Chế tài chưa tương xứng với hành vi phạm tội và hậu quả

ANTĐ - Nói về hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc thiết bị số để hoạt động tội phạm, luật sư Chu Mạnh Cường - Trưởng VPLS Danh Chính (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) chia sẻ. 

Chế tài chưa tương xứng với hành vi phạm tội và hậu quả ảnh 1Luật sư Chu Mạnh Cường

Điều 226 - BLHS quy định: “Người nào đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trường hợp phạm tội có tổ chức hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì bị xử phạt từ 2 năm tù đến 7 năm tù”.

 Với quy định nêu trên có thể thấy đây là một loại tội phạm mới liên quan đến việc sử dụng công nghệ cao. Hành vi sử dụng thiết bị số, mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet nghe lén điện thoại của người khác rồi đưa lên mạng, hậu quả của nó sẽ khó có thể “cân đong đo đếm”. Đơn cử như ai đó bị xâm phạm đời tư cá nhân, dẫn đến gia đình “đổ vỡ” thì rõ ràng hậu quả rất nghiêm trọng. Rộng hơn, đối với các tổ chức kinh tế nếu bị đánh cắp thông tin trong làm ăn, kinh doanh thì việc bị thiệt hại vài tỷ đồng đến hàng trăm tỷ đồng sẽ lập tức xảy ra và chắc chắn đây cũng là hậu quả vô cùng nặng nề. 

Căn cứ quy định của điều luật (Điều 226) có thể thấy, phạm vi áp dụng là rất rộng. Người phạm tội chỉ cần có hành vi được quy định trong điều luật, xâm phạm lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân, xâm phạm trật tự an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng là có thể bị xử lý bằng hình sự. Tuy nhiên, mức hình phạt cao nhất đối với hành vi phạm tội theo Điều 226 cũng chỉ lên đến 7 năm tù giam. Do đó, hoàn toàn có thể khẳng định rằng chế tài đối với hành vi đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet cùng hậu quả của nó là chưa tương thích với nhau.

Mặt khác, với quy định của pháp luật hiện nay thì hậu quả nghiêm trọng, tính nghiêm trọng đối với hành vi phạm tội này cũng chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể để áp dụng một cách thống nhất và chặt chẽ. Nói cách khác, hậu quả thế nào thì được coi là nghiêm trọng, hậu quả thế nào là rất nghiêm trọng và hậu quả thế nào là đặc biệt nghiêm trọng vẫn chưa thể định lượng rõ ràng.

Từ đó, có thể thấy quy định pháp luật vẫn chưa dự liệu được hết tính nghiêm trọng cùng hậu quả của hành vi đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet.