Ra đi hy vọng, trở về thê thảm
Chị Nguyễn Thị Thoa là trường hợp đầu tiên ở xã Vũ Đông, TP Thái Bình được sang làm giúp việc tại Ả rập Xê út, nhưng chỉ được hơn 1 tuần chị đã phải trở về kèm theo một khoản tiền đền bù do phá vỡ hợp đồng không hề nhỏ so với kinh tế gia đình chị: 30 triệu đồng. Tuy nhiên, dù ôm khoản nợ lớn nhưng chị vẫn còn may mắn hơn nhiều lao động khác vì đã được trở về nhà. Chị Thoa kể rằng, thông qua công ty môi giới, chị đã ký với một doanh nghiệp xuất khẩu lao động (XKLĐ) hợp đồng XKLĐ sang Ả rập Xê út. Các điều khoản mà công ty này đưa ra trong thông báo tuyển dụng thì rất hấp dẫn: Thu nhập từ 7-8 triệu đồng (chưa tính thưởng); Người lao động được miễn phí xuất cảnh, học ngoại ngữ và giáo dục định hướng, ăn ở; Khi trúng tuyển, người lao động tạm đóng trước 5 triệu đồng (số tiền này được hoàn trả lại trước khi xuất cảnh)…
Sau khi nộp 3.750.000 đồng, ký hợp đồng với công ty môi giới, chị Thoa được đưa lên Hà Nội gặp đại diện phía công ty XKLĐ. Theo hợp đồng, những người lao động phải học tiếng Ả rập 2 tháng, nhưng chị chỉ được học 4 nửa buổi và chỉ nói được mỗi từ “xin chào” là xách va li lên đường. Xuống sân bay, chị được đưa ngay đến nhà chủ, bà chủ yêu cầu bỏ va li kiểm tra và thu toàn bộ 2 điện thoại cùng số tiền ít ỏi chị mang theo. Chị phản ứng lại, nhưng vì không hiểu tiếng nên hai bên không thể giải quyết được, chị bị ông bà chủ lôi lên trung tâm môi giới để trả. Ngay sau đó chị bị chuyển sang một gia đình khác, ở đây chị phải làm việc quần quật từ 5 giờ sáng đến 11 giờ tối, có hôm đến 1 giờ sáng hôm sau và với điều kiện làm việc như vậy, chị chỉ trụ được… 3 ngày. Chị kể rằng nhà chủ thứ hai có gần chục người, bao gồm ông bà chủ, bố mẹ họ và 5 người con, nhà thì 5 phòng rộng mênh mang, trải thảm. Công việc của chị là nấu nướng, rửa bát, lau dọn nhà cửa và giặt giũ cho chừng ấy con người. “Lau nhà thì phải lau bằng xà phòng, sau đó rửa lại bằng nước rồi lau bằng khăn khô. Quần áo người bên đó rất to, dài, người nào cũng có khăn choàng rất lớn, mỗi ngày họ thay 2-3 bộ như thế cho tôi giặt, là. Họ ra khỏi nhà 10 giờ sáng và trở về lúc 11h đêm, ăn uống và rửa bát xong thì đã 1 giờ. Tôi ở cùng chủ nhưng phải ngủ dưới đất, không màn, không quạt, nóng không ngủ được, nói với chủ thì họ bảo họ mua từ môi giới Việt Nam mất nhiều tiền lắm rồi nên phải làm. Mỗi ngày tôi chỉ được ăn 1 bữa bánh mì chấm súp, ngủ thì chỉ được vài ba tiếng nên đến ngày thứ 3 tôi tụt huyết áp, chân tay run rẩy, người xỉu đi, chủ lại lôi đến trung tâm môi giới để trả”.
Tại đây, chị được đưa vào nhà chờ của trung tâm môi giới và gặp rất nhiều trường hợp cùng cảnh ngộ. “Nhà chờ thực ra là một cái nhà kho, mỗi ngày chúng tôi được ăn một cái bánh mì bơ, uống nước máy và không có quần áo thay vì chủ chưa trả hành lý. Có những người Việt mình ở đây cả chục ngày nhưng chỉ mặc một bộ quần áo, có chị đúng ngày “đèn đỏ” mà cũng không có quần áo thay, rất khổ sở. Những người mà tôi gặp ở đây đa phần đều bị đổi chủ quanh quẩn như vậy, ví dụ như chủ thứ hai mà tôi ở thì ở nhà chờ cũng có 3-4 người từng ở mà không chịu được. Có chị đi 2 tháng đổi 7 lần chủ mà vẫn phải quay lại nhà chờ”. Lúc này, ở nhà chồng chị Thoa phải ký vào biên bản phá vỡ hợp đồng, vay mượn khắp nơi lấy 30 triệu đồng để đền cái tiền “phá vỡ hợp đồng” ấy. “Đi một tuần về tôi sụt 5kg, chồng lên Hà Nội đón về mà chân tay run không đi được, phải truyền nước, truyền đạm mãi mới về được. Về nước, chị làm đơn lên Cục Lao động ngoài nước và được người của công ty đến… “hỗ trợ” 14 triệu đồng.
