Bỏ rơi con đẻ dẫn đến tử vong, phạm tội gì?

ANTĐ - Khoảng 6h sáng 18-4, khi bước ra mở cổng chùa Ngọc Tín, đường Sương Nguyệt Ánh, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, sư cô Phan Thị Chánh (Trụ trì chùa Ngọc Tín) phát hiện một hộp đựng có hai lớp không biết rõ là vật gì. Sau đó, sư cô nhờ một ni cô trong chùa đem đi để ở một góc trong khuôn viên chùa. 

Bỏ rơi con đẻ dẫn đến tử vong, phạm tội gì? ảnh 1

Minh họa: Internet

Nội dung vụ án

Khoảng 7h sáng, sau khi ăn cơm xong, có nhiều phật tử đến chùa làm lễ. Tại đây, một phật tử đã tò mò mở hộp đựng ra và tá hỏa phát hiện thi thể một bé gái sơ sinh. Ngay sau đó, người phật tử này gọi điện trình báo vụ việc cho Công an TP Đà Lạt.

Nhận được tin báo, Công an TP Đà Lạt đã đến hiện trường ghi nhận vụ việc. Theo sư cô trụ trì, sau khi lực lượng chức năng làm việc xong, thai nhi xấu số đã được an táng tại chùa Ngọc Tín, tro cốt được giữ lại chùa. Liên quan đến vụ việc trên, sư cô Phan Thị Chánh cũng cho biết thêm, từ trước đến giờ, đây là trường hợp đầu tiên phát hiện thi thể một bé gái sơ sinh trước cổng chùa.

Theo sư cô, ở chùa cũng đã có 3 trường hợp cháu bé đựng trong nôi và bị bỏ rơi trong khuôn viên chùa nhưng hầu như các cháu đều đã 2, 3 ngày tuổi nên được chùa cứu sống, nuôi lớn. Trước đó, vào tháng 6-2014, tại đường Trần Quý Cáp, TP Đà Lạt, người dân cũng đã phát hiện thi thể một bé trai sơ sinh, nặng khoảng 3,5kg bị bỏ rơi trong túi xách màu xanh ở đống rác bên đường. Hiện cơ quan Công an TP Đà Lạt đang xác minh, làm rõ ai là người đã cố tình từ bỏ trẻ sơ sinh này. 

Vấn đề cần tranh luận ở đây là trong trường hợp cha mẹ bỏ rơi con dẫn đến đứa trẻ tử vong thì phạm tội gì?

Ý kiến bạn đọc 

Phạm tội giết người

Theo tôi, hành vi bỏ rơi con đẻ dẫn đến đứa trẻ tử vong là hành vi hết sức độc ác và nhẫn tâm của người mẹ. Hành vi này có đủ yếu tố để cấu thành tội giết người theo quy định tại Điều 93, Bộ luật Hình sự. Theo đó, về khách thể hành vi bỏ rơi con đẻ đến chết đã xâm phạm đến tính mạng của người khác (quyền được bảo vệ về tính mạng). Về mặt chủ quan, người mẹ trong vụ việc này đã thực hiện tội phạm với lỗi cố ý.

Điều đó được thể hiện ở chỗ người mẹ đã bỏ rơi con mình ở trong hộp kín, thể hiện sự cố ý mong muốn con mình sẽ chết. Thực tế, khi người mẹ này để con mình ở trước cửa chùa đã không để lại thư hay lời nhắn nào, vì vậy khi sư trụ trì phát hiện thì không biết trong đó có cháu bé và khi người khác mở hộp ra thì lúc đó cháu bé đã chết. Tôi cho rằng nếu phát hiện được người mẹ đã nhẫn tâm bỏ rơi con mình cần phải xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật
                                            Nguyễn Hồng Hà (Kỳ Anh - Hà Tĩnh)

Tội giết con mới đẻ
Điều 94, Bộ luật Hình sự quy định về tội giết con mới đẻ. Theo đó, người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con mới đẻ hoặc vứt bỏ đứa trẻ đó dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Như vậy là có 2 hành vi được quy định trong Điều 94, Bộ luật Hình sự: “Giết chết” (chôn sống, cho uống thuốc độc, bóp cổ…) và “vứt bỏ” (để mặc đứa trẻ và biết nó sẽ chết). Trong trường hợp của vụ việc này, người mẹ đã có hành vi cho con mình vào hộp kín và để mặc trước cửa chùa.

