Nỗi khổ... "giặc ồn" xâm lấn khu dân cư

ANTĐ - Mặc dù đã được nêu ra trong thời gian qua song vấn nạn tiếng ồn ở các khu đông dân cư vẫn chưa thu hút được nhiều sự quan tâm từ dư luận. Vậy nên rất nhiều người vẫn ngày ngày phải chịu đựng nỗi thống khổ, khi cuộc sống của họ luôn song hành cùng những âm thanh chát chúa khó nghe.

Đặt cả “công xưởng” trong khu dân cư

Tại nhiều khu dân cư hiện nay, đặc biệt là các khu chung cư cũ, không ít hộ gia đình đã tận dụng mặt bằng tầng 1 rộng rãi để làm xưởng sản xuất, nhằm tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, kéo theo đó cũng là mặt trái tiếng ồn rất đáng lo ngại.

Chẳng hạn như tại khu tập thể K7-K8 phường Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) hiện có 2 nhà mở xưởng cắt nhôm kính ngay tại tầng 1.

Trong khi xưởng ở khu K7 hoạt động đã được 5 năm thì xưởng cắt nhôm kính ở K8 mới mở khoảng gần 1 năm trở lại đây. Do là các tòa nhà chung cư cũ nên những khu này có mật độ cư dân khá dày, trong khi trần thấp, nên kể cả ở tầng 5 thì tiếng ồn dưới tầng 1 vẫn “rõ mồn một”.

Hàng ngày, cứ từ 7h30 tới 12h, và từ 14h tới 17h30, người dân tại đây lại phải sống chung với những âm thanh “ghê người” từ 2 xưởng cắt nhôm kính. Thậm chí, vào những ngày có nhiều đơn đặt hàng, họ còn tranh thủ làm muộn hơn, đến quá giờ trưa hoặc suốt buổi tối (tới gần 23 giờ), khiến toàn bộ khu dân cư phải sống chung với những tiếng “ken két” ầm ĩ, rồi điểm vào giữa lại là tiếng quai búa, va đập…

Những xưởng cắt nhôm kính đang trở thành "cơn ác mộng tiếng ồn" đối với nhiều khu dân cư

“Rất khó chịu, nhất là nhà nào có người già, trẻ nhỏ hoặc những người làm ca, ngủ ngày. Trước đây thì những khu vực này yên ả lắm, nhưng từ khi có xưởng cắt nhôm kính là thôi rồi, cả 5 tầng nhà chịu trận”, bác Hoàng D. – một người dân sống nhiều năm tại đây – cho hay.

Trong khi đó, ở ngõ 203 đường Trường Chinh có một gia đình mở xưởng cơ khí với những chiếc máy đột dập cỡ lớn luôn phát ra âm thanh đinh tai nhức óc. Những gia đình sống xung quanh luôn phải chịu đựng những tiếng động mạnh chát chúa phát ra không ngừng suốt cả ngày.

Một nam sinh viên thuê trọ gần đấy cho hay: “Ban đầu tới đây, em cũng sợ vì đau đầu, điếc tai quá. Nhưng dần dần thì tập làm quen để sống chung. Những bạn nào khó ngủ, hoặc cần sự yên tĩnh để tập trung học thì phải chuyển đi hết. Còn gia đình nào sống ở đây mà không chịu được thì chỉ có nước rao bán nhà”. 
Video ngắn về tiếng ồn của xưởng cắt nhôm kính ở K8 (phường Bách Khoa, Hai Bà Trưng, Hà Nội):

Quy định đã có, vẫn… khó cho dân

Mặc dù bất tiện là thế song theo phản ánh của những người dân ở khu vực bị ảnh hưởng, các biện pháp can thiệp của chính quyền địa phương đều rất hạn chế.

“Khó mà nói trực tiếp lắm, vì cùng là hàng xóm láng giếng cả. Khi họp tổ dân phố, ý kiến cũng được đưa ra, hoặc là viết đơn gửi đi nhưng mấy nhà đó chỉ tiếp thu được vài ngày, chuyển máy cắt vào trong nhà, xong rồi đâu lại vào đấy cả thôi”, cô Phạm L. chia sẻ.

Các giải pháp tự khắc phục như lắp cửa kính cách âm không mấy hiệu quả, bởi các nhà trong khu vực bị ảnh hưởng đều có thiết kế cũ từ xưa, với diện tích cửa sổ, cửa ra vào, cửa thông hơi… lớn. Vậy nên, nếu làm lại cửa sổ thì vừa vất vả, vừa không “ngăn” được hết âm thanh, lại sinh bí bách trong gia đình.

Cần lưu ý rằng, hành vi tạo tiếng ồn của các cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng đã được pháp luật quy định trách nhiệm cụ thể.

Trong đó, Khoản 2 Điều 85 “Hạn chế tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ - Luật Bảo vệ môi trường” đã chỉ rõ: “Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu dân cư gây tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ vượt quá tiêu chuẩn cho phép phải thực hiện biện pháp hạn chế, giảm thiểu không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, sức khoẻ của cộng đồng dân cư”.

Về hành vi gây tiếng ồn, tùy mức độ có thể bị xử lý theo quy định tại Nghị định 179/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Trong đó, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn dưới 5 dBA.

Mức phạt tiền này tăng dần lên, như: Phạt 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu tiếng ồn từ 05 dBA đến dưới 10 dBA, phạt 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng nếu tiếng ồn từ 10 dBA đến dưới 15 dBA… Và tối đa là nếu tiếng ồn trên 40 dBA, mức phạt lên tới 160.000.000 đồng.

Tuy quy định đã có như vậy, người dân vẫn gặp khó vì việc xác định mức tiếng ồn (dBA) không đơn giản, đòi hỏi phải có chuyên viên từ cơ quan chức năng tiến hành giám định…

“Nhiều vấn đề ô nhiễm môi trường bức xúc khác vẫn chưa được giải quyết, thì mong đâu ra việc người ta xử lý cái bức bách “giặc ồn” này”, bác Hoàng D. bày tỏ.

Rõ ràng, “giặc ồn” đang gây ảnh hưởng đáng kể tới cuộc sống hàng ngày của người dân, đi ngược lại tiêu chí xây dựng chất lượng cuộc sống ngày càng nâng cao hiện nay. Điều người dân đang rất mong mỏi là phía cơ quan chức năng có cơ chế tiếp nhận, xử lý thông tin hiệu quả để những kiến nghị, băn khoăn không còn là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.