Sẵn sàng cho ngày hội lớn

ANTĐ - Ngày 21-5, một ngày trước khi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 diễn ra, công tác chuẩn bị được rà soát kỹ càng lần cuối. Theo ghi nhận của phóng viên Báo An ninh Thủ đô tại một số điểm bầu cử cho thấy, mọi công việc chuẩn bị đã sẵn sàng cho ngày hội lớn của đất nước.

Phố phường rộn rã cờ hoa

Tại địa bàn quận Hà Đông, người dân có thể cảm nhận được không khí tưng bừng, hồ hởi lan tỏa từ đường phố tới từng con ngõ. Trên các trục đường lớn, các panô, áp phích, khẩu hiệu được trang trí rực rỡ thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân. Việc treo cờ cũng được các hộ dân trên địa bàn thực hiện nghiêm túc. 

Chia sẻ về công tác chuẩn bị, ông Nguyễn Huy Thăng, Tổ trưởng Tổ bầu cử số 4, phường Hà Cầu, quận Hà Đông phấn khởi nói: “Đến giờ phút này, mọi công việc chuẩn bị đã hoàn tất. 9h30 ngày 21-5, 1.650 thẻ cử tri đã được phát tới các cử tri trên địa bàn. Hòm phiếu đã được chuẩn bị, địa điểm bỏ phiếu cũng đã được trang trí sẵn sàng đón tiếp cử tri đến bỏ phiếu trong ngày 22-5”.

“Trước đó, các đoàn kiểm tra của Ủy ban Bầu cử quận Hà Đông, Ủy ban Bầu cử phường Hà Cầu đã tiến hành kiểm tra và thường xuyên chỉ đạo. Công tác tập huấn cho các thành viên tổ bầu cử được triển khai, chúng tôi cũng lựa chọn thành viên có kinh nghiệm về thống kê vào tổ kiểm phiếu. Theo ghi nhận tại các buổi tiếp xúc của ứng viên cũng như nghiên cứu trao đổi của cử tri có thể thấy bà con đã nắm được các thông tin để có thể lựa chọn được những người đại diện xứng đáng nhất”, ông Thăng nói.

Trong khi đó, tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, ông Hoàng Văn Mạnh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Bầu cử phường cho biết: “Phường đã chuẩn bị cơ sở vật chất cho công tác bầu cử từ khá sớm, thẻ cử tri cũng đã được phát xong. Chúng tôi cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền với nhiều hình thức như thông qua hệ thống loa truyền thanh buổi sáng và buổi chiều. Treo pa nô, áp phích tại nhiều địa điểm, đồng thời tuyên truyền lưu động cũng như thông qua các hội nghị”.

Ông Hoàng Văn Mạnh cho biết thêm: “Công tác đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn cũng được triển khai và thường xuyên nắm bắt, có thể khẳng định đảm bảo tốt cho cuộc bầu cử. Đặc biệt, trong những ngày sát ngày bầu cử, các công việc đã được rà soát kỹ càng, từ cơ sở vật chất cho tới công tác tập huấn cho các tổ bầu cử. Tới thời điểm này, tất cả các điểm bầu cử trên địa bàn đã sẵn sàng”.

Thông tin từ Ủy ban Bầu cử thành phố Hà Nội cho biết, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã ấn định 10 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội tại thành phố để bầu 30 đại biểu. Ủy ban Bầu cử các cấp của thành phố cũng đã ấn định số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị và số lượng đại biểu HĐND được bầu của mỗi đơn vị theo Luật định. Theo đó, HĐND TP được bầu 105 đại biểu và có 30 đơn vị bầu cử; HĐND cấp huyện được bầu 1.185 đại biểu và có 228 đơn vị bầu cử; HĐND cấp xã được bầu 16.045 đại biểu và có 4.370 đơn vị bầu cử.

UBND các xã, phường, thị trấn cũng đã xác định và trình UBND quận, huyện, thị xã phê chuẩn các khu vực bỏ phiếu, theo đó toàn thành phố có 4.874 khu vực bỏ phiếu. Các đơn vị cũng đã hoàn thành việc lập và niêm yết danh sách cử tri, tại thời điểm niêm yết, tổng số cử tri toàn thành phố là 5.102.122 cử tri. 

Ủy ban Bầu cử thành phố Hà Nội đánh giá, thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, quán triệt sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử, cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Bầu cử các cấp, các cơ quan, tổ chức thành phố, các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội đã sớm chủ động, khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch công tác bầu cử. Các công việc về bầu cử được thực hiện đúng quy định của pháp luật, đồng bộ, nhanh chóng và kịp thời. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố được đảm bảo, các hoạt động kinh tế - xã hội của thành phố diễn ra bình thường. 

Thêm nhiều đơn vị tiến hành bầu cử sớm

Theo thông tin từ Hội đồng bầu cử quốc gia, trong ngày 21-5, tức 1 ngày trước ngày bầu cử toàn quốc, có thêm nhiều khu vực tại một số tỉnh, thành phố tổ chức bầu cử sớm. Các địa phương được Hội đồng bầu cử quốc gia đồng ý cho bỏ phiếu bầu cử sớm 1 ngày gồm: Hải Phòng, Cần Thơ, Đắk Nông, Đắk Lắk, Kon Tum, Cà Mau, Bình Định, Sóc Trăng. 

Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia cho biết, ngày 22-5, hơn 69 triệu cử tri sẽ đi bỏ phiếu bầu cử, sáng suốt lựa chọn những người có đức, có tài để bầu ra 500 ĐBQH (tại 184 đơn vị bầu cử); 3.918 đại biểu HĐND cấp tỉnh (tại 1.096 đơn vị bầu cử); 24.993 đại biểu HĐND cấp huyện (tại 6.721 đơn vị bầu cử); 294.055 đại biểu HĐND cấp xã (tại 79.888 đơn vị bầu cử). Để đảm bảo việc bỏ phiếu bầu cử của cử tri, đặc biệt là công tác kiểm phiếu đúng pháp luật, khách quan, Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia đã có văn bản gửi Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố hướng dẫn chi tiết. 

Theo đó, Hội đồng bầu cử quốc gia đề nghị, trong quá trình bỏ phiếu và kiểm phiếu bầu cử, các Tổ bầu cử có trách nhiệm quản lý chặt chẽ số phiếu bầu cử và thực hiện việc kiểm kê, kiểm tra, phân loại phiếu bầu như sau: đối với số phiếu bầu chưa sử dụng hoặc gạch hỏng thì phải tiến hành lập biên bản, niêm phong trước khi bắt đầu kiểm phiếu và gửi đến Ban bầu cử cấp tương ứng. Đối với số phiếu bầu sau khi đã được kiểm thì tiến hành niêm phong mỗi loại phiếu bầu vào bao hoặc phong bì riêng và chuyển cho UBND cấp xã quản lý.

Hội đồng bầu cử quốc gia cũng yêu cầu Ủy ban bầu cử tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về: Danh sách cử tri; Về thể lệ bầu cử, tỷ lệ phiếu dự phòng, việc kết thúc bầu cử sớm; Về việc xác định phiếu hợp lệ, không hợp lệ; Về bầu cử thêm, bầu cử lại…

Liên quan đến việc giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo liên quan đến người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp, Tổng thư ký Quốc hội  - Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trong thời gian qua, Hội đồng bầu cử đã tiếp nhận được nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân.

Trình tự xem xét, giải quyết được thực hiện đúng quy trình, thủ tục của pháp luật về bầu cử. Đến nay, Hội đồng bầu cử quốc gia không nhận được đơn thư kiến nghị nào về việc không đồng ý với kết luận trả lời của Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố. Cũng theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, công tác bảo vệ an ninh trật tự an toàn xã hội trong cuộc bầu cử được đặc biệt chú trọng. 

Sẵn sàng cho ngày hội lớn ảnh 2

Háo hức được cầm lá phiếu

Ở địa phương, chúng tôi thường xuyên được tuyên truyền về cuộc bầu cử. Ngoài việc được phát tài liệu, hồ sơ về các ứng viên đến tận nhà để nghiên cứu, hệ thống loa truyền thanh của phường cũng thường xuyên cung cấp thông tin, các quy định pháp luật về bầu cử để người người dân nắm bắt.

Tôi xác định, đi bỏ phiếu là quyền lợi của công dân, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, vì thế bản thân tôi cũng đã vận động người thân tích cực tham đi bỏ phiếu đầy đủ. Nhìn chung cử tri tại nơi tôi cư trú mọi người đều háo hức, mong chờ đến lúc được trực tiếp cầm lá phiếu đi bầu. Ai cũng đã thầm lựa chọn cho mình những đại biểu xứng đáng nhất vào Quốc hội và HĐND các cấp.

Bà Nguyễn Thị Dung, (Ngõ 613, đường Hồng Hà, Chương Dương, Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Sẵn sàng cho ngày hội lớn ảnh 3

Để cuộc bầu cử thành công

Tổ dân phố chúng tôi ngoài cử tri thuộc diện KT1 thì có khoảng 20 hộ thuộc diện tạm trú. Tất cả đều đã được phát thẻ cử tri và người dân tỏ ra hào hứng, phấn khởi, dành nhiều quan tâm cho cuộc bầu cử của ngày hôm nay. Bằng chứng là từ trước đó, tại các hội nghị lấy ý kiến cử tri đối với những đại biểu ứng cử HĐND, các tầng lớp nhân dân tham gia rất đông tạo ra không khí sôi nổi.

Hầu hết mọi người đều ý thức được tầm quan trọng của ngày bầu cử và sẽ thu xếp thời gian để đi bỏ phiếu đầy đủ. Ngay từ sáng hôm qua (21-5) người dân trong tổ dân phố đã bảo nhau chuẩn bị mọi công đoạn từ bàn ghế, làm vệ sinh đường phố sạch đẹp, lắp đặt loa đài, trang trí panô, khẩu hiệu, cờ hoa rực rỡ để cuộc bầu cử diễn ra thành công tốt đẹp.

Ông Vương Hồng Văn,(Tổ trưởng Tổ dân phố số 3, khu Hồng Hà 1, Chương Dương, Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Sẵn sàng cho ngày hội lớn ảnh 4

Khoảnh khắc xúc động và tự hào

Đây sẽ là kỷ niệm sâu sắc với tôi khi tuổi 18 trùng với cuộc bầu cử 5 năm mới được tổ chức một lần. Tôi đã tìm hiểu các thông tin về Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND thông qua mạng Internet, sách báo… để hiểu được tầm quan trọng của mỗi lá phiếu cùng với ý nghĩa, mục đích của cuộc bầu cử. Dù đang trong giai đoạn ôn tập, khá bận rộn chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, song, tôi sẽ sắp xếp thời gian để đi bầu cử đúng giờ. Chắc chắn, đó là khoảnh khắc rất xúc động và tự hào.

Được cầm lá phiếu trên tay, tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 tôi có cảm giác mình trưởng thành hơn và đặc biệt, khi biết lá phiếu của mình sẽ góp phần làm nên thành công của ngày bầu cử khiến tôi nhận thức rõ hơn về quyền và nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi công dân. Tôi đã tìm hiểu lý lịch của từng ứng cử viên để xem xét, cân nhắc đưa ra quyết định cuối cùng vào ngày bầu cử. 

Lê Văn Đức (Học sinh trường THPT Chu Văn An)

Sẵn sàng cho ngày hội lớn ảnh 5

Người được lựa chọn cần có bản lĩnh

Bầu cử là quyền của công dân, nên tôi sẽ dùng lá phiếu của mình để lựa chọn những người tiêu biểu, xứng đáng. Tôi mong muốn những người được lựa chọn sẽ là người vừa có trình độ học vấn, vừa có thực tiễn để hiểu được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ đó gửi gắm đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước những kiến nghị thực tế, thấu tình đạt lý, góp phần xây dựng đất nước, cải thiện đời sống người dân. Người được chọn cũng cần có bản lĩnh, dám nói lên tiếng nói của cử tri, của nhân dân thay vì chỉ giữ gìn hình ảnh hay vì lợi ích cá nhân.

Anh Hoàng Quốc Việt (Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng Hùng Ngọc Minh)

Sẵn sàng cho ngày hội lớn ảnh 6

Lựa chọn đại biểu xứng đáng cho tiếng nói người dân

Kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là một sự kiện quan trọng, một ngày hội lớn của đất nước. Đây là cơ hội để mỗi cử tri thể hiện sự tin tưởng, sự đồng tình với chương trình hành động của các ứng cử viên qua lá phiếu của mình. Tôi rất phấn khởi khi được hòa chung không khí chính trị của toàn dân tộc. Tôi ý thức rất rõ về trách nhiệm công dân của mình, tôi hiểu rằng sự lựa chọn nghiêm túc của mình cùng hàng triệu lá phiếu sẽ góp phần bầu ra những đại biểu xứng đáng nhất, đủ đức đủ tài để đại diện cho tiếng nói của cử tri. 

Là một giáo viên, tôi đặc biệt tâm đắc với các nội dung nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, quan tâm ươm mầm tài năng để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng sự phát triển của nền kinh tế tri thức trong thời kỳ mới, bởi lẽ đầu tư vào giáo dục, đầu tư vào con người chính là nền tảng bền vững nhất cho sự phát triển của xã hội. Tôi tin rằng các đại biểu sẽ góp tiếng nói tâm huyết của mình, để tạo điều kiện cho trẻ em mỗi gia đình được học tập trong môi trường giáo dục cởi mở, an toàn, thân thiện, giúp các em phát huy cao nhất năng lực bản thân, phát triển toàn diện về đạo đức, kiến thức và các kỹ năng.

Cô giáo Bùi Ánh Dương, (Giáo viên tiếng Anh trường THPT Hà Nội - Amsterdam)

Sẵn sàng cho ngày hội lớn ảnh 7

Ý thức rõ trách nhiệm cá nhân

Đây là lần thứ hai tôi thực hiện quyền, nghĩa vụ công dân, đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Nhưng lần bỏ phiếu bầu chọn các vị đại biểu này lại hết sức ý nghĩa, vì tôi được cầm lá phiếu với tư cách một người chiến sĩ Công an nhân dân.

Cảm giác lâng lâng hạnh phúc, vừa tự hào song tôi cũng cảm nhận rõ trách nhiệm của mình khi được đứng trong hàng ngũ những người mang sứ mệnh vì Thủ đô bình yên, vì nhân dân phục vụ. Những ứng viên đều có những ưu điểm, thế mạnh riêng và để chọn ra người xứng đáng thật không phải dễ dàng. Nhưng tôi nghĩ đó là mới là điều cần thiết để mỗi cử tri thể hiện trách nhiệm, chọn ra những người xứng đáng nhất.

Thiếu úy Nguyễn Xuân Thái, (Đại đội 2, Trung đoàn Cảnh sát cơ động, CATP Hà Nội)