Ngân hàng "hạ nhiệt" lãi vay

ANTĐ - Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu giảm lãi suất cho vay tại hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2016, diễn ra ngày 29-4, nhiều ngân hàng thương mại đã điều chỉnh với mức giảm 0,5-1%. 

Ngân hàng "hạ nhiệt" lãi vay ảnh 1Nhiều ngân hàng chấp nhận giảm doanh thu để hạ lãi suất cho vay
nhằm hỗ trợ doanh nghiệp

Lãi vay cao hơn các nước trong khu vực

Hiện nay, lãi suất cho vay tại Việt Nam đang ở mức 7-11%/năm (bình quân 8,5%/năm). Đây là mức lãi suất tốt nhất trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, lãi suất bình quân nói trên chỉ thấp hơn Ấn Độ (10%/năm) trong khi lại cao hơn các nước trong khu vực Asean (đang ở mức khoảng 6-7%/năm). Đây là yếu tố bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia Cộng đồng Kinh tế Asean (AEC).

Mặt khác, giá vốn đang ở mức khoảng 7,8%/năm, bao gồm lãi suất huy động khoảng 4,9%, dự phòng rủi ro 1,22%, dự phòng thanh khoản 0,5% và chi phí quản lý 1,75%. Mức chênh lệch đầu vào và đầu ra của các ngân hàng thương mại hiện rất thấp, chỉ khoảng 0,7%. Các yếu tố này khiến lãi suất khó giảm. 

Cùng nhận định trên, TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng cho rằng, sức ép lên lãi suất đến từ lạm phát năm 2016 được dự báo sẽ tăng mạnh so với 2015, ở mức 3-5%. “Kéo theo đó là kỳ vọng lãi suất huy động cao nên ngân hàng khó giảm lãi suất huy động. Vì thế, sẽ rất khó để giảm lãi suất cho vay”, ông Hiếu nói.

Không những vậy, Công ty CP Chứng khoán Vietcombank (VCBS) chỉ ra rằng, trong quý I-2016, lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại có dấu hiệu tăng nhẹ. Dự báo, bắt đầu từ quý II-2016, lãi suất cho vay sẽ chịu áp lực từ động thái tăng lãi suất huy động trong quý I. 

Tuy nhiên, từ phía ngân hàng, ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) cho rằng: “Việc giảm tiếp lãi suất cho vay là khó nhưng vẫn có thể làm được và mức giảm sẽ trong khoảng 0,5-1%”. 

Ông Trần Bắc Hà đề xuất thực hiện đồng bộ các giải pháp như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc để giải phóng thêm nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế - khoảng 100.000 tỷ đồng; giảm lượng phát hành trái phiếu Chính phủ, đẩy nhanh cơ chế, thủ tục tái cấp vốn/cấp bù lãi suất nhằm tăng hiệu quả quay vòng vốn. Các tổ chức tín dụng cũng cần tiết giảm chi phí quản lý hoạt động, đẩy nhanh tái cơ cấu…

Giảm 1% so với mặt bằng chung

Tại hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2016 diễn ra ngày 29-4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo hệ thống các tổ chức tín dụng giảm 1% lãi suất cho vay trung và dài hạn đối với nhóm doanh nghiệp có quan hệ tín dụng tốt và các nhóm doanh nghiệp được khuyến khích, ưu tiên.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ông Lê Đức Thọ, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương (VietinBank) khẳng định, ngân hàng sẽ thực hiện các biện pháp nhằm hỗ trợ mạnh hơn nữa cho doanh nghiệp. Cụ thể, đối với dự án sản xuất, kinh doanh, đầu tư trung và dài hạn, VietinBank sẽ áp dụng lãi suất cho vay không vượt quá 10%/năm. Đối với những dự án được ngân hàng đánh giá tốt, lãi suất cho vay tiếp tục giảm so với mặt bằng chung hiện nay khoảng 1%/năm.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển (BIDV) cho biết, kể từ ngày 29-4, BIDV chính thức điều chỉnh giảm lãi suất cho vay. Cụ thể, lãi suất cho vay trung và dài hạn tối đa không quá 10%/năm đối với các khách hàng tốt, vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, lãi suất cho vay ngắn hạn giảm đến 0,5%/năm. Động thái điều chỉnh trên sẽ làm giảm doanh thu của ngân hàng khoảng 400 - 450 tỷ đồng, tuy nhiên, ngân hàng coi đây là biện pháp nhằm chia sẻ, hỗ trợ các doanh nghiệp.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) đã thông báo điều chỉnh mức ưu đãi lãi suất cho vay trung và dài hạn bằng VND về tối đa 10%/năm trong thời gian 1 năm để hỗ trợ các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất kinh doanh. Đồng thời, Vietcombank cung cấp gói ngân sách khoảng 300 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp.

Ngoài các ngân hàng lớn nêu trên, một số ngân hàng thương mại cũng đưa ra các gói vay ưu đãi dành cho doanh nghiệp. 

Ví dụ, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) áp dụng chính sách mới với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp - nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu, ứng dụng công nghệ cao... Theo đó, với các khoản vay trung và dài hạn, SHB áp dụng mức lãi suất ưu đãi tối đa 10%/năm. Với các khoản cho vay ngắn hạn, SHB xem xét giảm lãi suất 0,5% so với mức lãi suất hiện hành...