Chừa đất sống cho thực phẩm bẩn là nuôi đại dịch ung thư bằng lòng tham (3):

Triệt tiêu thực phẩm bẩn - Làm ngay, hay là dần chết mỗi ngày

ANTĐ -Thực phẩm không bẩn, nhưng chính sự tham lam, ích kỷ và nhẫn tâm của con người đã vấy bẩy lên chúng. Hãy mạnh dạn phát hiện, tố cáo, và thẳng tay trừng trị các trường hợp vi phạm để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo về tương tai và giống nòi của dân tộc

Nỗi đau mà thực phẩm bẩn gây ra cho đến ngày hôm nay đã nhìn thấy và sờ thấy được. Chỉ có điều, một nhiều người vì lòng tham, vẫn đang vô cảm trước nỗi đau đớn của những người xung quanh. Thực phẩm không bẩn, nhưng chính sự tham lam, ích kỷ và nhẫn tâm của con người đã vấy bẩy lên chúng. Giờ đây là lúc, con người phải trả thực phẩm về đúng với ý nghĩa thiêng liêng là duy trì sự sống của nó, nếu như không muốn một ngày chính bản thân, hoặc những người thân yêu của mình phải gánh chịu hậu quả đau thương.

Là cuộc chiến của mỗi người

“Tai họa từ miệng mà ra, bệnh tật từ miệng mà vào” luôn là câu nói cảnh giác tất cả mọi người khi ăn uống. Cái khó ló cái khôn, những thùng xốp mơn mởn rau xanh sạch, từng góc sân thượng được tận dụng tối đa để trồng rau, thậm chí ở các dải phân cách giữa đường nhựa cũng trở thành vườn rau sạch của nhiều hộ dân…

Đó là cảnh tượng không còn hiếm gặp ở Thủ đô Hà Nội cũng như các thành phố lớn hiện nay. Điều này cho thấy, vượt qua cảnh đất chật người đông, công việc bận rộn, rất nhiều người đang tuyên chiến với thực phẩm bẩn để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.

Nhiều người dân ở thành phố tự tạo vườn rau trên sân thượng

Thế nhưng, không phải ai cũng có điều kiện, đủ diện tích để tạo cho gia đình những vườn rau sạch tại chỗ. Đồng thời, rau thì còn trồng được, chứ chẳng ai có thể nuôi lợn, nuôi bò để giết thịt giữa lòng thành phố. Vậy nên, cách duy nhất để an toàn là bắt buộc mỗi người phải học cách trở thành người tiêu dùng thông minh.

Hiện nay, không chỉ trên báo chí mà tại nhiều diễn đàn, mạng xã hội... rất nhiều người đã đưa ra các biện pháp bảo vệ nhau bằng cách lựa chọn mua thực phẩm ở những địa điểm sạch sẽ, đảm bảo an toàn, không gần cống rãnh, mất vệ sinh hoặc những thực phẩm bảo quản trong điều kiện có đầy đủ trang thiết bị để đảm bảo như các đại lý, siêu thị.

“Trong khi chờ các cơ quan chức năng “dẹp” thực phẩm, thì cách duy nhất để bảo vệ mình và gia đình mình bây giờ là phải lựa chọn thực phẩm sạch, biết cách chế biến để vừa hợp vệ sinh, lại không làm mất các chất dinh dưỡng là điều cần thiết. Khi người tiêu dùng biết chọn lựa thực phẩm sạch, tức là đang chung tay tẩy chay thực phẩm bẩn, thì mới có cơ hội làm sạch thị trường thực phẩm, đem lại sức khỏe cho từng cá nhân, từng gia đình cũng như cả cộng động và tương lai của toàn xã hội” - Báo CAND dẫn chia sẻ của chị Nguyễn Hoàng Lan Anh.

Cũng là cuộc chiến của tất cả mọi người

Thực phẩm bẩn từ lâu đã trở thành vấn nạn nhức nhối khiến các cơ quan chức năng đau đầu tìm phương án giải quyết nhưng vẫn bế tắc và không hiệu quả. Trong khi nhiều cơ quan chức năng chưa tìm ra những biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa thì việc ba nhà: sản xuất, quản lý, tiêu dùng chung tay “diệt thực phẩm bẩn” đang được xem là giải pháp khả thi nhất trong thời điểm này.

Mô hình trồng rau sạch ở nước ta chưa nhiều và gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh về giá cả.

Theo ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, hiện cơ quan này đang thực hiện đề án triển khai 21 tỉnh và 28 chuỗi theo 4 tiêu chí. Tiêu chí thứ nhất liên kết giữa những người sản xuất trồng trọt chăn nuôi với những nhà sơ chế, chế biến, kênh phân phối. Tiêu chí thứ 2 là từng công đoạn một phải có thực hành sản xuất tốt để đảm bảo an toàn thực phẩm và phải được chứng nhận (có thể của nhà nước, hoặc của bên thứ 3) là thực hành nông nghiệp tốt. Tiêu chí thứ ba, hàng hóa ra phải có dấu hiện nhận diện. Tiêu chí thứ ba có công tác quảng bá, xây dưng thương hiệu quảng bá cho hình ảnh đấy.

