Thủ tướng Chính phủ chưa xem xét siêu dự án "tỷ đô" chạy dọc sông Hồng

ANTĐ - Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, chưa xem xét việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện theo hình thức BOO vì chưa đủ căn cứ, cơ sở theo quy định của pháp luật.

Sau khi xét đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về “siêu dự án” giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện theo hình thức hợp đồng BOO (Xây dựng- sở hữu- kinh doanh) với số vốn đầu tư trên 1 tỷ USD theo đề xuất của nhà đầu tư (Công ty TNHH Xuân Thiện, Ninh Bình), Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, chưa xem xét việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án này vì chưa đủ căn cứ, cơ sở theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổ chức xây dựng Quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng để đảm bảo phát triển bền vững. 

Việc xây dựng Quy hoạch nêu trên phải được thực hiện một cách kỹ lưỡng, khoa học và phải có sự tham gia của các địa phương liên quan, các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội khác là đại diện cho lợi ích của người dân trong lưu vực đồng bằng sông Hồng.

   

Các nhà khoa học, chuyên gia và báo chí lên tiếng mạnh mẽ  để bảo vệ sông Hồng

Trước đó, theo tờ trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công ty TNHH Xuân Thiện đề xuất “siêu dự án” tạo ra tuyến vận tải đường thủy thông suốt quanh năm từ Lào Cai - Hải Phòng cho tàu có trọng tải từ 400 tấn đến 600 tấn. Bên cạnh đó, dự án cũng sẽ xây dựng 7 cảng dọc tuyến thuộc hệ thống cảng theo quy hoạch của ngành đường thủy nội địa bao gồm: cảng Phố Mới, cảng Apatit, cảng Quý Xa (Lào Cai), cảng Văn Phú (Yên Bái), cảng Ngọc Tháp, cảng Cổ Tiết (Phú Thọ), cảng phía Bắc (Hà Nội), góp phần đẩy mạnh công nghiệp khoáng sản, hóa chất, luyện kim, vật liệu xây dựng, thế mạnh của các địa phương dọc tuyến.

dự án này sẽ thực hiện việc xây dựng 6 đập dâng nước và âu tàu, nạo vét 288km luồng sông Hồng đoạn từ Việt Trì lên Lào Cai đạt tiêu chuẩn sông cấp III; kết hợp xây dựng 6 nhà máy thủy điện nhỏ (cấp II), kiểu tuabin trục ngang cột nước thấp với tổng công suất thiết kế khoảng 228MW, cung cấp tổng 912 triệu kWh điện/năm.
Tổng mức đầu tư toàn dự án ước tính lên tới 24.510 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD. Trong đó, 30% tổng mức đầu tư do nhà đầu tư góp bằng vốn chủ sở hữu; phần còn lại sẽ được huy động vốn vay thương mại, với lãi suất vay nội tệ là 9%/năm và lãi suất  vay ngoại tệ là 4%/năm. Với nguồn thu chính là phí luồng tuyến (đoạn Việt Trì - Yên Bái thu từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng/tấn; đoạn Yên Bái thu 40.000 - 45.000 đồng/tấn); bán điện (giá bán điện khởi đầu là 1.900 đồng/kWh và có lộ trình tăng giá lên tới 3.560 đồng/kWh),… nhà đầu tư kỳ vọng hoàn vốn Dự án trong vòng 25 năm. Dự án đưa ra tiến độ thực hiện từ 2016-2021. 

Ngay sau khi thông tin về dự án được công bố, các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, thủy lợi, môi trường… đã lên tiếng cảnh báo về tác động của dự án tới khu vực hạ du, nhất là về sản xuất nông nghiệp, thủy lợi, môi trường sinh thái… Nhiều cơ quan báo chí, trong đó có Báo An ninh Thủ đô đã liên tiếp có tin, bài phản biện về dự án này.