Đại diện công ty vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn cho biết, trong năm 2013, hành khách đi đường dài giảm rất mạnh, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sự chậm giờ, giá thành cao.
Có thể chỉ ra một số thực trạng lạc hậu của ngành đường sắt hiện nay như công tác bán vé thủ công, dịch vụ trên tàu còn nghèo nàn, đắt đỏ, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, yếu kém, tàu thường chậm giờ và đặc biệt, giá vé không hề rẻ so với các loại hình vận tải khách hiện nay.
Báo cáo từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho thấy, tỷ lệ tàu đến đến giờ của tàu Thống Nhất chỉ đạt 73,5%, tàu địa phương đến đúng giờ đạt mức hơn 63%, thấp hơn cả năm 2012.
Bộ trưởng Đinh La Thăng nhìn nhận, mặc dù ngành đường sắt đã có nhiều cố gắng, thay đổi để linh hoạt hơn với thị trường nhưng hình ảnh về một ngành đường sắt trong mắt người dân vẫ chưa thực sự đổi mới, thay đổi nhưng rất chậm. “Tổng Công ty đường sắt dường như không nghĩ mình là doanh nghiệp, kinh doanh mà đang nghĩ mình là Bộ Đường sắt, quản lý Nhà nước về đường sắt hay gì đó nên rất chậm thay đổi”, ông Đinh La Thăng bày tỏ.

Ngoài ra, việc đầu tư xây dựng hạ tầng còn chậm, những dự án lớn mang tính chất đổi mới của ngành rất chậm. Theo lãnh đạo Bộ GTVT, những việc mà lẽ ra phải làm từ rất lâu rồi như hiện đại hóa công tác bán vé tàu, điều hành, rồi chất lượng dịch vụ, công trình kiến trong và ngoài ga còn lạc hậu, kém thân thiện. Đặc biệt, giá thành đường sắt còn cao so với các loại hình vận tải hiện nay.
Theo đó, ông Đinh La Thăng lấy ví dụ, giá vé giường nằm từ Hà Nội- Sài Gòn hiện khoảng 1,9 triệu đồng/vé, trong khi, vé máy may giá rẻ chỉ khoảng 1,2 triệu đồng. Đi máy bay người dân chỉ mất khoảng 3-4 tiếng, nhưng ngồi tàu mất đến 30 giờ đồng hồ. Như vậy, người dân sẽ đi lại bằng máy bay giá rẻ mà bỏ qua đường sắt. “Phải từ bỏ tư duy chúng ta không giống ai mà hòa đồng với tất cả các lĩnh vực, gần gũi đối tác, thân thiện với người dân”.
“Rồi đây, các tuyến đường cao tốc sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác như Hà Nội- Lào Cai, Hà Nội- Thái Nguyên, Hà Nội- Hải Phòng…, người dân sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn, ngành đường sắt sẽ còn vấp phải sự cạnh tranh gay gắt nếu không tự đổi mới”.
Ông Đinh La Thăng cho rằng, ngành đường sắt cần tập trung vào 10 chữ “thuận tiện, đúng giờ, an toàn, hiệu quả và hài lòng”, tách bạch quản lý nhà nước với kinh doanh giống mô hình ngành hàng không hiện nay. Bên cạnh đó, phải tái cơ cấu toàn diện, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, cải thiện tốc độ chạy tàu đạt 80-90km/h; hiện đại hóa công tác bán vé, xây dựng nhà vệ sinh tự hoại trên tàu phải xong vào năm 2014. “Tái cơ cấu là sự sống còn của ngành đường sắt”.