“Căng thẳng” USD chỉ là tạm thời

ANTĐ - Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh tăng tỷ giá lên thêm 1%, nhưng thị trường ngoại tệ những ngày vừa qua vẫn chưa “hạ nhiệt”, giá bán USD tại ngân hàng luôn ở mức kịch trần, ngoài thị trường tự do giá bán cũng được treo ở mức cao. Các chuyên gia cho rằng, căng thẳng chỉ là tạm thời và có tính chất ngắn hạn. 

Lãi suất USD ở mức thấp nên việc giữ USD không mang lại nhiều lợi nhuận

Ngày 9-7, giá bán USD tại các ngân hàng thương mại tiếp tục được niêm yết ở mức kịch trần cho phép là 21.246 đồng/USD. Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) mua vào ở mức 21.230 đồng/USD và bán ra ở mức 21.246 đồng/USD. Giá USD ngoài thị trường tự do cũng liên tiếp tăng, từ mức 21.600 đồng/USD rồi 21.700 đồng/USD và sau đó là vượt 21.800 đồng/USD. 

Bản tin hỗ trợ nhà đầu tư của một công ty chứng khoán cho biết, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng đóng cửa ngày 5-7 tại 21.290 VND, cao hơn 0,21% so với trần tỷ giá. Sau đó, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng tăng tiếp lên 21.375 VND, cao hơn 0,61% so với trần tỷ giá. Một số doanh nghiệp cho biết, họ đã phải mua USD theo giá thỏa thuận từ vài tháng nay. Mặc dù mức trần được các ngân hàng niêm yết là 21.246 đồng/USD nhưng doanh nghiệp vẫn phải mua ở giá cao hơn. 

Được biết, bên cạnh việc xử lý các cân đối kỹ thuật và các yếu tố tác động, cơ quan thanh tra giám sát của NHNN cũng đang phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, cơ quan công an để tăng cường kiểm tra, xử lý việc mua bán USD ngoài luồng, mua bán vượt biên độ cho phép. 

Nhận xét về tình hình căng thẳng tỷ giá, TS Cao Sỹ Kiêm – nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, tỷ giá tăng do nhập siêu tăng, trong khi xuất khẩu thì không tăng. Một lý do khác là vàng đang xuống giá nên giới đầu tư sẽ có xu hướng đẩy vàng và giữ USD, khiến cho cung cầu ngoại tệ mất cân đối. Một quy luật tất yếu trên thị trường tiền tệ đó là vàng giảm, lạm phát giảm thì đồng USD sẽ mạnh lên. 

“Tuy nhiên, đây cũng chỉ là hiện tượng tạm thời và trong ngắn hạn. Còn về lâu dài, chắc chắn NHNN sẽ can thiệp. Vừa rồi, NHNN đã nâng tỷ giá lên 1%, tức là vẫn còn khả năng để tiếp tục tăng tỷ giá. Và tôi tin cơ quan này cũng sẽ sớm có biện pháp can thiệp để hiện tượng hai tỷ giá trong các ngân hàng thương mại sớm chấm dứt”, TS Cao Sỹ Kiêm nhận định.

Đánh giá của các chuyên gia cũng cho rằng, NHNN đã khẳng định biên độ biến động tỷ giá năm nay chỉ 2-3%. Như vậy, khả năng điều chỉnh tỷ giá từ nay đến cuối năm chỉ còn 1%. Với biên độ này, rõ ràng việc găm giữ USD không mang lại nhiều lợi nhuận. Chưa kể, lãi suất USD hiện nay cũng đang ở mức rất thấp, chỉ 0,25%/năm với tổ chức và 1,25%/năm với cá nhân.

Phân tích của Công ty CP Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC) cho rằng, để “hạ nhiệt” thị trường có thể dựa vào một số giải pháp như kiểm soát thị trường ngoại hối tự do để giảm hoạt động đầu cơ, giảm chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, “bơm” thêm thanh khoản USD cho thị trường liên ngân hàng, yêu cầu các ngân hàng và doanh nghiệp xuất khẩu tăng cung USD ra thị trường hoặc điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng.

Mua - bán USD vượt biên độ cho phép là vi phạm

Quy định của Pháp lệnh Ngoại hối, thị trường chỉ có duy nhất một giá là tỷ giá USD/VND bình quân liên ngân hàng do NHNN công bố và các giao dịch được phép thực hiện trong biên độ +/-1%, đơn vị nào áp dụng vượt quá biên độ đều là vi phạm. Bên cạnh đó, theo quy định, các giao dịch ngoại tệ bất hợp pháp có thể bị phạt tới 100 triệu đồng, thậm chí tới 500 triệu đồng. Thêm vào đó, hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu cả lượng ngoại tệ tang vật.