Chừa đất sống cho thực phẩm bẩn là nuôi đại dịch ung thư bằng lòng tham (2):

Vì sao thực phẩm bẩn hoành hành, đầu độc mọi người?

ANTĐ -Cơ chế kiểm tra, xử lý, giám sát còn nhiều lỗ hổng và yếu kém, những bon chen và toan tính của cuộc sống hiện đại khiến con người ta quay cuồng trong tham vọng, để rồi bằng mọi thủ đoạn thỏa mãn lòng tham, thờ ơ trước mối hiểm họa đe dọa chính đồng loại.

Tham lam từ người trồng, kẻ bán

Thời gian gần đây, các lực lượng chức năng liên tục phát hiện và xử lý nhiều vụ buôn bán thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Điển hình là các vụ chế biến, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm bẩn.

Từ thịt gia súc, gia cầm bị bệnh, hàng đông lạnh đã hết hạn sử dụng, thâm đen, bốc mùi hôi thối. Cho đến lòng lợn thối, gà bơm nước, măng ngâm hóa chất, tôm sú bơm tạp chất, dùng chất độc gây chết người để làm chuối chín và tạo độ cứng cho quả, sử dụng chất salbutamol tạo nạc cho lợn, cho gà ăn chất vàng ô; sản phẩm rau xanh tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, hoa quả bị nhúng hóa chất ép chín, hay thịt, cá, đồ hộp chứa nhiều chất bảo quả... Mới đây nhất là vụ việc dùng hóa chất để nhuộm đỏ con ruốc ở Phú Yên.

Các lực lượng chức năng liên tục phát hiện và xử lý nhiều vụ buôn bán thực phẩm bẩn

Điều này cho thấy, từ các thương lái, các cơ sở kinh doanh thực phẩm bẩn, cho đến nhiều hộ nuôi trồng thực phẩm đang vì lợi nhuận trước mắt mà có hành vi kinh doanh thiếu đạo đức, bất chấp tính mạng và sức khỏe của những người tiêu dùng. Đó là lòng tham vật chất.

Đáng buồn hơn, một số người, hoặc cơ sở kinh doanh, nuôi trồng khác, dù biết, dù phát hiện ra “đối tác” của mình có hành vi thiếu đạo đức, thế nhưng vì cả nể hoặc e sợ, họ chọn cách im lặng làm ngơ, mặc cho những hành vi đó ngày ngày hủy hoại cuộc sống của đồng bào ta. Đó là lòng tham vị kỷ, vì muốn yên ổn mà hóa thành vô cảm, vô lương tâm.

Đến “Thượng đế” cũng tham lam

“Khách hàng là Thượng đế”, nên họ có quyền đòi hỏi khi mua hàng. Và thế là đủ các tiêu chuẩn được đặt ra, nào là phải tươi, phải ngon, phải hình thức đẹp, chất lượng tốt… Nhưng lại phải rẻ. Điển hình là việc những mớ rau, hoa quả không phun thuốc nên có hình thức xấu, thường bị người chê bai và mặc cả giá.

Vậy nên, có cầu ắt có cung. Để chiều lòng khách hàng, bên cung sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để làm ra những sản phẩm tươi đấy, ngon đấy, đẹp đấy, nhưng chất lượng có tốt, sạch và an toàn hay không thì đến Thượng đế thật cũng không kiểm chứng được, huống chi người tiêu dùng.

Tuy nhiên, sự tham lam này khó có thể trách được. Bởi lẽ một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng Việt Nam chỉ có thu nhập trung bình hoặc thu nhập thấp, nên họ đã quen với việc tìm đến các hàng thịt, hàng rau bày bán ở chợ, với tiêu chí hợp túi tiền được đặt lên hàng đầu.

Phần lớn người tiêu dùng có thói quen mua thực phẩm ở chợ. Hình ảnh những người bán hàng làm cá cho khách, phổ biến tại mọi khu chợ ở Hà Nội.

Chị Lê Thị Ngọc (38 tuổi), làm việc tại Cầu Giấy cho biết: “Tôi lên Hà Nội bán hàng thuê, lương tháng 4,5 – 5 triệu đồng. Vừa phải thuê phòng trọ, vừa phải dành dụm gửi về quê nuôi con nhỏ, cho nên cần tằn tiện hết mức. Tôi thường mua thức ăn ở chợ cóc gần khu trọ thôi, cũng chẳng biết có đảm bảo hay không. Nhưng vào siêu thị giá cả đắt đỏ hơn, mà cũng ngại vì đi siêu thị tốn thời gian”.