Giống như chị Thoa, trường hợp chị Ma Thị Y (xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình, Tuyên Quang) đi XKLĐ sang Ả rập Xê út được 4 tháng thì cũng phải đổi 3 lần chủ, lần nào cũng chịu môi trường làm việc cực khổ, thậm chí bị lạm dụng tình dục. Để được về, con trai chị đã phải vay mượn 40 triệu đồng nộp tiền “phá vỡ hợp đồng” cho công ty xuất khẩu lao động. Sau khi viết đơn gửi lên Cục Quản lý lao động ngoài nước, chị Y được nhận lại 23 triệu đồng từ công ty bao gồm khoản tiền lương mà chị đã làm việc tại Ả rập Xê út và một phần tiền hỗ trợ kinh phí làm thủ tục về nước của công ty. “Khi người môi giới đến thuyết phục chúng tôi đi thì bảo sang bên ấy sướng lắm, hai ba chị em còn được ở gần nhau, ăn uống không thiếu gì. Ở nhà hai mẹ con không làm gì ra tiền nên tôi mới quyết định đi, nào ngờ…”.
Ở Tuyên Quang, thời gian vừa qua cũng có hàng chục người ra đi và phải trở về trong hoàn cảnh tương tự như vậy. Riêng xã Thổ Bình đã có đến hai chục trường hợp, không mấy ai chịu quá được 5 tháng, dù hợp đồng có thời hạn là 24 tháng. Ở nhiều tỉnh, thành khác như Thái Bình, Thanh Hóa, Phú Thọ, Thái Nguyên,Tuyên Quang, Bắc Cạn, Nghệ An, Tây Ninh… tình trạng người lao động xuất khẩu sang Ả rập Xê út phải “phá hợp đồng” về nước trước thời hạn cũng không ít. Họ trở về, tất cả đều phải ôm theo một món nợ lớn mà nhiều trong số đó là tiền vay nặng lãi, không biết bao giờ mới trả được.
Vì sao XKLĐ sang Ả rập Xê út lại dễ dàng đến vậy?
Việt Nam bắt đầu đưa lao động sang làm việc tại Ảrập Xê út từ năm 2003 và hoạt động này được đẩy mạnh trong những năm gần đây. Hiện nay, riêng mảng lao động giúp việc gia đình Việt Nam đã có khoảng 5.000 lao động tại thị trường này. Vậy tại sao những năm gần đây đâu đâu cũng thấy những lời mời chào có cánh để chiêu dụ người dân sang đất nước này làm giúp việc?
Thực tế Ả rập Xê út là một nước có nhu cầu lao động giúp việc rất lớn, nước này thường xuyên cần khoảng 2 triệu lao động giúp việc và phần lớn đều đến từ các nước châu Á. Trước đây nguồn cung lao động giúp việc của nước này chủ yếu đến từ Indonesia và Philippine, tuy nhiên thời gian gần đây nguồn cung này bị hạn chế sau vụ một người giúp việc Indonesia bị hành quyết vì bị kết tội giết chủ nhà. Indonesia và Philippines đã cấm người giúp việc nước họ không được tới làm việc ở quốc vương này để lên án tình trạng ngược đãi và lạm dụng người giúp việc cũng như đòi hỏi các điều kiện làm việc và phúc lợi xã hội tốt hơn cho họ.
Sau vụ việc này, các công ty môi giới lao động giúp việc gia đình (GVGĐ) của Ả rập Xê út đã chuyển hướng sang thị trường Việt Nam và Campuchia. Đúng lúc các doanh nghiệp XKLĐ Việt Nam đang gặp khó khăn về thị trường khi Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc đều khép dần cánh cửa, thì đây như một cơn mưa rào giữa mùa hè. Nếu như lao động xuất khẩu sang thị trường Đài Loan thường phải chi phí nhiều cho môi giới, lao động xuất khẩu sang Nhật Bản đòi hỏi cao thì phía Ả rập Xê út lại tiếp nhận lao động Việt Nam tương đối đơn giản, trong khi doanh nghiệp cung ứng lại được phía đối tác trả phí tuyển dụng cao. Một thị trường hấp dẫn (đối với các doanh nghiệp XKLĐ) như vậy, thì việc các doanh nghiệp nhanh chóng “chớp cơ hội” là điều dễ hiểu. Số lượng doanh nghiệp xuất khẩu lao động sang thị trường này không ngừng tăng, năm 2013 có 10 doanh nghiệp, năm 2014 tăng lên 15 doanh nghiệp.
