- Kéo dài thời gian thông quan, nhưng xe chở dưa hấu vẫn ùn tắc nơi cửa khẩu
- Thông quan phương tiện vận tải xuất - nhập cảnh sẽ nhanh hơn
- Công bố danh mục hàng hóa, rút ngắn thời gian thông quan
Giảm thời gian thông quan, tiết kiệm hàng tỷ USD/năm
Thủ tục chồng chéo
Ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới sẽ giúp cải thiện môi trường kinh doanh, từ đó tác động đến tăng trưởng kinh tế. “Thời gian thông quan đối với xuất khẩu hiện nay là 21 ngày và với nhập khẩu là 22 ngày. Mục tiêu năm 2015 rút xuống còn 13-14 ngày, năm 2016 là 11-12 ngày. Đây là một chỉ tiêu tham vọng, thực hiện được không hề đơn giản” - Viện trưởng CIEM nói. Chỉ tiêu này bằng mức trung bình của các nước ASEAN-6. Theo ông Nguyễn Đình Cung, nếu giảm thông quan được 1 ngày thì nền kinh tế tiết kiệm được 1 tỷ USD/năm.
Ông Phạm Thanh Bình - chuyên gia dự án quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG) cho hay, trong số 21-22 ngày thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, trung bình thời gian làm thủ tục đối với cơ quan hải quan chỉ có 0,96%, còn lại là thời gian dành cho các cơ quan quản lý chuyên ngành khác. Tình trạng phổ biến tại các bộ quản lý chuyên ngành là danh mục hàng xuất nhập khẩu quá tải, không rõ ràng và giải thích khác nhau. Chuyên gia của GIG nói: “Nhiều danh mục hàng hóa ghi “loại khác”, nhưng không rõ là loại gì? Có mặt hàng bị trùng lặp về quản lý với 2-3 chế độ quản lý khác nhau. Ví dụ, có mặt hàng liên quan cả quy định kiểm dịch và an toàn vệ sinh thực phẩm…”. Nói cách khác, giữa các cơ quan quản lý đang thiếu sự phối hợp đồng bộ để kế thừa kết quả báo cáo, kiểm tra của nhau, dẫn đến doanh nghiệp phải khai báo, chờ kiểm tra qua rất nhiều “vòng”.
Thủ tục điện tử phải nhanh hơn
Để rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa theo Nghị quyết số 19 của Chính phủ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin được coi là giải pháp quan trọng. Nhưng theo bà Đỗ Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tốc độ kết nối quan Internet với dữ liệu điện tử của hải quan quá chậm. Đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho biết: “Tốc độ đường truyền vô cùng quan trọng. Chúng tôi được giao nhiệm vụ cấp C/O (chứng nhận xuất xứ) cho doanh nghiệp, mỗi bộ phận nhận mấy trăm bộ hồ sơ một ngày nhưng kết nối dữ liệu khai báo của doanh nghiệp với phía hải quan quá chậm, không đảm bảo thời gian cấp C/O sau 4 tiếng nhận được khai báo của doanh nghiệp. Vì thế, chúng tôi vẫn phải yêu cầu doanh nghiệp xuất trình tờ khai bản giấy”.
Có trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với các sản phẩm nhập khẩu liên quan đến hóa chất, ông Nguyễn Văn Thanh - Cục trưởng Cục hóa chất (Bộ Công Thương) cho hay, doanh nghiệp tham gia khai báo hóa chất điện tử chỉ chiếm 30-40%, còn lại là khai báo trực tiếp. Ở nước ngoài, các doanh nghiệp chỉ cần khai báo hóa chất qua hệ thống điện tử là xong, nhưng ở Việt Nam, hệ thống điện tử chưa tốt. Bên cạnh đó, có tình trạng doanh nghiệp Việt Nam thuê doanh nghiệp dịch vụ để khai báo hóa chất, nên muốn thực hiện khai báo điện tử cũng rất phức tạp.
Từ những ví dụ trên có thể thấy, nếu giao dịch giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý vẫn được thực hiện một cách thủ công, trực tiếp thì thời gian giải quyết các thủ tục về thương mại qua biên giới còn dài.