Tròn 7 năm Thủ đô mở rộng địa giới hành chính: Khẳng định tầm vóc, vị thế Hà Nội

ANTĐ - Hôm nay 1-8-2015, tròn 7 năm kể từ ngày Thủ đô Hà Nội mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết số 15 của Quốc hội khóa XII. So với thời điểm 1-8-2008, quy mô, khối lượng, tính chất khó khăn của những công việc mà Hà Nội phải giải quyết hàng ngày chỉ tăng chứ không giảm bởi những yêu cầu, đòi hỏi đặt ra ngày càng cao. 
Tròn 7 năm Thủ đô mở rộng địa giới hành chính: Khẳng định tầm vóc, vị thế Hà Nội ảnh 1

Nhiều công trình lớn, hiện đại được xây dựng cho thấy công tác quy hoạch phát triển đô thị ở Hà Nội chuyển biến rõ rệt

Thu nhập người dân tăng qua từng năm

Nhìn lại 7 năm qua, có thể nói, Hà Nội đã nhanh chóng vượt qua thời kỳ sát hạch nghiêm khắc để bộ máy vận hành trơn tru và bước vào giai đoạn tăng tốc. Vượt qua khó khăn, thách thức, kinh tế Thủ đô tiếp tục phát triển và đạt mức tăng trưởng khá. Chỉ tính 5 năm trở lại đây (2011-2015), tổng sản phẩm trên địa bàn Hà Nội bình quân mỗi năm tăng 9,23%, gấp 1,58 lần mức tăng bình quân chung của cả nước. Quy mô tăng trưởng năm 2015 theo giá hiện hành ước đạt khoảng 27,6 tỷ USD. Bình quân thu nhập đầu người ở Hà Nội khoảng 3.600 USD/năm, tăng gấp 1,8 lần so với năm 2010. Các ngành kinh tế được phục hồi và tiếp tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực.

Cùng với đó, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị được chú trọng và có chuyển biến, tiến bộ rõ rệt. Thành phố đã phát triển nhiều công trình lớn, hiện đại như: Nhà ga quốc tế T2 Nội Bài; đường vành đai 3, đường Nhật Tân - Nội Bài, đường 5 kéo dài; cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Tuy, cầu Vĩnh Thịnh, cầu Đông Trù và hoàn thành 7 cầu vượt, góp phần giảm ùn tắc giao thông khu vực nội đô. Các tuyến đường sắt đô thị Hà Đông - Cát Linh, Nhổn - Ga Hà Nội đang dần thành hình, hứa hẹn tạo ra bước tiến lớn trong xây dựng hạ tầng giao thông thành phố.

Qua từng năm, diện mạo Thủ đô ngày càng đổi mới, khang trang, văn minh, hiện đại. Hạ tầng kỹ thuật và xã hội từ đô thị đến nông thôn phát triển theo hướng đồng bộ. Nếp sống văn minh đô thị, trật tự, an toàn xã hội có chuyển biến tốt hơn, nhất là sau gần 2 năm thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị”. Văn hóa tiếp tục phát triển; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đạt kết quả đáng ghi nhận. Khoa học và công nghệ được đẩy mạnh; giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển, chất lượng nguồn nhân lực từng bước được nâng cao. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô được giữ vững; quốc phòng và quân sự địa phương ngày càng được củng cố, tăng cường. Hoạt động đối ngoại, hợp tác phát triển tiếp tục được đẩy mạnh, vị thế, uy tín Thủ đô ngày càng được nâng cao...

Đời sống nông thôn được cải thiện

Sau 7 năm, ngành nông nghiệp, khu vực vốn gây ra ít nhiều lo lắng khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, đã đạt được những kết quả tích cực, bình quân tăng trưởng 2,4%/năm, giá trị sản xuất ước đạt 231 triệu đồng/ha đất canh tác, tăng 1,24 lần so với năm 2010. Thành phố đã hình thành và mở rộng một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung có giá trị kinh tế cao; đã có nhiều cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa, hoa, cây ăn quả chất lượng cao, giá trị sản xuất lớn, đạt từ 1 - 2 tỷ đồng/ha. 

Đáng chú ý, trong 5 năm gần đây, Hà Nội đã huy động bình quân khoảng 5.800 tỷ đồng/năm cho đầu tư xây dựng nông thôn mới. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn được chú trọng đầu tư. Hệ thống đê kè, thủy lợi, giao thông nông thôn... được củng cố, nâng cấp. Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trụ sở được bê tông hóa đạt 100%; đường trục thôn và liên thôn được bê tông hóa đạt 95%. Tỷ lệ thôn, xóm, cụm dân cư có nhà văn hóa đạt 80,5%. Không còn phòng học tạm, dột nát và tình trạng phải học ba ca. 100% số xã có trạm y tế, có bác sỹ và nhiều xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Môi trường nông thôn được cải thiện, tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải ở ngoại thành đạt 90%, dân số nông thôn được sử dụng nước đảm bảo vệ sinh đạt 100%. Hệ thống chính trị ở nông thôn được củng cố; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.  

Đặc biệt, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân Thủ đô được cải thiện, nhiều vùng được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn tiếp tục tăng lên, năm 2015 ước đạt 33 triệu đồng/người/năm, gấp 2 lần so với năm 2011.

“Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”

Dự báo 5 năm tới, Thủ đô Hà Nội vẫn mang trong mình những thời cơ, thuận lợi và cả khó khăn, thách thức đan xen. Nhìn thẳng vào những hạn chế, khuyết điểm, Thủ đô Hà Nội với tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, sẽ kế thừa, phát huy những thành tựu, kinh nghiệm sẵn có cũng như chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Bên cạnh sự quan tâm đặc biệt của Trung ương, sự hợp tác chặt chẽ của các bộ, ban, ngành và địa phương trong cả nước, Thủ đô Hà Nội luôn nỗ lực, ý chí quyết tâm cao, vào cuộc đồng bộ, quyết liệt trong giai đoạn tăng tốc phát triển của Hà Nội những năm tới.    

Vừa tròn 7 năm Thủ đô mở rộng địa giới hành chính, đây thực sự là một chặng đường đáng nhớ với nhiều thành tựu được khẳng định. Trước thềm Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ thành phố, Hà Nội lại đang tích cực chuẩn bị mọi mặt để bước vào hành trình 5 năm tới.

 Hành trang mang theo của Hà Nội hôm nay đã khác rất nhiều so với 7 năm trước. Song, có một điều không thay đổi, đó là người dân Hà Nội luôn đặt niềm tin và mong chờ những bước đột phá mới của thành phố giữ trọng trách, vai trò, vị thế Thủ đô - trái tim của cả nước. Và hơn thế, kỳ vọng ấy cũng là của người dân cả nước, để Hà Nội nhanh chóng vươn lên những tầm cao mới, phát huy truyền thống rạng ngời của Thủ đô ngàn năm văn hiến, anh hùng.