Án lệ khắc phục khiếm khuyết của pháp luật

ANTĐ - Trước yêu cầu cải cách tư pháp và thi hành Hiến pháp năm 2013, áp dụng án lệ trong xét xử đang là nhiệm vụ cấp thiết. Bởi nó được kỳ vọng sẽ khắc phục những khoảng trống của luật thành văn, đồng thời còn ngăn ngừa hiệu quả tính vô trách nhiệm trong hoạt động tư pháp. Song quyết định và bản án như thế nào thì trở thành án lệ lại là vấn đề không đơn giản.   

Án lệ khắc phục khiếm khuyết của pháp luật ảnh 1

Từ chối án lệ là hạn chế của pháp luật

Đưa ra ý kiến tại cuộc Hội thảo xây dựng tập án lệ đầu tiên mới đây, tại Hà Nội, TS Nguyễn Văn Nam, Phó trưởng khoa Luật, Học viện An ninh nhân dân viện dẫn, tại khoản 3, Điều 104, Hiến pháp năm 2013 xác định: “Tòa án nhân dân Tối cao tổng kết thực tiễn xét xử, đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử”.

Phân tích về điểm này, TS Nguyễn Văn Nam đánh giá, tổng kết kinh nghiệm xét xử là hoạt động thường xuyên của TAND Tối cao với nhiều hình thức. Tuy nhiên, việc Hiến pháp năm 2013 ghi nhận TAND Tối cao tổng kết thực tiễn xét xử còn mở ra con đường phát triển án lệ trong hoạt động tư pháp. Đây thực sự là điểm rất mới mà Bộ luật gốc của quốc gia xác định.

Cũng theo đại diện của Học viện An ninh nhân dân tại hội thảo, thể chế tinh thần của Hiến pháp mới, Luật Tổ chức TAND năm 2014 quy định: “Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao có nhiệm vụ, quyền hạn lựa chọn, quyết định Giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố để các tòa án nghiên cứu áp dụng trong xét xử”.

Và cơ sở pháp lý tiếp theo là Nghị quyết số 03 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ngày 28-10-2015 về quy trình lựa chọn, công bố, áp dụng án lệ. Về bản chất, vị trí án lệ trong hệ thống pháp luật Việt Nam, theo TS Nguyễn Văn Nam, trước hết án lệ phải là bản án, quyết định của tòa án mà khi nhắc tới án lệ đồng nghĩa với việc nhắc tới bản án, quyết định cụ thể của tòa án ở một vụ việc cụ thể.

Thứ hai, không phải tất cả các tòa đều có thẩm quyền tạo ra án lệ. Ngược lại cũng không phải mọi bản án, quyết định của tòa án cấp cao nhất đều được coi là án lệ. Đối với tính hiệu lực, án lệ phải được thừa nhận trong mối quan hệ, lĩnh vực mà mỗi hệ thống pháp luật điều chỉnh. Mặc dù vậy, nhưng theo chuyên gia pháp lý này thì án lệ có giá trị thấp hơn so với luật thành văn do cơ quan lập pháp ban hành. “Án lệ có thể bị bãi bỏ bởi luật do cơ quan lập pháp ban hành”, TS Nguyễn Văn Nam nhìn nhận.

Từ những phân tích về giá trị của án lệ, TS Nguyễn Văn Nam khẳng định, thừa nhận án lệ là một nguồn luật bổ trợ cho các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan lập pháp ban hành sẽ không làm đảo lộn trật tự pháp lý của hệ thống pháp luật và nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa. Trong khi đó, sẽ là một hạn chế rất lớn của pháp luật nếu chúng ta từ chối vai trò án lệ. 

Phải mang tính chuẩn mực và điển hình

Đồng quan điểm, song luật sư, TS. Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng đưa ra một số băn khoăn. Trước hết, theo luật sư Phan Trung Hoài án lệ phải đảm bảo được 3 tiêu chí bắt buộc, đó là chứa đựng những lập luận để làm rõ những quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau, có tính chuẩn mực cao và có giá trị áp dụng thống nhất.

Nói về hiệu lực của quyết định, bản án được trở thành án lệ, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng ngoài các khó khăn về tiêu chí lựa chọn thì những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, kể cả quyết định Giám đốc thẩm, theo Bộ luật Tố tụng hình sự mới vẫn có thể bị xem xét lại ở một số trường hợp, một khi Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị.

“Khi nói đến bản án điển hình do tòa án các cấp ban hành, chúng tôi kỳ vọng nó không chỉ là bản án mẫu mực về vận dụng, áp dụng, cách hiểu thống nhất và đưa ra được quyết định áp dụng pháp luật một cách đúng đắn mà còn phải chứa đựng căn cứ để hình thành nên quyết định đó. Nó càng không phải là bản án mà quá trình điều tra phát hiện ra vi phạm nghiêm trọng về tố tụng, đồng thời phải bảo đảm được nguyên tắc bản án phải dựa trên kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa. Thậm chí văn phong pháp lý cũng phải mang tính chuẩn mực”, luật sư Phan Trung Hoài góp ý.

