Vàng trang sức nội lép vế khi hội nhập

ANTĐ - Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng trang sức đang gặp nhiều khó khăn về vốn và nguyên liệu dẫn tới hoạt động cầm chừng, thậm chí phải đóng cửa. Nếu khó khăn này không được giải quyết kịp thời sẽ dẫn tới nguy cơ “lép vế” với vàng trang sức ngoại nhập.

Vàng trang sức nội lép vế khi hội nhập ảnh 1Doanh nghiệp lo ngại sản phẩm nữ trang nội bị lép vế ngay trên sân nhà khi hội nhập

Đề nghị cho doanh nghiệp nhập vàng nguyên liệu

Theo Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, sau 5 năm thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, đến nay thị trường vàng đã có những thay đổi cơ bản. Vì vậy cần đánh giá và tổng kết lại để có những sửa đổi, bổ sung phù hợp nhằm góp phần phát triển bền vững và ổn định thị trường phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế. Trên cơ sở đó, Hiệp hội này đã gửi tới Ngân hàng Nhà nước nhiều kiến nghị liên quan. 

Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng trang sức đang gặp nhiều khó khăn về vốn và nguyên liệu dẫn tới hoạt động cầm chừng, thậm chí phải đóng cửa. Điều này đã khiến hàng nghìn lao động trong ngành vàng, bạc, đá quý không có việc làm, đồng thời khiến ngành kim hoàn Việt Nam ngày càng tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Các doanh nghiệp không được cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu nên buộc phải mua vàng trôi nổi trên thị trường, vô tình đã tiếp tay cho những kẻ buôn lậu vàng, tạo điều kiện cho thị trường ngoại tệ “chợ đen” phát triển. 

“Nếu những khó khăn, vướng mắc nói trên không được giải quyết kịp thời, thì năng lực sản xuất của các doanh nghiệp sẽ ngày càng sụt giảm. Điều này rất nguy hiểm, bởi theo các hiệp định thương mại tự do, thuế nhập khẩu vàng trang sức sẽ giảm dần xuống 0%. Khi đó, hàng ngoại nhập với kiểu dáng, mẫu mã đẹp, giá thành thấp sẽ tràn vào thị trường Việt Nam, làm cho các sản phẩm nữ trang nội địa bị lép vế ngay trên sân nhà”, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết. 

Với những lý do đó, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam kiến nghị cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho những doanh nghiệp đã được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Hiệp hội này cho rằng, ước tính dựa trên số liệu thống kê từ các doanh nghiệp hội viên cho thấy, nhu cầu nhập khẩu vàng nguyên liệu hàng năm cho sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ ở Việt Nam hiện khoảng hơn 20 tấn/năm. Do vậy, nếu cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu, thì cũng không đáng ngại. Bởi giá vàng trong nước đang biến động theo sát giá vàng quốc tế, thậm chí có nhiều thời điểm thấp hơn giá vàng quốc tế, thì hoạt động xuất khẩu và xuất khẩu tại chỗ vàng trang sức, mỹ nghệ của các doanh nghiệp sẽ tái tạo ngoại tệ, góp phần cân đối cung cầu ngoại tệ cho đất nước.

Ngoài ra, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cũng chỉ ra rằng, theo Thông tư số 36/2015/TT-BTC ngày 23-3-2015 của Bộ Tài chính, vàng trang sức, mỹ nghệ có hàm lượng từ 95% trở lên đang chịu thuế suất xuất khẩu là 2%. Với mức thuế suất này, các doanh nghiệp không xuất khẩu được mặt hàng này, bởi vì các doanh nghiệp Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ… đang có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn các doanh nghiệp Việt Nam (thuế xuất khẩu bằng 0, nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước, hoặc được tự do nhập khẩu, chi phí nhân công rẻ hơn, thiết bị và công nghệ sản xuất hiện đại hơn…) và đang thống lĩnh xuất khẩu các sản phẩm trang sức, mỹ nghệ trên thế giới, kể cả vàng trang sức có hàm lượng cao. 

Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam phải nhập khẩu gần như hoàn toàn vàng, đá quý, đá bán quý, thạch cao, nước xi… mà giá của các loại nguyên liệu này liên tục biến động. Hơn nữa, hiện nay chênh lệch giá mua, bán vàng không đáng kể, chỉ khoảng 1/1.000. Vì vậy, việc xem xét giảm thuế xuất khẩu xuống 0% như những giai đoạn trước năm 2015 là rất cần thiết để khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ, góp phần tái tạo ngoại tệ, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước và tạo việc làm cho người lao động.

Lập sàn giao dịch vàng quốc gia

Một trong những đề xuất đáng chú ý nữa của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam là xem xét việc thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia. Thông qua Sở giao dịch vàng quốc gia, Nhà nước có thể phát hành chứng chỉ vàng, hoặc trái phiếu vàng để huy động vàng trong toàn thể nhân dân. Ngoài ra, Sở giao dịch vàng quốc gia cũng góp phần giảm bớt nhu cầu giao dịch vàng vật chất, giảm đáng kể lượng ngoại tệ để nhập khẩu vàng, loại bỏ những loại hình giao dịch vàng bất hợp pháp (sàn vàng chui), giảm thiểu tình trạng xuất, nhập lậu vàng qua biên giới. Đặc biệt, thông qua Sở Giao dịch vàng, các doanh nghiệp có thể mua vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, thay vì nhập khẩu, góp phần tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước...

Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, trong nhiều năm qua, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu vàng, trong khi xuất khẩu không đáng kể. Do vậy, lượng vàng trong dân hiện nay còn rất lớn, ước tính khoảng 500 tấn. Mặc dù Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước thực hiện các giải pháp huy động nguồn lực vàng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhưng đến nay chưa có giải pháp nào được thực hiện. 

“Theo Bộ Tài chính, dự kiến đến tháng 7-2017, Việt Nam có thể không còn được vay vốn ODA, mà phải chuyển sang sử dụng nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường với mức lãi suất cao. Trong khi đó, nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong những năm tới là rất lớn. Bởi vậy, việc nghiên cứu giải pháp huy động có hiệu quả nguồn lực vàng trong dân cho phát triển kinh tế là rất cấp bách trong điều kiện hiện nay”, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết thêm.

Đánh giá về những đề xuất trên, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng cho rằng: “Khoảng 500 tấn vàng “nằm dưới gối” của người dân là một sự lãng phí nguồn lực. Vì vậy, việc huy động vàng từ dân là rất cần thiết, đây là tài sản quý giá, có thể sử dụng tài sản đó như công cụ tài chính để hỗ trợ nền kinh tế”.

“Ngân hàng Nhà nước có thể đứng ra huy động vàng từ dân nhưng vẫn phải giữ nguyên chủ trương tiêu trừ hiện tượng vàng hóa. Việc huy động có thể được thực hiện thông qua phát hành chứng chỉ vàng. Với cách huy động đó có các kỳ hạn, có thể trả lãi suất trên vàng được huy động, từ đó Ngân hàng Nhà nước có thể dùng số vàng này chuyển đổi thành ngoại tệ cho quốc gia hoặc cho Bộ Tài chính vay để Bộ Tài chính dùng số vàng đó làm tài sản bảo đảm đi vay mượn ngoại tệ nước ngoài để hỗ trợ nền kinh tế”, TS Nguyễn Trí Hiếu nêu giải pháp. Nhận định về tính khả thi, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: “Nếu có quyết tâm và sự chuẩn bị kỹ càng, cách thức thực hiện hợp lý thì hoàn toàn khả thi. Thay vì cất giữ, người dân có thể gửi vàng và có lãi, vì vậy nếu có cơ chế thì họ sẽ gửi vàng, ủy thác vàng”.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, đây là vấn đề cần nghiên cứu kỹ, đồng thời cần có đề án hết sức cụ thể bởi khi đã thành lập sàn giao dịch vàng phải có những quy định hết sức chặt chẽ tương tự như sàn giao dịch chứng khoán.