Vốn ODA bị cắt giảm có thể tạo cú sốc cho nền kinh tế nước ta

ANTĐ -Theo Bộ Tài chính, đến tháng 7-2017, Việt Nam có thể không còn được vay theo điều kiện ODA. Trả lời phỏng vấn Báo ANTĐ bên hành lang Quốc hội sáng nay, 23-3, ĐBQH Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc bị cắt giảm nguồn vốn vay ODA vào thời điểm này thực sự là bài toán khó cho cơ cấu tài chính nước ta.

Theo TS Bùi Đức Thụ, Ngân hàng thế giới - một trong những tổ chức cấp vốn ODA cho Việt Nam nhiều nhất đã thông báo từ tháng 7-2017 sẽ cắt giảm ODA cho Việt Nam.

Trước đó, ngay trong năm 2016 này, nhiều nước ở châu Âu như Anh, Na Uy, Thụy Sĩ… cũng đã có kế hoạch dừng cấp hoặc cắt giảm ODA cho Việt Nam.

Nguyên nhân là do Việt Nam hiện đã trở thành nước có GDP bình quân đầu người vượt qua ngưỡng nghèo, trở thành nước có thu nhập trung bình nên bị hạn chế ưu tiên.

ĐBQH Bùi Đức Thụ trả lời phỏng vấn bên hành lang Quốc hội

ĐBQH Bùi Đức Thụ nhấn mạnh, việc Ngân hàng thế giới thông báo từ 2017 sẽ cắt giảm ODA cho Việt Nam là bài toán rất khó đặt lên cho nền tài chính công nước ta bởi ODA là nguồn vốn vay ngoài nước có lãi suất thấp, thời hạn trả nợ dài mà các nước phát triển, tổ chức trên thế giới ưu tiên cho những nước nghèo vay để đầu tư phát triển hạ tầng và các lĩnh vực khác của ngành kinh tế. Trong 10 năm qua, số vốn ODA mà Việt Nam được ký kết vay mỗi 1 năm khoảng 5 tỷ USD, giải ngân cũng ở mức đó.

“Tới đây nguồn vốn vay này sẽ giảm, phụ thuộc vào cam kết của Chính phủ Việt Nam với các quốc gia, các tổ chức quốc tế đang cho Việt Nam vay vốn ODA. Căn cứ vào các cam kết này, chúng ta cần đề xuất có lộ trình giảm dần nguồn vốn vay ODA cho phù hợp, còn nếu cắt ngay sẽ tao thành cú sốc cho điều hành kinh tế của nước ta. Đồng thời nước ta cũng có thể bổ sung xem xét đề xuất các gói vay thương mại ưu đãi. Bởi hiện dù đã thoát nghèo song quá trình phát triển của Việt Nam vẫn chưa thực sự ổn định vững chắc” – ĐBQH Bùi Đức Thụ phân tích.

Cũng theo Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Bùi Đức Thụ, việc bị cắt giảm ODA trong thời gian tới đặt ra vấn đề là cần phải xem xét lại cách quản lý, hiệu quả sử dụng ODA trong thời gian qua, loại bỏ ngay tư tưởng vung tay quá trán khi sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi này.

“Việc sử dụng nguồn vốn ODA ra sao, không riêng gì nước ta mà cả những quốc gia, tổ chức tài trợ vốn cho nước ta cũng cùng giám sát nên về cơ bản nguồn vốn này được quản lý chặt chẽ. Dù vậy, những năm qua với các dự án vay vốn ODA ở nước ta nói riêng, việc giải phóng mặt bằng nhìn chung đều chậm, vốn ODA cam kết vay thường cao hơn rất nhiều so với ODA giải ngân. Giai đoạn 2006-2010, giải ngân ODA của nước ta chỉ bằng 60-70% của số ODA đã ký kết mà thôi” - ĐBQH Bùi Đức Thụ chỉ ra.