Trung Quốc củng cố trái phép vị thế pháp lý trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam

ANTĐ - Ngoài biển Đông, chỉ trong một tuần, một cơn bão và một áp thấp nhiệt đới đang khuấy sóng,  gây bao phiền muộn cho cư dân ven bờ và các tàu cá trên biển. Nhưng những cơn bão cũng không làm bức bối nhân dân các nước Đông Nam Á bằng những hành động gây hấn ngạo ngược của Trung Quốc trên vùng biển chung này.

Tàu cá của ngư dân Việt Nam liên tục bị Trung Quốc phá hoại

Ngày 17-7-2013, ông Lương Thanh Nghị, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã thông báo: Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao cho Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam công hàm phản đối hành động uy hiếp, cướp phá tàu cá Việt Nam khi đang hoạt động trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, yêu cầu phía Trung Quốc nghiêm túc điều tra, xử lý nghiêm khắc việc làm sai trái nói trên, bồi thường thỏa đáng cho ngư dân Việt Nam và không để tái diễn các vụ việc tương tự.

Theo thông tin từ các cơ quan chức năng, sáng 7-7-2013, tàu Trung Quốc số hiệu 306 đã truy đuổi, uy hiếp 2 tàu cá QNg 96787 TS và QNg 90153 TS ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, cho người lên tàu khống chế, lục soát, đánh đập ngư dân, đập phá và lấy đi một số tài sản khi hai tàu này đang hoạt động nghề cá bình thường.

Tại cuộc họp báo, ông Lương Thanh Nghị khẳng định: “Hành động trên đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở biển Đông, trái với tinh thần đối xử nhân đạo với ngư dân, các quy định của luật pháp quốc tế và tinh thần của Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC)”. 

Chỉ mới mấy ngày trước, trong cuộc gặp giữa lãnh đạo cao cấp nhất hai nước, Trung Quốc đã cam kết không dùng vũ lực với ngư dân đánh cá trên biển. Mực chưa kịp khô, máu ngư dân Việt Nam đã lại đổ, lòng tin lại một lần nữa bị thử thách. 

Chúng ta có thể tin cậy vào những cam kết của họ không? Bởi vì không chỉ sử dụng vũ lực với ngư dân trên biển, phía Trung Quốc còn có những hành động làm trái cam kết DOC, nhằm làm thay đổi tình trạng pháp lý các vùng nước và các đảo trên biển Đông. Sau Khi thành lập cái gọi là TP Tam Sa trên vùng đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép của Việt Nam, đầu tháng 7-2013, Trung Quốc đã chính thức cấp chứng minh thư và giấy phép cư trú cho các công dân Trung Quốc đang hoạt động tại Hoàng Sa. Hành động trên của Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam và giấy phép cư trú kia hoàn toàn vô giá trị.

Trung Quốc là đối tác không tin cậy - đó là ý kiến của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez, nhưng đó cũng chính là quan điểm của nhiều quốc gia có đường biên giới trên biển và trên đất liền với Trung Quốc bởi các hành động của Trung Quốc trên biển Đông đã buộc các quốc gia phải nhìn nhận điều đó. Nhìn toàn cảnh những ứng xử của họ đối với chủ quyền của các nước xung quanh thấy rõ Trung Quốc hoàn toàn vô trách nhiệm với hòa bình ổn định khu vực đã đành mà họ còn không có trách nhiệm cả với những cam kết của họ.

