Tiền ảo IL Coin - thêm một cái bẫy được giăng ra

ANTĐ - “Đầu tư vào IL Coin là kênh đầu tư nhanh thu hồi vốn và có lợi nhuận cao nhất trên thế giới vào thời điểm hiện tại”, đây là lời quảng cáo của nhân viên tư vấn đầu tư vào loại tiền ảo mới xuất hiện tại Việt Nam.
Tiền ảo IL Coin - thêm một cái bẫy được giăng ra ảnh 1

Chiếc bánh “vẽ” lợi nhuận

Theo giới thiệu từ một số website, blog và trang cá nhân trên mạng xã hội của cộng đồng IL Coin, sau các đồng tiền ảo Bitcoin và Onecoin, đồng IL Coin là loại tiền ảo ưu việt hơn hẳn cả về khả năng sinh lời cũng như bảo mật. Những nhà “môi giới” loại tiền ảo này cho biết, IL Coin được lập ra bởi iLgamos, một nhóm các công ty ở Dubai, Đức và Hồng Kông (Trung Quốc). Loại tiền này cũng được giới thiệu là đồng tiền điện tử thông minh và bảo mật nhất thế giới hiện nay. Đồng tiền điện tử này được khai thác thương mại bắt đầu từ ngày 7-9-2015 trên thế giới. 

Muốn tham gia “đầu tư” vào IL Coin, người chơi phải đóng 60 euro (1,4 triệu đồng) để được mở tài khoản và được thưởng 10% giá trị khi nâng cấp gói chơi. Tiếp đó, có 4 cấp độ (gói) được mở cho người chơi tương ứng với số tiền thực tham gia là 270 euro, 865 euro, 2.015 euro và 7.015 euro cho gói IL Coin cao cấp nhất. Khi mở tài khoản IL Coin, số tiền thực sẽ được đổi thành các điểm thưởng ảo, các mã số này được nâng giá tiền gấp đôi, thậm chí gấp ba số tiền mà người chơi ban đầu đóng vào.

Để “động viên” mọi người tham gia vào hình thức đầu tư này, những người “môi giới” đã đưa ra những con số lợi nhuận vô cùng hấp dẫn. Ví dụ như, mua gói đầu tư 225 triệu đồng có thể kiếm lời 5,5 tỷ đồng/năm. Những người có ý định tham gia chương trình “làm giàu không khó” này ngoài việc được các nhân viên môi giới vẽ cho chiếc bánh lợi nhuận cao khủng khiếp như trên còn được tặng thêm động lực bằng tiền “hoa hồng”  khi mời được người mới tham gia, tương tự như hình thức kinh doanh đa cấp.

Các chuyên gia nghiên cứu về tiền ảo cho biết, đồng tiền IL Coin hiện chưa được giao dịch tại bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Chỉ riêng tại Việt  Nam, đồng tiền này mới được chào mời một cách sôi động. Nhà đầu tư tại Việt Nam cũng chưa thực sự hiểu được bản chất thật của tiền ảo là gì mà chỉ nghe theo lời mời gọi của người khác về mức sinh lời cao và bỏ tiền vào. Thực tế thì không bao giờ có công việc nào kiếm tiền dễ dàng như vậy. 

Cấm không phải là giải pháp hiệu quả

Nhìn nhận về đồng tiền ảo mới xuất hiện này, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: “Đồng IL Coin về bản chất cũng không khác gì so với các đồng tiền ảo ra đời trước đó như Bitcoin và Onecoin. Đây đều là các loại tiền ảo luôn luôn “biến tướng” để hấp dẫn người chơi. Thông tin được đưa ra không có độ tin cậy, người chơi phải chịu rủi ro rất lớn khi những đồng tiền này mất giá trị. Không có văn bản hay hợp đồng nào giữa người tham gia với công ty sáng lập, cùng với đó, đồng tiền này cũng chỉ là sản phẩm điện toán, do đó những người tham gia không có cơ sở nào để có thể khởi kiện khi xảy ra những tranh chấp, thiệt hại”. 

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã nhiều lần đưa ra khuyến cáo người dân không nên tham gia vào các mạng tiền điện tử này, bởi tiềm ẩn nhiều rủi ro và hệ quả khó lường. NHNN đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác như một loại tiền tệ. NHNN cũng nhấn mạnh, việc sở hữu, mua bán, sử dụng các loại tiền ảo như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân, không được pháp luật bảo vệ và khuyến cáo không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch. 

Trước sự hoành hành của các công ty môi giới đầu tư tiền ảo, nhiều ý kiến cho rằng cần phải đưa ra biện pháp mạnh, cấm triệt để với loại hình này. Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích: “Việc cấm giao dịch nhiều quốc gia đã thực hiện nhưng không ngăn chặn được, bởi tiền ảo khác với những loại sản phẩm thật, tồn tại trên mạng toàn cầu, mọi người đều có thể tham gia. Chặn đầu này thì đầu khác sẽ phình ra, các cơ quan chức năng không thể lúc nào cũng canh chừng để có thể xử lý”. 

“NHNN đã làm đúng khi đưa ra tuyên bố cấm sử dụng những đồng tiền này là đồng tiền thanh toán ở Việt Nam và cấm các ngân hàng giao dịch. Việc cấm chỉ có thể dừng lại ở mức đó, còn nói cấm với người dân thì không mang lại hiệu quả, quan trọng là có các biện pháp giáo dục về tài chính cho người dân”, TS Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ.

TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết thêm: “Tại nước Mỹ, Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Liên bang có chương trình “Money smart - Đồng tiền thông minh” giáo dục quần chúng đại trà, trong đó đưa ra những vấn đề căn bản như tại sao cần phải mở tài khoản ở các ngân hàng, phân biệt tiền giả như thế nào, tiết kiệm ra sao... Đây là mô hình Việt Nam có thể học tập, Chính phủ nên tổ chức những chương trình như vậy để cho tất cả các ngân hàng, cơ quan truyền thông đưa giáo dục căn bản về tài chính đến với người dân. Thông qua chương trình đó, cũng có thể đưa thông tin về tiền ảo để người dân ý thức được”.