Dù có thể người mẹ này có ý định sẽ nhờ nhà chùa nuôi giúp, tuy nhiên hành vi bỏ mặc  cháu bé mới sinh ở một nơi không có người quan tâm, chăm sóc đã khiến cháu bé tử vong. Tôi cho rằng hành vi của người mẹ này đã cấu thành tội giết con mới đẻ và cần phải bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
                                                            Đỗ Tuấn Anh (Ba Vì - Hà Nội)

Xem xét tâm, sinh lý người phạm tội
Tôi nghĩ rằng tất cả những người mẹ đều có bản năng làm mẹ, không ai muốn vứt bỏ đứa con mình mang nặng đẻ đau. Có thể vì hoàn cảnh quẫn bách như thế nào đó mới khiến người mẹ này có suy nghĩ nông nổi như vậy. Tôi tin là không ai có thể hiểu hoàn cảnh bất đắc dĩ của người mẹ này bằng chính chị ta.

Chỉ có ở hoàn cảnh của người mẹ đó mới biết vì sao chị phải quyết định làm một việc đau lòng đến thế. Tôi rất băn khoăn là tại sao cả quá trình mang thai sắp đến ngày sinh nở mà người thân của chị không hề hay biết, cũng như không có ai bên cạnh khi sinh nở. Hành vi của người phụ nữ này chắc chắn đã vi phạm pháp luật và sẽ bị pháp luật trừng phạt nghiêm khắc.

Tuy nhiên, cũng cần xem xét đến yếu tố tâm, sinh lý đặc thù của người phạm tội bởi kết quả nghiên cứu và thực tế đã khẳng định phụ nữ sau sinh thường có tâm lý không ổn định, dễ bị tổn thương nên dễ có những hành vi ngoài tầm kiểm soát.
                                             Nguyễn Lan Anh (Lê Chân - Hải Phòng)

 Bình luận của luật sư 

Trong thời gian vừa qua, do nhiều nguyên nhân đã xảy ra những trường hợp vứt bỏ con sau khi mới sinh. Có trường hợp cháu bé được phát hiện và cứu sống, không ít trường hợp khi được phát hiện thì cháu bé đã tử vong. Thực trạng này đã gây ra nhiều bức xúc trong xã hội, đặt ra yêu cầu cần phải xử lý nghiêm khắc đối với hành vi này.

Theo Công ước quốc tế về quyền trẻ em đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 20-11-1989, mọi trẻ em sinh ra đều có quyền được sống, được chăm sóc, nuôi dưỡng trước cũng như sau khi ra đời: “Các bậc cha mẹ là những người chịu trách nhiệm chính trong việc nuôi nấng và giáo dục con cái của mình, cung cấp cho các em cơm ăn, áo mặc…”.

Điều 4, 6 và 7, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định: “Trẻ em, không phân biệt gái, trai, con trong giá thú, con ngoài giá thú, con đẻ, con nuôi, con riêng, con chung... đều được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, được hưởng các quyền theo quy định của pháp luật”; “Mọi hành vi vi phạm quyền của trẻ em, làm tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em đều bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật”. Còn theo Luật Hôn nhân và Gia đình, cha mẹ có nghĩa vụ “thương yêu, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con...”.

Luật cũng quy định cha mẹ không được “ngược đãi, hành hạ, xúc phạm con”. Việc bỏ rơi con nhỏ đã vi phạm tất cả những điều luật trên. Nghị định số 144/2013/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 29-10-2013 cũng quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Cụ thể, mức phạt tiền từ 10-15 triệu đồng được áp dụng đối với trường hợp bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh; cha mẹ, người giám hộ không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng, cắt đứt quan hệ tình cảm và vật chất với trẻ em, cố ý bỏ rơi trẻ em ở nơi công cộng, bỏ mặc hoặc ép buộc trẻ không sống cùng gia đình, bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em để trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

Hành vi vứt bỏ con mới đẻ là hành vi vi phạm pháp luật, đáng bị lên án về đạo đức. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng bị xử lý về hình sự. Đây là loại tội phạm có cấu thành vật chất, tức là yêu cầu phải có hậu quả chết người xảy ra thì mới phạm tội. Do đó, trong trường hợp người mẹ vứt bỏ con mới đẻ, nhưng sau đó cháu bé được phát hiện và không tử vong thì cũng không thể xử lý về hình sự được, mà chỉ có thể xử lý về hành chính hoặc lên án về mặt đạo đức.

