Phải kiểm toán các dự án đầu tư

ANTĐ - TS Huỳnh Thế Du - giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright ví việc nhiều địa phương, đơn vị muốn có được những công trình quy mô, hỗ trợ từ ngân sách Trung ương nhưng không quan tâm đến hiệu quả và sự hữu dụng của chúng giống như “cơ chế ngân sách tôm hùm”. Những công trình này ngốn một khoản ngân sách Nhà nước không nhỏ nhưng chỉ dựa trên lập luận đơn giản về mặt xã hội mà bỏ qua hiệu quả kinh tế.

Phải kiểm toán các dự án đầu tư   ảnh 1Vốn ngân sách cần dành cho những công trình dân sinh, công cộng bức thiết

Bòn rút ngân sách

Theo TS Huỳnh Thế Du, “cơ chế ngân sách tôm hùm” là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất hiện nay ở Việt Nam. Vị này dẫn chứng, chỉ tính từ năm 2011, các tỉnh, thành phố đã có rất nhiều dự án, công trình gần như không mang lại ý nghĩa về mặt quốc kế dân sinh. Đầu tiên là dự án tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng có vốn đầu tư lên tới trên 410 tỷ đồng ở Quảng Nam vào năm 2011, bằng 5,1% chi ngân sách và 10,7% thu ngân sách năm 2010 của tỉnh Quảng Nam.

Trong khi đó, tỉnh này đánh giá hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là ở các tuyến đường khu vực miền núi, ven biển, các khu, cụm công nghiệp; cơ sở y tế, giáo dục và đào tạo có nơi quá tải, xuống cấp nghiêm trọng, chất lượng dịch vụ chưa đảm bảo yêu cầu. “Việc tôn vinh hoặc có chính sách hợp lý đối với những người có công với đất nước nói chung, các Mẹ Việt Nam Anh hùng nói riêng là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, liệu có bất hợp lý khi quyết định bỏ ra chừng đó tiền để xây một công trình tuy có những ý nghĩa nhất định, nhưng không giải quyết được bất kỳ một nhu cầu cấp bách nào?” - ông Huỳnh Thế Du thẳng thắn đặt câu hỏi. 

Tương tự, tỉnh Sơn La - một địa phương có số thu ngân sách hơn 3.000 tỷ đồng nhưng lại có kế hoạch xây cụm tượng đài và quảng trường lên đến 1.400 tỷ đồng. Thêm nữa, gần đây nổi lên kế hoạch xây dựng các trung tâm hành chính tập trung nghìn tỷ đồng từ một số địa phương. Lý do được đưa ra là, việc tập trung vào một đầu mối sẽ tiết kiệm chi phí đi lại, giao dịch. Ông Huỳnh Thế Du phân tích: “Trong bối cảnh hiện nay tại Việt Nam, đây không phải là lý do thuyết phục khi năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn thấp. Thời gian làm việc của người dân, doanh nghiệp với các cơ quan Nhà nước vướng ở cơ chế, không hoàn toàn do thời gian đi lại. Nếu tính chi phí cơ hội của vốn là 12% như Ngân hàng thế giới hay dùng thì chi phí mất đi của 1.000 tỷ đồng/năm lên đến 120 tỷ đồng”. 

Siết chặt kỷ luật đầu tư công

TS Nguyễn Tú Anh - Trưởng Ban Kinh tế vĩ mô (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) cho hay, kỷ luật đầu tư công xét về mặt văn bản pháp luật là khá chặt chẽ, tuy nhiên trong thực hiện lại rất lỏng lẻo. Kết quả thanh tra gần đây cho thấy, sai phạm phổ biến trong công tác quản lý vốn tại các địa phương là việc vi phạm các quy định về lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh dự án.

Tổng cộng có tới 789 dự án bị các đoàn thanh tra ghi nhận sai phạm về trình tự thủ tục với tổng số tiền 280 tỷ đồng; sai phạm về lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư tại 272 dự án với số tiền vi phạm 248 tỷ đồng; sai phạm về nợ đọng xây dựng cơ bản tại 1.527 dự án với tổng số tiền 1.869 tỷ đồng. Bên cạnh đó, có tới 2.324 dự án vi phạm các lỗi: thanh toán vượt khối lượng thực tế thi công, thanh toán sai so với dự toán thực tế được duyệt, ứng vốn, nhưng không thực hiện hợp đồng với số tiền là 791,6 tỷ đồng...

“Do đầu tư công sử dụng tiền đóng thuế của nhân dân nên nhân dân phải có quyền được biết những đồng tiền đó được sử dụng như thế nào. Cần công bố công khai trên mạng Internet các định mức cụ thể cho các dự án đầu tư công. Các dự án đầu tư công đều bắt buộc phải kiểm toán và kết quả kiểm toán phải được công bố công khai lên mạng Internet” - TS Nguyễn Tú Anh kiến nghị.

Theo TS Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế, quy mô đầu tư công nên giảm về mức 10% GDP cho phù hợp với điều kiện thực tế về kinh tế, thâm hụt ngân sách Nhà nước và nợ công. Trên cơ sở đó, cơ cấu lại đầu tư công theo ngành dựa trên nguyên tắc đầu tư công chỉ dành cho những ngành, những lĩnh vực mà đầu tư tư nhân không muốn hay không thể đầu tư.