Chỉ ra tính chuẩn mực trong Quyết định GĐT số 19/2015HS-GĐT của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (dự thảo trở thành án lệ) ở vụ án Nguyễn Quý Hợi phạm tội Giết người vào năm 2011, luật sư Phan Trung Hoài cho rằng, với nhận định căn cứ vào vết trượt, vết cày xước trên mặt đường, từ đó kết luận tốc độ va chạm giữa 2 xe máy quá nhanh, ước khoảng 80 km/h thì cơ sở pháp lý không vững chắc. 

Tương tự, ở vụ án Ngô Quang Chướng và vụ án Thảo Cầm Viên (tại TP.HCM) đều có nội dung giống nhau ở các bị cáo chủ mưu nhưng lại được áp dụng hình phạt không giống nhau với một án tử hình và một án chung thân.

Bên cạnh đó, điều khiến luật sư Phan Trung Hoài băn khoăn như ở vụ án Huỳnh Thị Huyền Như phạm tội Lừa đảo chiếm tài sản. Quá trình điều tra, bị án Huỳnh Thị Huyền Như còn bị xem xét về một số hành vi khác, song các chuyên gia pháp lý không giải đáp được, dẫn đến Bộ trưởng Bộ Công an phải quyết định thành lập một tổ chuyên ngành để làm rõ “hành vi khác” là gì. Tuy nhiên, cho tới khi vụ án kết thúc vẫn chưa có lời giải đáp. Trong điều kiện như vậy thì việc xét xử và tranh tụng tại phiên tòa hết sức khó khăn. Vì thế ở trường hợp này, án lệ là vô cùng cần thiết.

             

Đồng quan điểm án lệ phải mang tính chuẩn mực và điển hình, TS Lê Hữu Thể,  Phó Viện trưởng VKSND Tối cao khẳng định: “Án lệ phải mang tính điền hình để  khi gặp phải trường hợp tương tự hoặc thấy giống thì phải mở ra xem. Ngoài ra, án lệ phải xứng với vấn đề mang tính phổ biến, không phải cá biệt và đặc biệt là không được trái với đạo đức xã hội”.

 Đưa ra ý kiến đóng góp xây dựng tập án lệ, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao nhấn mạnh, án lệ còn phải khắc phục và ngăn ngừa được tính vô trách nhiệm trong hoạt động tư pháp. “Điều tra mãi mà nghi phạm kêu oan suốt. Ông cán bộ tư pháp chỉ mặt bảo “không mày thì còn thằng nào vào đây nữa”, cái đó rất nguy hiểm. Mà muốn ngăn ngừa được việc này thì mọi cái đều phải rõ ràng”, TS Lê Hữu Thể nêu ý kiến.

Quá trình hội thảo, hàng loạt tham luận, góp ý cũng đã được gửi tới TAND Tối cao với hầu hết đại biểu tán thành tính ưu việt của án lệ, trong việc bổ trợ cho hệ thống quy phạm pháp luật được ban hành bởi cơ quan lập pháp. Được biết, TAND Tối cao dự kiến, trong quý II-2016 sẽ công bố tập án lệ đầu tiên để các cấp tòa án, thẩm phán vận dụng trong thực tiễn xét xử.

Minh bạch và tiên liệu được các quyết định của tòa án

Án lệ khắc phục khiếm khuyết của pháp luật ảnh 2

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình, trong bối cảnh đòi hỏi của người dân và xã hội đối với công tác tòa án ngày càng cao thì những nhiệm vụ thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án đang gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ phức tạp; nhiều quy định của pháp luật còn chưa rõ, còn có những vấn đề chưa được pháp luật quy định cụ thể. Vì vậy, việc áp dụng án lệ trong các phán quyết của tòa án chính là phương thức hiệu quả để khắc phục khiếm khuyết của pháp luật, bảo đảm việc áp dụng pháp luật thống nhất trong xét xử, tạo tính ổn định, minh bạch và tiên liệu được trong các quyết định của tòa án.

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 2, Điều 4, Bộ luật Dân sự thì tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Đối với loại việc này, án lệ chính là căn cứ mà tòa án có thể áp dụng để giải quyết. Mặt khác, trong bối cảnh nước ta đang tích cực hội nhập quốc tế, áp dụng án lệ trong xét xử sẽ góp phần nâng cao năng lực của tòa án trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự, thương mại, đặc biệt là những tranh chấp có yếu tố nước ngoài, bảo đảm phán quyết của tòa án phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế.