy hiểm cho chị N. và con mình, hậu quả của hành vi đó đã khiến cho chị N. bị hỏng thai.

Nếu như T. không thực hiện hành vi của mình thì cháu bé trong bụng chị N. sẽ ra đời và trưởng thành như một người bình thường. Do đó hành vi của Võ Văn T. làm chị N. sảy thai đồng nghĩa với việc đã xâm phạm đến quyền được sống của bào thai đó. Do vậy, cần phải xử lý T. về hành vi giết người.

      Nguyễn Quốc Hưng (Đông Hà - Thái Bình) 

Phải xử lý thêm tội cố ý gây thương tích

Theo tôi, hành vi đạp xe máy để cướp tài sản của Võ Văn T. làm cho chị N. bị hỏng thai tức là đã đã cố ý làm tổn hại đến sức khỏe của chi T. Người phụ nữ đang mang thai là người không có khả năng hoặc hạn chế khả năng tự vệ, chỉ cần có tác động tiêu cực từ bên ngoài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường, gây nguy hiểm đối với thai nhi và sức khỏe của người mẹ.

Hơn nữa phụ nữ đang có thai là chủ thể được pháp luật quan tâm, bảo vệ một cách đặc biệt. Cụ thể, Điều 104, Bộ luật Hình sự quy định người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc trường hợp đối với phụ nữ có thai thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Do đó, tôi cho rằng, ngoài hành vi về các tội xâm phạm sở hữu cần phải xét xử T. về tội cố ý gây thương tích.

     Hoàng Văn Phong (TP Yên Bái - Yên Bái )

Chỉ phạm tội cướp tài sản

Tôi cho rằng mục đích ban đầu của T. chỉ là cướp tài sản của chị N. Quá trình cướp tài sản T. đã sử dụng vũ lực để đạt được mục đích của mình. Do đó việc chị N. đang có thai và bị sảy thai là hệ quả của hành động dùng vũ lực của T. để cướp tài sản chị N.

Theo quy định của Bộ luật Hình sự liên quan đến tội cướp tài sản, nếu hậu quả xảy ra là thiệt hại về sức khỏe thì người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản với tình tiết gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

Trong trường hợp này, sau khi có căn cứ vào kết quả giám định sức khỏe của chị N. thì theo tôi đó chỉ là tình tiết tăng nặng cho hành vi phạm tội của T. và T. chỉ phạm vào tội cướp tài sản theo Điều 133, Bộ luật Hình sự.

     Đoàn Thị Quỳnh (Đông Anh - Hà Nội)

 Bình luận của luật sư 

Trong vụ việc này, trước hết có thể khẳng định, hành vi của Võ Văn T. đã phạm vào tội cướp tài sản theo Điều 133, Bộ luật Hình sự. Theo đó hành vi cướp tài sản được mô tả như sau: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù...”.

Trong vụ án này, nếu sau khi điều tra, xác minh, cơ quan pháp luật đủ căn cứ kết luận đối tượng Võ Văn T. đã có hành vi dùng vũ lực, đạp ngã chị N. cùng xe máy khiến chị N. lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản thì hành vi của T. đã có dấu hiệu của tội cướp tài sản.

Về hành vi đạp ngã thai phụ đi xe máy cướp tài sản dẫn đến sảy thai, có ý kiến cho rằng đây là hành vi giết người. Tuy nhiên, căn cứ theo Điều 93, Bộ luật Hình sự quy định về tội giết người thì giết người là hành vi cố ý tước bỏ quyền sống của người khác một cách trái pháp luật.

Khách thể của tội giết người là tính mạng của con người. Đối tượng tác động của tội giết người là thân thể con người đang sống được tính từ thời điểm được sinh ra cho đến khi chết đi. Thai nhi không được xem là một con người đang sống cho đến khi được sinh ra và còn sống. Hành vi xâm hại thai nhi không được xem là hành vi giết người. Do đó trong vụ việc này hành vi đạp ngã xe dẫn đến việc chị N. bị hỏng thai không được xem là hành vi giết người.

Về ý kiến cho rằng cần phải xem xét hành vi của T. khi đạp ngã chị N. để cướp tài sản dẫn đến chị N. bị sảy thai là tội cố ý gây thương tích. Trong một vụ án cướp tài sản, có thể có trường hợp xét xử cả về tội cố ý gây thương tích. Tuy nhiên, trong trường hợp này, phải chứng minh về mặt ý chí, người phạm tội đã cố tình gây ra thương tích cho nạn nhân, mặc dù nạn nhân đã ở trong tình trạng không thể chống cự được.

Hoặc mục đích của kẻ phạm tội, ngoài cướp tài sản, còn cố ý gây ra thương tích cho nạn nhân. Ví dụ khi A. có thù với B., đến đánh B., gây thương tích cho B. mục đích cho hả giận, ngay sau đó, thấy B. có tài sản thì chiếm đoạt luôn. Trong trường hợp này, A. sẽ phải chịu trách nhiệm về cả hai tội cố ý gây thương tích và cướp tài sản.

Còn trong trường hợp A. đánh B., gây thương tích cho B. chỉ với một mục đích là chiếm đoạt tài sản thì chỉ xử về tội cướp tài sản, áp dụng các tình tiết định khung tăng nặng liên quan đến thương tích của B. Như vậy, trong trường hợp việc sử dụng vũ lực khi thực hiện hành vi cướp tài sản gây tra thương tích, ảnh hưởng đến sức khỏe của nạn nhân (thậm chí làm nạn nhân chết) thì sẽ bị áp dụng các tình tiết định khung tăng nặng quy định trong tội cướp tài sản, ví dụ điểm đ khoản 2; điểm a khoản 3; điểm a khoản 4, Điều 133, Bộ luật Hình sự. 

Trong vụ án này, T. sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản. Căn cứ vào kết quả giám định sức khỏe của chị N., T. còn có thể bị áp dụng các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như: phạm tội đối với phụ nữ có thai; phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về tình tiết “phạm tội đối với trẻ em, phụ nữ có thai, người già” quy định tại điểm h, khoản 1, Điều 48 của Bộ luật Hình sự: chỉ áp dụng tình tiết phạm tội đối với trẻ em, phụ nữ có thai, người già đối với những trường hợp phạm tội do lỗi cố ý, không phụ thuộc vào ý thức chủ quan của bị cáo có nhận biết được hay không nhận biết được người bị xâm hại là trẻ em, phụ nữ có thai, người già.

Do đó, theo quy định của pháp luật, trong vụ việc này  T. sẽ bị áp dụng tình tiết tăng nặng phạm tội đối với phụ nữ có thai mà không phụ thuộc vào việc khi phạm tội, T. có biết nạn nhân có thai hay không.

Như vậy, căn cứ vào điểm h, khoản 1, Điều 48 và Điều 133, Bộ luật Hình sự, khi truy cứu trách nhiệm hình sự với T. về tội cướp tài sản, căn cứ vào kết quả giám định sức khỏe của chị N., T. còn bị áp dụng các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là phạm tội đối với phụ nữ có thai, phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng.

Điều 48. Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự

1. Chỉ các tình tiết sau đây mới là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự:

h) Phạm tội đối với trẻ em, phụ nữ có thai, người già, người ở trong tình trạng không thể tự vệ được hoặc đối với người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác.

Điều 133. Tội cướp tài sản 

1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%;

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;

b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười tám năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người;

b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

Luật sư Chu Mạnh Cường, (Trưởng Văn phòng Luật sư Danh Chính, Đoàn Luật sư Hà Nội)