Với tham vọng bá quyền, họ luôn đưa ra những căn cứ do họ tự đặt ra để yêu sách chủ quyền các vùng đất và mặt nước thuộc chủ quyền của nước khác. Họ cố tình đánh tráo khái niệm, cố tình giải thích và vận dụng sai các quy định của UNCLOS có liên quan đến chế độ các đảo, quần đảo, quốc gia quần đảo, các bãi cạn, bãi đá… để cố tình áp đặt một số  bãi ngầm, bãi cạn thuộc vùng kinh tế đặc quyền, thềm lục địa của các nước ven biển Đông trở thành bộ phận của các quần đảo và các bãi ngầm ở giữa biển Đông nhận “chủ quyền” và đặt ra tên gọi là Tây Sa, Nam Sa, Đông Sa, Trung Sa, để từ đó biện hộ cho yêu sách đường biên giới biển “lưỡi bò” phi lý của họ, bằng cách vạch ra hệ thống đường cơ sở bao quanh quần đảo theo tiêu chuẩn đường cơ sở của Quốc gia quần đảo. Nhận bừa chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, sau đó lại nhân danh các lãnh thổ nhận bừa này, tuyên bố chủ quyền các vùng nước và đảo mới. 

Rõ ràng không kịp thời làm rõ việc đánh tráo khái niệm của Trung Quốc sẽ tạo ra tiền lệ xấu cho tham vọng xâm chiếm lãnh thổ của họ. Những tham vọng này gây nên tình trạng bất ổn về chính trị, xã hội, làm xói mòn miền tin, làm suy yếu sức mạnh đoàn kết của cộng đồng khu vực và quốc tế đối với việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực biển Đông, một trong những tuyến hàng hải trọng yếu của thế giới.

Biển Đông có 7 nước ven bờ và đều tuyên bố chủ quyền các đảo, bãi cạn trên đó, nhưng Trung Quốc không bao giờ muốn có thương lượng đa phương mà chỉ muốn thương lượng song phương nhằm dùng sức mạnh kinh tế và quân sự của mình bẻ gãy sự phản kháng của từng nước.

Hài hước hơn cả, điều kiện tiên quyết để thương lượng với Trung Quốc là… thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc trên 85% diện tích Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez ngày 15-7 đã nói thẳng: “Philippines phải thốt lên rằng đã kiệt sức sau 17 năm nỗ lực giải quyết tranh chấp biển Đông với Trung Quốc một cách hòa bình qua kênh chính trị, ngoại giao. Bởi vì Trung Quốc luôn đặt điều kiện tiên quyết cho tất cả các cuộc đàm phán về biển Đông đòi đối phương phải thừa nhận toàn bộ biển Đông thuộc về Trung Quốc?!. Sau đó đàm phán gì thì đàm phán”. 

 Cùng với những hành vi dùng vũ lực trên biển, những quan điểm chính trị này thể hiện Trung Quốc chưa bao giờ có trách nhiệm với hòa bình và ổn định khu vực cả.

Trung Quốc đã ký DOC với các nước ASEAN, cam kết: Các bên liên quan chịu trách nhiệm giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ và về quyền thực thi luật pháp bằng các phương tiện hòa bình mà không viện đến sự đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, các bên chịu trách nhiệm thực hiện sự tự chế trong việc thi hành các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và sự ổn định, kiềm chế không tiến hành đưa người đến sinh sống trên những hòn đảo hiện không có người sinh sống, trên các rặng đá ngầm, bãi cát ngầm, đảo nhỏ và những yếu tố khác và phải được xử lý những khác biệt của mình bằng phương pháp có tính xây dựng.

Cũng như vậy, các cam kết này nhanh chóng bị Trung Quốc vứt vào sọt rác với việc triển khai các tàu chiến trên biển Đông, lập, xây dựng cái gọi là TP Tam Sa trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, truy đuổi, đàn áp ngư dân làm ăn sinh sống hợp pháp trên biển Đông.

Vậy là cam kết của họ, chính họ cũng không tôn trọng. Những hành vi tàn bạo với ngư dân Việt Nam, những chiến dịch đả phá Việt Nam trên báo chí Trung Quốc, những củng cố trái phép vị thế pháp lý trên quần đảo Hoàng Sa… đều trái với những cam kết của họ với Việt Nam.

Có thể khẳng định: Trung Quốc không có trách nhiệm với hòa bình ổn định khu vực đã đành mà họ còn không có trách nhiệm với những cam kết của họ.