Trái đắng tăng giá

ANTĐ - Theo Bộ Tài chính, lần đầu tiên sau 10 năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9-2015 giảm ở mức - 0,21% so với tháng 8-2015. Ngày 1-10-2015, tại phiên họp báo thường kỳ Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Người phát ngôn của Chính phủ, ông Nguyễn Văn Nên cho biết CPI tháng 9 giảm 0,21% so với tháng trước chủ yếu do giá xăng, dầu, giá gas trong nước tiếp tục giảm mạnh. Bộ trưởng khẳng định, giá tiêu dùng giảm không phải là giảm phát.

Và như để khẳng định rằng việc CPI giảm chỉ là hiện tượng bất thường, ngay lập tức, hàng loạt hàng hóa thiết yếu tăng giá mạnh.Theo thông báo của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch - VIWACO, kể từ 1-10-2015, giá nước sinh hoạt sẽ tăng trên 20% so với biểu giá cũ.

Theo đó, giá bán nước sinh hoạt của hộ dân tại Hà Nội từ ngày 1-10 sẽ tăng lên gần 7.000 đồng/m3 cho mức 10m3 đầu tiên. Từ mức 10m3 - 20m3 sẽ có giá bán hơn 7.000 đồng/m3 và trên 20m3 - 30m3 sẽ có giá gần 8.700 đồng/m3. Với mức trên 30m3, giá nước sinh hoạt sẽ tăng lên tới gần 16.000 đồng/m3. Không chỉ giá nước sinh hoạt, từ ngày 1-10, giá bán lẻ mỗi bình gas tới tay người tiêu dùng sẽ tăng 10.000 đồng, tương đương 883 đồng/kg (đã bao gồm thuế VAT). Giá bán gas phổ biến sẽ ở mức 275.000 - 285.000 đồng một bình 12 kg. Trước đó vài ngày là giá xăng đã tăng.

Nhưng đó là những mặt hàng tăng giá đã biết, phía trước, còn quá nhiều trái đắng giá cả đang chờ đợi mỗi gia đình. Giá điện, học phí, viện phí, giá thuốc chữa bệnh…đều lăm le tăng. Cái đáng bàn ở đây là những mặt hàng đã được thả ra cho thị trường cạnh tranh như lương thực, thực phẩm, điện máy, tiêu dùng… đều có xu hướng giảm giá, nhưng các mặt hàng do các doanh nghiệp Nhà nước độc quyền, hoặc nắm thị phần khống chế thì đều tăng giá. Tăng giá nhưng công bố lãi khủng.

Một số chuyên gia cho rằng đã có sự bất hợp lý ở đây. Có thể đó là sự nuông chiều của cơ quan quản lý Nhà nước với những doanh nghiệp do mình quản lý, nhiều khi là thuộc sở hữu của cơ quan quản lý Nhà nước. Sự nuông chiều này rất dễ tạo ra các nhóm lợi ích coi thường người tiêu dùng. Có thể đó là do áp lực của sự cắt dần hỗ trợ ngân sách cho các doanh nghiệp này. Nhưng đó cũng chỉ là cớ, bởi vì theo kết quả kiểm toán, các doanh nghiệp này không thua lỗ. Vậy là sự cắt giảm hỗ trợ ngân sách cũng không thể dẫn đến tăng giá được. Một lý do các doanh nghiệp độc quyền thường vin vào để tăng giá, đó là thực hiện chính sách an sinh xã hội, bù giá cho các hộ nghèo, khó khăn. Đó cũng chỉ là cớ để tăng giá. Bù giá cho các hộ nghèo là chính sách an sinh, đã có nguồn ngân sách cấp bù hoặc có chính sách hỗ trợ. Không phải là cớ tăng giá. 

Quan trọng hơn cả, sự độc quyền dẫn đến sự xem thường người tiêu dùng, những thượng đế của nền kinh tế thị trường mà chúng ta đang nỗ lực hướng đến. Mới đây, ngày 1-10, chính ông Tổng Giám đốc cái doanh nghiệp làm cái đường ống Sông Đà vỡ n lần, làm người dân khóc dở mếu dở đi xin nước như những năm 1970, bệnh viện ngừng mổ vì không có nước, đã phát biểu một câu xanh rờn: “Mất nước một ngày cũng không ảnh hưởng lắm”… Ôi, xin các ông, đừng coi thường người tiêu dùng như thế…