Trong trường hợp cháu bé thiệt mạng khi bị bỏ rơi, người mẹ rất có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. Do chưa xác định được cụ thể nên có phân ra thành những trường hợp sau:

- Hành vi đem vứt đứa trẻ được thực hiện khi đứa trẻ sinh ra chưa được 7 ngày tuổi.
Điều 94, Bộ luật Hình sự quy định về tội giết con mới đẻ như sau: “Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con mới đẻ hoặc vứt bỏ đứa trẻ đó dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.

Điểm b, Điều 1, Chương II, Nghị quyết 04/HĐTP ngày 29-11-1986 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn: “Con mới đẻ là đứa trẻ mới sinh ra trong 7 ngày trở lại”.

Nếu đứa trẻ sinh ra chưa được 7 ngày mà người mẹ đem vứt bỏ dẫn đến hậu quả đứa trẻ bị chết thì hành vi này có thể cấu thành tội giết con mới đẻ quy định tại Điều 94, Bộ luật Hình sự. Tùy thuộc vào mức độ phạm tội, hành vi này có thể phải chịu phạt tù từ ba tháng đến hai năm hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm.

- Nếu đứa trẻ bị vứt bỏ đã trên 7 ngày tuổi.
Trong trường hợp đứa trẻ đã trên 7 ngày tuổi thì hành vi đem con vứt bỏ dẫn đến hậu quả con bị chết có thể phạm tội giết người theo Điều 93, Bộ luật Hình sự hoặc phạm tội vô ý làm chết người theo Điều 98, Bộ luật Hình sự tùy thuộc vào việc chứng minh nhận thức chủ quan của người phạm tội hay nói cách khác là phụ thuộc vào việc xác định lỗi của người phạm tội sau khi thực hiện hành vi bỏ đứa trẻ.

Với trường hợp phạm tội giết người theo Điều 93, Bộ luật Hình sự. Lỗi của người phạm tội là cố ý. Có thể là lỗi cố ý trực tiếp hay lỗi cố ý gián tiếp. Lỗi cố ý trực tiếp: Người mẹ thấy trước hậu quả là cái chết của con mình có thể xảy ra, nhưng vì mong muốn hậu quả đó xảy ra nên đã thực hiện hành vi phạm tội.

Lỗi cố ý gián tiếp: Người mẹ nhận thức được hành vi của mình có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của con, thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra, nhưng để đạt được mục đích của mình nên đã có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra (có ý thức chấp nhận hậu quả đó).

Trong trường hợp phạm tội vô ý làm chết người theo Điều 98, Bộ luật Hình sự. Việc bỏ đứa trẻ non nớt ngoài trời như vậy người mẹ chắc chắn phải biết trước hành động đó có thể gây đến cái chết cho đứa trẻ, tuy nhiên có thể người mẹ đó tin rằng hậu quả đó không xảy ra vì nghĩ rằng đứa trẻ chắc chắn sẽ được một ai đó tìm thấy sớm.

Người phạm tội vô ý làm chết một người bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1, Điều 98, Bộ luật Hình sự có khung hình phạt từ sáu tháng đến năm năm tù, nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1, Điều 46, Bộ luật Hình sự thì Tòa án có thể áp dụng Điều 47, Bộ luật Hình sự phạt người phạm tội dưới sáu tháng tù hoặc chuyển sang loại hình phạt khác nhẹ hơn. 
Luật sư Chu Mạnh Cường, (Trưởng Văn phòng Luật sư Danh Chính, Đoàn Luật sư TP Hà Nội)