Tuy nhiên, sự dễ dàng cũng đi kèm vô vàn rủi ro, vì đây là thị trường rất phức tạp. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Vĩnh Cát, một doanh nghiệp cung cấp tới 50% lao động Việt Nam tại thị trường Ả rập Xê út cho biết: “Thị trường Ả rập Xê út không phải thị trường hấp dẫn đối với lao động Việt Nam, tiền lương và điều kiện lao động chỉ nhỉnh hơn trong nước một chút, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, đặc biệt là văn hóa tín ngưỡng khác biệt, vì vậy thị trường này phù hợp với đối tượng lao động nghèo. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động khi các thị trường khác đều đang lâm vào khó khăn thì nhiều doanh nghiệp buộc phải trông chờ vào những thị trường “khó nhằn” như Ả rập Xê út, Thổ Nhĩ Kỳ, Síp... Tuy nhiên, để tồn tại được ở những thị trường phức tạp này, thì doanh nghiệp phải có tâm, có tầm, vì tỷ lệ rủi ro rất lớn”.
Đã khó còn làm qua loa
Một thị trường quá phức tạp, nhưng lại quá hấp dẫn với các doanh nghiệp XKLĐ, bởi lợi nhuận lớn, thủ tục đơn giản, yêu cầu trình độ lao động thấp, nhu cầu chủ sử dụng cao. Không ít doanh nghiệp đã nôn nóng tuyển dụng lao động mà buông lỏng công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng những kiến thức cần thiết cho người lao động. Nhiều lao động không đủ sức khỏe, chưa biết nghề giúp việc cũng được đưa sang làm việc. Người lao động không được dạy tiếng, không được phổ biến phong tục tập quán, sinh hoạt và khí hậu tại Ả rập Xê út nên thường bị sốc trong thời gian đầu làm việc, thậm chí có không ít trường hợp lao động đòi về nước chỉ sau một thời gian ngắn khi sang. Một cán bộ xuất khẩu lao động chia sẻ, dù quy định là 72 tiết đào tạo người lao động, có cả giáo trình chuẩn do Bộ LĐ-TB&XH ban hành và tùy vào điều kiện cụ thể của nước sở tại mà doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm đưa các thông tin, kiến thức cần thiết khác vào giáo trình ấy nhưng có không ít người lao động và công ty gần như đồng thuận với nhau về rút ngắn thời gian đào tạo lại. Phía công ty thì giảm chi phí, người lao động thì không muốn học nhiều, vì họ cho rằng giúp việc thì có gì mà phải học. Trong khi đó, giúp việc gia đình là một công việc tương đối phức tạp, nhất là với Ả rập Xê út, một quốc gia theo đạo Hồi, rất xa lạ với văn hóa Việt Nam.
Tuy nhiên, để phát sinh vụ việc một phần cũng do bản thân người lao động. Nhiều lao động Việt Nam nghĩ rằng sang nước ngoài giúp việc là một thế giới mới, là sự đổi đời, công việc nhẹ nhàng hơn, họ muốn đi nhưng không chịu hoặc không có nguồn tìm hiểu thông tin về nơi họ đến. Nhiều người còn hạn chế về trình độ, bản thân không biết phải học gì, cứ nghĩ mình có sức khỏe là kiếm được tiền. Và vì không phải trả chi phí trước khi đi nên nhiều người nghĩ nếu sang không làm được thì về, “chẳng mất gì cả”, họ đã ký vào hợp động lao động mà không tìm hiểu kỹ những quyền lợi, nghĩa vụ của mình, nhất là điều khoản đền bù nếu phá vỡ hợp đồng. Đến khi sang công việc không làm được, muốn về thì mới được thông báo về việc phải chi trả những chi phí vé máy bay, làm giấy tờ và đền bù hợp đồng bị phá vỡ dẫn đến nhiều tranh chấp phát sinh.
