Cho vay lãi suất quá 20%/năm là cho vay nặng lãi?

ANTĐ - Báo An ninh thủ đô nhiều năm và gần đây cũng đã đăng nhiều bài viết phản ánh tình trạng cho vay nặng lãi, tệ nạn tín dụng đen, một trong những nguyên nhân gây ra mất trật tự trị an trong xã hội. Tại Hội thảo chuyên đề: Thực trạng tình hình và giải pháp phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” ngày 30-7 do Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an tổ chức tại Hà Nội, nhiều tham luận đã vạch rõ sự thiếu hụt những văn bản quy định pháp luật về cho vay nặng lãi chính là một trong những khó khăn loại trừ tệ nạn tín dụng đen ra khỏi đời sống.
Cho vay lãi suất quá 20%/năm là cho vay nặng lãi? ảnh 1

Trong chương trình hoàn thiện các bộ luật, Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách sáng 24-8 tiếp tục ghi nhận nhiều băn khoăn về quy định lãi suất trong trong hợp đồng vay tài sản tại Bộ luật Dân sự (sửa đổi), một trong những căn cứ xác định thế nào là vay nặng lãi.

Quy định pháp luật hiện hành

Theo quy định của Khoản 1, Điều 476  Bộ luật Dân sự năm 2005: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng”. Như vậy, theo quy định trên của Bộ luật Dân sự thì  nếu lãi suất cho vay vượt quá 150%  lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng thì gọi là “cho vay nặng lãi.

Tuy nhiên, chế tài cho sự vượt quá lãi suất quy định chỉ là: Khi có tranh chấp xảy ra thì pháp luật không bảo vệ quyền lợi của bên cho vay đối với phần lãi suất vượt quá 150% lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước. Trong khi đó, tại Điều 163 Bộ luật Hình sự quy định về Tội cho vay nặng lãi như sau:  Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm. Phạm tội thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ 6 tháng đến ba năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một đến năm lần số lợi bất chính, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.

Theo quy định của Bộ luật Hình sự, việc cho vay nặng lãi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thỏa mãn hai dấu hiệu sau đây: Thứ nhất: Lãi suất cho vay cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên. Theo quy định của khoản 1 Điều 476 Bộ luật Dân sự về lãi suất thì lãi suất vay do các bên thỏa thuận không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng, nếu lãi suất cho vay gấp 10 lần mức lãi suất này thì có dấu hiệu của tội cho vay nặng lãi.

 Ví dụ: Ngân hàng Nhà nước quy định lãi suất cao nhất đối với cho vay tiền Việt Nam (đồng) kỳ hạn 3 tháng là 1%/tháng, lãi suất tối đa mà các bên có thể thỏa thuận là 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố là 1,5%/tháng thì hành vi cho vay tiền (VNĐ) kỳ hạn 3 tháng với mức lãi trên 15%/tháng (gấp từ 10 lần mức lãi suất tối đa pháp luật cho phép trở lên) sẽ bị coi là cho vay lãi nặng. Thứ hai: Có tính chất chuyên bóc lột được hiểu là người phạm tội lợi dụng việc cho vay, lợi dụng hoàn cảnh khó khăn cấp bách của người đi vay để cho vay với lãi suất cao (lãi nặng) nhằm thu lợi bất chính mà thực chất là bóc lột người đi vay.

Tính chất chuyên bóc lột của hành vi cho vay lãi nặng thể hiện ở chỗ: người phạm tội thực hiện hành vi cho vay lãi nặng nhiều lần, hành vi mang tính chuyên nghiệp, người phạm tội lấy việc cho vay lãi nặng làm một nghề kiếm sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.

Vậy là có một khoảng hở, nếu cho vay nặng lãi từ 150% đến 999%  sẽ không phạm tội. Thêm nữa, để xác định thế nào là chuyên bóc lột là điều rất khó. Trên thực tế, các điều luật trên đều không phù hợp và không thể dùng nó để chống lại tình trạng cho vay nặng lãi, tệ nạn tín dụng đen được. Sửa chữa nó để tất cả các hành vi cho vay, trả nợ đều có các văn bản luật điều chỉnh là việc tất yếu.

Cần phải có quy định để chống cho vay nặng lãi

Trong quá trình thảo luận về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), một vấn đề rất quan trọng được các Đại biểu Quốc hội quan tâm, đó là: Thế nào là cho vay nặng lãi. Sau khi xác định tiêu chí cho vay nặng lãi, đến khi thảo luận về dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) sẽ đề cập đến các chế tài với hành vi này. 

Điều 483 dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 quy định: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”. Do còn nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách về hai phương án. 

Phương án một là trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp Luật Các tổ chức tín dụng có quy định khác. Còn phương án hai là trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố, trừ trường hợp Luật Các tổ chức tín dụng có quy định khác.

Nhiều chuyên gia kinh tế, pháp lý cũng cho rằng  lãi suất là cái giá phải trả cho việc sử dụng đồng vốn, nó phụ thuộc vào 3 yếu tố chính là: cung - cầu - vốn, giá trị của đồng tiền được ấn định làm vốn và độ rủi ro khi cho vay. Lấy ví dụ, có nhiều khách hàng được nhà băng chào mời lãi suất 5-6%, nhưng cũng có những người khác đến “năn nỉ” vay 10-11% mà không được. Đó là do những rủi ro trong quá trình sử dụng vốn của đối tượng đi vay khác nhau. 

Tuy nhiên, một số đại biểu Quốc hội vẫn đề nghị cần quy định cụ thể trần lãi suất vào Bộ luật Dân sự để lấy căn cứ xử lý hành vi cho vay nặng lãi. Theo đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cho rằng khi người dân bị thiệt hại, kiện ra tòa thì Nhà nước vẫn phải xử lý. Do đó, cần có quy định cụ thể để làm căn cứ pháp lý với những vụ kiện giữa bên vay và bên cho vay.

 Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Tống Anh Hào dẫn thực tế xét xử hiện nay của tòa án là vẫn căn cứ vào quy định của Bộ luật Dân sự về lãi suất khi phân xử tranh chấp về quan hệ vay mượn. Vì thế, vị này đồng tình với việc cần ấn định trần lãi suất. “Các bên được quyền tự do ý chí, tự do thỏa thuận, nhưng phải có mức trần về lãi suất để xác định nếu vượt qua mức trần ấy là cho vay nặng lãi”.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến phản ảnh quan điểm của Ngân hàng Nhà nước, đề nghị không nên sử dụng lãi suất cơ bản làm lãi suất tham chiếu trong quan hệ dân sự vì đây là công cụ điều hành chính sách tiền tệ, không phải lúc nào cũng phù hợp với các quan hệ dân sự. Ngân hàng Nhà nước kiến nghị nên nói rõ hơn theo hướng là trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay,  trừ  lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng thương mại được cấp phép theo quy định của pháp luật của ngân hàng.

Quá trình đi đến một dự thảo thống nhất của Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) còn cần được bàn thảo nhiều lần. Hy vọng, những công cụ pháp lý sẽ dần hoàn thiện, góp phần loại trừ việc cho vay nặng lãi, tệ nạn tín dụng đen ra khỏi đời sống xã hội.