Bạn Bùi Thị Hương, sinh viên khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: “Mình thường dậy từ sáng sớm và mua thức ăn tại chợ Dịch Vọng. Chợ này sáng nào cũng họp, bán đủ các loại thực phẩm, với giá rẻ hơn bên ngoài rất nhiều. Hầu hết sinh viên ở gần đây đều mua thức ăn tại chợ này”.

Khi được hỏi có lo lắng về nguồn gốc và chất lượng thực phẩm ở đó hay không, Hương tặc lưỡi cho rằng: ”Đọc nhiều thông tin về đồ ăn bẩn trên mạng cũng sợ đấy, nhưng biết sao được. Mỗi tháng bố mẹ chỉ cho 2 triệu đồng, vừa thuê nhà vừa trang trải, thì tiền đâu mà đi siêu thị, mua đồ dán tem suốt được”.

Vì những khó khăn, chật vật trong cuộc sống, người tiêu dùng có thể đã không đủ tỉnh táo, hoặc tỉnh táo nhưng bởi một chút yếu lòng, một chút đắn đo khi mở hầu bao, họ lại trở nên dễ dãi, nhắm mắt cho qua, tạo đất sống cho thực phẩm bẩn hoành hành. Sự tham lam ấy, vừa đáng trách, cũng vừa đáng thương.

Thị trường thực phẩm rất khó kiểm soát

Thực tế là, việc xử lý vi phạm an toàn thực phẩm gần như nhổ chỗ này, chỗ khác lại mọc ra. Ngay cả những nơi tưởng chừng bán thực phẩm an toàn như siêu thị nhưng thực tế việc đưa thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ trà trộn vẫn xảy ra.

Trả lời báo chí, TS. Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho hay, công tác thanh tra kiểm tra của chúng ta chưa triệt để. Nếu xảy ra dù chỉ là 1 vụ việc không đảm bảo an toàn thực phẩm thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về cơ quan chức năng trong đó có cả cơ quan y tế.

Mặt khác ông Phong cho rằng, tập quán mua bán, trao đổi hàng hóa tại chợ, đặc biệt là chợ cóc gây khó khăn trong việc kiểm tra kiểm soát thực phẩm. Rõ ràng về nguyên tắc tất cả thực phẩm tươi sống đưa ra thị trường phải đảm bảo an toàn.

Nhưng có một đặc thù riêng trong sản xuất chế biến thực phẩm ở Việt Nam đó là chúng ta có hàng chục triệu người nông dân nhà nào cũng trồng rau, nuôi gà, thả cá… sử dụng không hết mang ra thị trường bán hết nên điều kiện để chứng nhận cho từng sản phẩm an toàn là rất khó khăn.

“Chúng ta cũng không vì vấn đề an toàn thực phẩm mà cấm người dân mua bán sản phẩm nông sản họ tự sản xuất được. Cho nên công tác đảm bảo an toàn thực phẩm phải song hành với chính sách đưa ra đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm. Cụ thể phải dần xây dựng các vùng rau an toàn”, ông Phong nêu giải pháp.

Bất chấp sự lên án, bất bình trong cộng đồng từ nhiều năm trở lại đây, thực phẩm bẩn vẫn tiếp tục tự tung tự tác trước sự sợ hãi nhưng bất lực của người tiêu dùng.

Cùng với một cơ chế kiểm tra, xử lý, giám sát còn nhiều lỗ hổng và yếu kém, là những bon chen và toan tính của cuộc sống hiện đại khiến con người ta quay cuồng trong bao tham vọng vị kỷ cá nhân, để rồi bằng mọi thủ đoạn thỏa mãn lòng tham, bất chấp lương tri bị vấy bẩn, trái tim trở nên chai lỳ, lãnh cảm thờ ơ trước mối hiểm họa đe dọa chính đồng loại.

Phải chăng, nhiều người Việt Nam ta đang để sự tham lam của mình, trở thành nơi chứa chấp, dung dưỡng cho thứ ung nhọt mang tên “thực phẩm bẩn”, vô cảm nhìn nó “di căn” thành đại dịch ung thư, ngày ngày đe dọa tính mạng, hạnh phúc của hơn 90 triệu con người…

(Còn nữa)