Cầu vồng đi đón cơn mưa

ANTĐ - Hình ảnh buổi tan tầm ở cầu vượt Láng Hạ - Thái Hà - Huỳnh Thúc Kháng cho tôi sự liên tưởng khập khiễng thế. Cầu vồng đi đón cơn mưa. Cây cầu sắt cong vồng lên hệt như cầu vồng úp xuống giao lộ mấy con phố ken đặc kín người và xe cộ. Trời chiều muộn sầm tối, không khí ngột lại hệt như cơn mưa rào sắp đổ xuống. 

Cầu vồng đi đón cơn mưa ảnh 1

Làn người xe ứ lại chuyển dịch chầm chậm. Ở trên “cầu vồng” sự chuyển dịch có thoáng hơn. Nó không bị ngăn cản vì hệ thống đèn tín hiệu bởi vậy dòng người xe không bị dồn cục, tắc nghẽn. Hòa theo hình ảnh đẹp của cầu vồng trên trời dậy sắc đi đón cơn mưa, cầu vồng mặt đất cũng là một hình ảnh tích cực về giao thông thành phố.

Sẽ có người bảo dào ôi, mấy ông văn veo ví von lãng mạn, “cầu vồng” gì mấy cây cầu sắt nhẹ lắp ghép ấy. Cong cong, úp úp thô thiển, nếu tổng thể thành phố là bức tranh hài hòa thì những cây cầu vượt ấy là những vết mực bôi nhòe nhoẹt phá vỡ cấu trúc bức tranh. Nghĩa là những cây cầu vượt phá hỏng kiến trúc thành phố. Cái đó có lẽ đúng. Cũng chả cần phải lên cao nhìn xuống làm gì, ngay trên mặt đất đã thấy nó xấu đau xấu đớn.

Sự lắp ghép các cây cầu thép quá đơn giản và trông chúng như anh em ruột thịt đúc cùng một khuôn. Nhưng nếu không có cái sự xâu xấu, một nét gợn mỹ học với cảnh quan ấy thì giao thông thành phố sẽ thế nào? Lần ngược lại trước đó ở thời điểm 2011, giao thông Thủ đô rơi vào tình thế cực kỳ bi đát. Đã có nhiều giải pháp được đưa ra để chống tắc nghẽn giao thông... nhưng hiệu quả không như mong muốn và ùn tắc giao thông vẫn là bài toán khó giải.

Và thế là một giải pháp được đưa ra có tính chất cấp bách giải quyết trước mắt. Làm cầu vượt nhẹ ở những ngã tư là điểm đen về ùn tắc giao thông. Cây cầu tôi vừa nhắc ở trên chính là một trong hai cây cầu được xây dựng đầu năm 2012. Như phép thần thông, nó chóng vánh giải quyết được nỗi kinh hoàng cho những người ngày ngày buộc phải qua những ngã tư này. Nạn ùn tắc được giải quyết khá nhiều. Tôi là người trực tiếp trong cuộc bởi đường đi làm đến cơ quan buộc phải qua đây.

Sợ lắm. Có khi phải mất hơn tiếng đồng hồ mới vượt qua được cửa tử thần (là gọi những ngã tư kiểu này). Lúc đó đành phải tính toán hoặc đi thật sớm khi trên đường vắng vẻ chỉ có những người làm nghề phải đi kiếm ăn sớm như chợ búa, hoặc làm đêm về. Sớm thế hoặc đi muộn hẳn lại sau giờ cao điểm, tầm này người xe đã vãn. May cơ quan nghệ thuật không phải nhà máy, công trường ca kíp nên còn có cách giãn linh hoạt như vậy. Sau hiệu quả của hai cây cầu vượt Láng Hạ - Thái Hà - Huỳnh Thúc Kháng và Chùa Bộc - Thái Hà - Sơn Tây, thành phố quyết định xây dựng một loạt các cây cầu vượt khác. Vậy là giải pháp “cầu vồng” đã là bài toán giải ùn tắc giao thông cho thành phố trong mấy năm trở lại đây.

Không nghi ngờ hiệu quả trước mắt của giải pháp làm cầu vượt nhẹ mà tôi gọi vui là “cầu vồng”. Những giao lộ gây nỗi kinh hoàng về ùn tắc cho người tham gia giao thông như Láng Hạ - Lê Văn Lương, Nguyễn Chí Thanh - Đường Láng - Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã - Liễu Giai… từ khi có cầu vượt, tình hình giao thông đã sáng sủa hẳn.

Cùng với các đường vành đai trên cao, các hầm đường bộ, giao thông Hà Nội nhờ phương án “cầu vồng” đã cho một hướng đi với những giải pháp tình thế và có thể nói là chấp nhận được. Tuy nhiên, nếu nghiêm khắc nhìn tổng thể quy hoạch một Hà Nội hiện đại thì giải pháp “cầu vồng” liệu đã phải là tối ưu? Xin thưa cần phải nói  thẳng, nói thật đó chỉ là giải pháp tạm thời trong sự nguy cấp của tắc nghẽn giao thông và nền kinh tế còn khó khăn. 

Một dạo ồn ào những phương án di dời các bệnh viện, trường học lớn, công sở, xí nghiệp ra khỏi nội đô. Kể cả khi Hà Tây sáp nhập về Hà Nội với những quỹ đất khổng lồ nhưng cái phương án nghe nức lòng kia xem ra vẫn chỉ được làm cầm chừng. Đã có những khu công nghệ cao ở ven đô. Có bệnh viện được giãn ra ngoại thành. Một vài trường đại học đóng đô ở Hòa Lạc nhưng chính những nhà máy xí nghiệp trong nội đô cần giải tỏa thì lại bị thế vào đó là các khu đô thị, chung cư cao tầng với số dân tăng gấp nhiều lần phân bố trung bình của mật độ dân cư thành phố.

Xây dựng tự phát từ cấp thành phố đến quận huyện, phường xã không tuân thủ biểu đồ quy hoạch đã đành, nhưng đến một tổng thể của quy hoạch giao thông từng giai đoạn với đặc điểm dân số Hà Nội tăng cao cũng lại được làm theo thời vụ. Ấy là quy hoạch theo tư duy nhiệm kỳ. Quỹ đường Hà Nội không theo kịp sự phát triển của thành phố tạo ra sự ùn tắc lỗi ở chính những người làm quy hoạch và quản lý xây dựng.

Một Hà Nội của những cây cầu vượt đang là hiện thực. Các cây cầu sẽ còn mọc lên ở những nơi ùn tắc. Chúng không lộng lẫy lung linh như cầu vồng đa sắc đi đón cơn mưa nhưng nó đang thực sự là những giải pháp tình thế góp phần cho giao thông thành phố bớt ùn tắc. Những cây “cầu vồng” mang nặng trên mình nghĩa vụ thời cuộc có thể làm Hà Nội xấu đi ít nhiều nhưng cũng không thể chối bỏ nó. Nhưng một Hà Nội của tương lai, tôi tin sẽ không còn chỗ cho những cây “cầu vồng” này. Cầu vượt rồi một ngày sẽ chỉ còn trong hồi ức của người Hà Nôi như bao hồi ức khác. Chắc chắn thế.

Hà Nội 21-4-2016