Bốn tiêu chí trên cùng đồng hành đang được xem là một chuỗi hoàn chỉnh và sẽ được tổng kết lại để đề xuất với Chính phủ có một nghị định đặc thù về cơ chế chính sách hỗ trợ cho phát triển nhân rộng các chuỗi an toàn này.

Bên cạnh đó, các Bộ Y tế, NN&PTNN, Bộ Công thương cũng hợp tác chặt chẽ với giới truyền thông nhằm trao đổi thông tin minh bạch, cung cấp thông tin chính xác nhất cho người dân, cả những thông tin thực phẩm không an toàn và những thông tin về thực phẩm đảm bảo chất lượng để người dân có đầy đủ thông tin để lựa chọn thực phẩm cho gia đình. Người tiêu dùng đang hy vọng những nỗ lực trên kết hợp các biện pháp thanh, kiểm tra, chế tài xử phạt... sẽ giảm thiểu thực phẩm bẩn trên bàn ăn của từng gia đình.

Tuyên truyền sâu rộng và mạnh tay với những kẻ tham lam

Trong một buổi tọa đàm xoay quanh thực phẩm bẩn - thực phẩm sạch gần đây, ông David John Whitehead, Phó Chủ tịch Phòng thương mại Australia tại Việt Nam, Phó Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Liên doanh thực phẩm Mavin, cảnh báo Việt Nam nên hướng dẫn cụ thể cho người dân về an toàn thực phẩm sâu rộng hơn nữa, cũng như có những chế tài xử phạt mạnh đối với những người vi phạm.

Người tiêu dùng Việt Nam hiện nay, một số biết rõ về tác hại của thực phẩm bẩn, nhưng bất lực cho rằng “không ăn thì cũng chết”, số khác chỉ chú ý đến việc chăm lo sức khỏe của gia đình mình, chứ không hề khuyên ngăn, tuyên truyền đến những người xung quanh. Thậm chí còn một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng khác không có, hoặc rất ít thông tin về thực phẩm không đảm bảo chất lượng.

Để đi đến một sự đoàn kết, đồng bộ trong hành động. Mỗi người dân cần được giáo dục cặn kẽ, không chỉ về ý thức nói không với thực phẩm bẩn, mà còn về ý thức đấu tranh, dũng cảm tố giác các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm. Chừng nào trong nhận thức của mỗi người không còn tư tưởng “sống chết mặc bay”, “chắc nó trừ mình ra”, thì khi đó, cuộc chiến chống thực phẩm bẩn sẽ có hy vọng thắng lợi.

Đã đến lúc, con người phải trả thực phẩm về đúng với ý nghĩa thiêng liêng là duy trì sự sống của nó. Ảnh minh họa

Ở Việt Nam, hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, ngoài việc xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người, những hoạt động cố tình đưa chất cấm vào nuôi trồng, hoặc sản xuất các loại thực phẩm không an toàn đã xâm hại nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh, gây ra những xáo trộn, thậm chí mất niềm tin đối với khách hàng khi sử dụng các loại thực phẩm. Hành vi này có thể xem xét đến tội danh kinh doanh trái phép, quy định ở Điều 159 Bộ luật Hình sự, nếu cơ sở này không đảm bảo yếu tố giấy phép kinh doanh theo luật định, hoặc, đó là tội danh Lừa dối khách hàng quy định ở Điều 162 Bộ luật Hình sự khi cố tình đưa ra các thông tin sai lệch, với các hành vi gian lận thương mại.

Rõ ràng, phát luật của chúng ta có quy định cụ thể cho các hành động đầu độc lẫn nhau này của người sản xuất, kinh doanh. Vậy thì vì lý do gì, ta không nghiêm túc thực hiện. Mạnh dạn phát hiện, tố cáo, và thẳng tay trừng trị các trường hợp vi phạm để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo về tương tai và giống nòi của dân tộc?

Còn gì đau xót hơn, khi trong một xã hội, người ta sẵn sàng vì đồng tiền mà nhắm mắt bỏ qua sự an toàn tính mạng của cộng đồng. Không biết, họ có hiểu rằng, khi bán đi một mớ rau độc hại, họ cũng sẽ chỉ đổi về được một miếng thịt bẩn thỉu ô nhiễm mà thôi hay không? Bao nhiêu đời kẻ thù từ phương Bắc, phương Tây xâm lược, giết chóc đồng bào, người Việt ta đánh bại tất cả. Lẽ nào giờ đây, giữa hòa bình yên ấm, ta lại tự giết chóc lẫn nhau bởi sự xui khiến của lũ giặc tham lam và vô cảm?