Mở "cửa" vay USD, mong nới "trần" lãi suất

ANTĐ - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa quyết định cho doanh nghiệp tiếp tục vay vốn ngắn hạn bằng ngoại tệ đáp ứng các nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu đến hết năm nay. Đánh giá cao quyết định này, các chuyên gia cũng đề nghị nới “trần” lãi suất huy động USD để tránh rủi ro thanh khoản và “chảy máu” ngoại tệ.

Việc mở cửa cho vay USD giúp doanh nghiệp hưởng lợi 

Doanh nghiệp “tha thiết” được vay USD

Từ ngày 31-3, theo quy định của NHNN, các ngân hàng thương mại đã dừng cho vay bằng ngoại tệ đối với các nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước để thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu. Sau đó, tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp hồi cuối tháng 4-2016, hàng loạt kiến nghị của doanh nghiệp đã được tổng hợp và gửi tới Thủ tướng, trong đó nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đã bày tỏ mong muốn được tiếp tục vay USD để phục vụ sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu. 

Theo Công ty CP đông lạnh Quy Nhơn, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong “vòng xoáy” giảm giá xuất khẩu và tình trạng phá giá đồng tiền của các nước xuất khẩu cạnh tranh trong năm 2015. “Nếu không tiếp tục được cho vay vốn ngắn hạn bằng ngoại tệ, doanh nghiệp phải chuyển sang vay vốn ngắn hạn bằng VND lãi suất cao hơn sẽ làm tăng giá thành sản xuất,  giảm sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, doanh nghiệp càng thêm khó. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người lao động”, đại diện doanh nghiệp phân tích.

Tương tự, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng cho biết, ở tỉnh này, có 2 doanh nghiệp nằm trong 10 doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu Việt Nam, khi quyết toán năm 2009 hàng xuất trị giá gần 82 triệu USD và trên 100 triệu USD. Hiện 2 doanh nghiệp này đang được tái cơ cấu và rất khó khăn, số lượng lao động cũng đã giảm gần 4.000. Nguyên nhân là do tình hình tài chính khó khăn, không vay được nhiều ngoại tệ, doanh nghiệp phải vay trên 70% tiền VND với lãi gấp đôi. 

Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng cho rằng: “Nếu dừng chính sách cho vay ngoại tệ đối với doanh nghiệp xuất khẩu thì doanh nghiệp không thể cạnh tranh được vì giá bán tăng. Kéo theo đó là bị mất khách hàng, mất thị trường. Rủi ro dừng hoạt động hàng loạt là vấn đề được báo trước”. 

Vì vậy, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng “tha thiết” đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét lại kiến nghị cho vay ngoại tệ đối với doanh nghiệp xuất khẩu để giảm chi phí tài chính, tăng hiệu quả hoạt động, giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động.

Nới tới cuối năm

Lắng nghe kiến nghị của doanh nghiệp, “cửa” vay USD một lần nữa lại được NHNN mở lại. Theo đó, NHNN cho phép các doanh nghiệp có thể trở lại vay vốn ngắn hạn bằng ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn trong nước, thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu với điều kiện doanh nghiệp phải có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay. Mặc dù vậy, thời hạn mở chỉ tới hết năm nay. 

Khẳng định vai trò quan trọng của tín dụng ngoại tệ trong nền kinh tế, TS Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt cho rằng, vào những giai đoạn lãi suất VND leo thang, đây là nguồn lực có chi phí thấp hơn, rất giá trị cho các doanh nghiệp vay vốn. Hiện nay, lượng lớn ngoại tệ vẫn nằm trong dân cư, thậm chí chuyển và gửi ra nước ngoài, do đó tranh thủ nguồn lực này là cần thiết.

“Tại thời điểm này, với thực trạng khó khăn chung của các doanh nghiệp, nhất là trong hoạt động xuất khẩu, yêu cầu tiếp tục giảm lãi suất cho vay là cần thiết, và việc mở lại tín dụng ngoại tệ sẽ “chia lửa” cho lãi suất VND”, ông Hưởng chia sẻ. 

Đánh giá về quyết định nới thời hạn cho vay bằng ngoại tệ của NHNN, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng cho rằng: “Tôi rất hoan nghênh, với quyết định này, doanh nghiệp có thể vay với lãi suất thấp hơn một nửa so với lãi suất VND. Có thể thấy NHNN đã bám sát thị trường, khi thị trường có những điểm mới cơ quan này đã đưa ra những quyết định mới, thể hiện sự linh hoạt trong điều hành”.  

Cũng theo các chuyên gia, sau khi áp trần 0% đối với lãi suất huy động USD, thực tế cho thấy, các ngân hàng gặp nhiều khó khăn khi huy động, thậm chí phải tìm cách “lách”. Điều này phần nào cho thấy cần có sự điều chỉnh và xem xét nâng lãi suất huy động đối với USD để ngân hàng có thể hút vốn và tạo điều kiện cho vay đối với doanh nghiệp. 

TS Nguyễn Trí Hiếu chỉ ra rằng: “Khi lãi suất USD áp dụng ở mức 0% thì các khoản tiền gửi bằng USD trở thành không kỳ hạn, bất kỳ thời điểm nào người gửi muốn rút ngân hàng đều phải đáp ứng. Nếu ngân hàng dùng nguồn vốn huy động được để cho vay sẽ tạo ra rủi ro về thanh khoản do kỳ hạn. Ngoài ra, sắp tới Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - FED có thể tăng lãi suất đồng USD, nếu giữ lãi suất huy động ở mức 0% có thể dẫn tới tình trạng “chảy máu” ngoại hối. Vì vậy, NHNN nên xem xét điều chỉnh nâng mức trần huy động đối với USD”.