Được cho là doanh nghiệp có quy mô xuất khẩu lao động giúp việc Việt Nam lớn nhất sang Ả rập Xê út, nhưng Công ty Vĩnh Cát vẫn phải đối mặt với không ít vụ việc phát sinh. Người đứng đầu công ty này cho biết riêng năm 2014, công ty đã đưa hơn 1.400 lao động sang Ả rập Xê út, tỷ lệ vụ việc phát sinh vào khoảng 2,8%. “Theo chúng tôi với một thị trường khó khăn như vậy, đảm bảo tuyệt đối không có vụ việc phát sinh là rất khó. Các vụ việc phát sinh thường xuất phát từ việc người lao động không đảm bảo sức khỏe, nhớ nhà, nhớ con, không chịu được khí hậu và văn hóa khác biệt. Một số trường hợp gặp chủ không tốt dẫn đến điều kiện làm việc không đảm bảo, nhưng số này rất ít. Khi về thì có người xin về đàng hoàng, công ty sẽ hỗ trợ một phần kinh phí, nhưng có những người vì không muốn bỏ khoản tiền đền bù theo cam kết nên tìm nhiều lý do, có trường hợp giả vờ ốm, giả vờ thần kinh nhưng khi khám sức khỏe thì không có bệnh gì” - ông Nguyễn Thanh Sơn nói.
Trên thực tế, lao động xuất khẩu không chỉ ở thị trường Ả rập Xê út mà ngay các thị trường khác cũng vô cùng phức tạp và chiếm hầu hết các vụ việc phát sinh. Những vụ việc lao động bỏ trốn, kiện cáo giữa người lao động và chủ sử dụng lao động khiến việc xuất khẩu lao động giúp việc sang các thị trường Malaysia, Đài Loan bị đình đốn suốt một thời gian dài đến nay vẫn chưa khôi phục được.
Sẽ siết chặt quản lý
Do số lượng lao động Việt Nam đi làm giúp việc gia đình tại Ả rập Xê út ngày càng tăng nên mới đây Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam và Bộ Lao động Vương quốc Ả rập Xê út đã ký kết một bản thỏa thuận về việc tuyển dụng lao động Việt Nam làm giúp việc tại Ả rập Xê út nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc đưa giúp việc gia đình Việt Nam sang làm việc tại Ả rập Xê út, từ đó bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của lao động giúp việc gia đình Việt Nam làm việc tại nước Trung Đông này, bên cạnh các quy định pháp luật liên quan của hai nước. Theo ông Phạm Viết Hương, Cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) thì trong năm nay, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ đẩy mạnh việc thực hiện thỏa thuận này, trong đó thống nhất áp dụng mẫu Hợp đồng lao động giữa giúp việc gia đình Việt Nam và chủ sử dụng Ả rập Xê út. Việc này sẽ giúp bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của lao động GVGĐ Việt Nam tại Ả rập Xê út và nâng cao số lượng và chất lượng lao động GVGĐ Việt Nam sang làm việc tại thị trường này.
Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH cũng có những động thái chấn chỉnh thị trường này, như yêu cầu các doanh nghiệp có trên 300 lao động các ngành nghề hoặc trên 100 lao động GVGĐ cử cán bộ đại diện sang làm việc tại Ả rập Xê út. Các doanh nghiệp có dưới số lao động nói trên có thể cùng hợp tác theo hướng 300 lao động có một quản lý. Bên cạnh đó, Bộ cũng yêu cầu các doanh nghiệp chấp hành nghiêm chỉnh chế độ báo cáo lao động xuất cảnh với Cơ quan đại diện Việt Nam tại Ả rập Xê út. Các doanh nghiệp phải kịp thời báo cáo và phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán, Ban Quản lý lao động để xử lý các vụ việc phát sinh, không xúi giục người lao động khi có vấn đề phức tạp phát sinh bỏ về Đại sứ quán cư trú và được giải quyết. Bộ LĐ-TB&XH sẽ dừng thẩm định với các công ty môi giới của Ả rập Xê út không phối hợp tốt để giải quyết các vấn đề phát sinh; các doanh nghiệp xuất khẩu lao động chậm giải quyết các vấn đề phát sinh khi Bộ LĐ-TB&XH, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã yêu cầu, vi phạm quy định về đăng ký hợp đồng, không báo cáo danh sách lao động… sẽ bị xử phạm nghiêm để chấn chỉnh kịp thời thị trường đi vào ổn định và phát triển.
Khi phát sinh những vụ việc như ở thị trường Ả rập Xê út sẽ không chỉ thiệt thòi cho người lao động mà ngay cả các doanh nghiệp XKLĐ cũng lao đao. Đây là bài học cho người lao động nhưng đồng thời cũng là kinh nghiệm xương máu cho các doanh nghiệp, bởi nếu họ dễ dãi qua loa trong khâu tuyển dụng, đào tạo và quản lý người lao động thì chính họ sẽ phải trả giá bằng uy tín của mình.