O dân quân Ngư Thủy nghẹn ngào nhắc lại kỷ niệm về Đại tướng

ANTĐ - Những năm kháng chiến chống Mỹ, Đại đội pháo binh nữ ở Ngư Thủy, Quảng Bình đã trở thành một phần biểu tượng chiến đấu kiên cường của quân và dân ta. Trong chiến đấu họ anh dũng, kiên cường bao nhiêu, ngoài đời lại giản dị bấy nhiêu. Khi đó, phần thưởng lớn nhất mà "các o xê nữ Ngư Thủy" mong được nhận khi có thành tích xuất sắc là được gặp Bác Hồ, được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Bác Hồ đã đi xa, và Đại tướng Võ Nguyên Giáp giờ cũng đã vĩnh biệt chúng ta. Điều còn lại mãi với họ, những o dân quân năm xưa trong Đại đội pháo huyền thoại giờ là tình cảm, là ký ức, là nụ cười của Bác Hồ, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Nước mắt, tình cảm và ký ức cứ ùa về một chiều cuối thu, mấy ngày nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi.

Bà Trần Thị Thản gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1969
 (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Bà Trần Thị Thản, nay đã 66 tuổi, khi xưa là cô dân quân xinh xắn, Chính trị viên Đại đội pháo binh Ngư Thủy năm nào được nhân dân trong và ngoài nước ca ngợi. Nét thanh xuân, khuôn mặt phúc hậu của vẫn còn nguyên trên khuôn mặt giờ đã hằn những nếp nhăn của sự vất vả trên miền quê cát trắng. Trong câu chuyện ngắn ngủì, nước mắt bà cứ chảy dài. Chuyện cũ, những kỷ niệm với Bác Hồ, với Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm bà không ngăn được dòng nước mắt.
Bà không kể gì về nỗi vất vả đã trải qua, mà điều lớn nhất, vinh dự mà bà mang theo tới tận bây giờ là những lần bà được gặp Bác Hồ, được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bà nói: "Chúng tôi vẫn gọi Đại tướng là Bác. Bác ấy đáng tuổi cha chúng tôi. Và đó cũng là cách gọi thân thương của cả Đại đội pháo binh Ngư Thủy chúng tôi".

Mỗi lần nhắc tới Đại tướng bà chỉ khóc

Bà kể tiếp: "Năm 1968, bác Giáp cùng đoàn đại biểu của Bộ Quốc phòng vào thăm Đại đội pháo binh Ngư Thủy. Bác tới hỏi thăm chị em ăn ở thế nào, chiến đấu ra sao. Mặc dù hầu hết thông tin Đại tướng đã biết, nhưng Đại tướng muốn nghe chúng tôi trực tiếp báo cáo và trao đổi về tình hình Đại đội đặc biệt với toàn nữ, vận hành những khẩu pháo 57 ly, rất nặng. Đại tướng lắng nghe nguyện vọng của chị em trong Đại đội.
Nghe xong Đại tướng hỏi: "Các cháu thích cái gì nhất?"
Lúc đó chị em ai cũng xúc động vì sự quan tâm của Đại tướng. Không ai nói lên lời, chúng tôi không biết thích gì nữa, bối rối quá. Tôi chợt nghĩ ra. Từ lâu chưa có quân phục. Vậy là tôi nói, "chúng cháu muốn xin mỗi người một bộ quân phục".
Sau khi ở Ngư Thủy về, Đại tướng có nói với Đồng chí Văn Tiến Dũng cấp cho mỗi người một bộ quân phục. Vậy là 37 cô gái trong đại đội pháo binh ở Ngư Thủy đã có mỗi người một bộ quân phục mới.
Sau lần Đại tướng vào thăm, đơn vị đã phát động phong trào thi đua, học tập tư tưởng quân sự của Đại tướng là phải bám sát mục tiêu, quyết không rời trận địa. Bác Hồ đã gửi thư thăm. Khi Đại tướng vào thăm, đơn vị đã phát động phong trào thi đua.
 

Chụp ảnh kỷ niệm với Bác Hồ khi đoàn Quân khu 4 ra Trung ương báo cáo năm 1969

(Ảnh do nhân vật cung cấp)

"Sau này, đại đội chúng tôi còn lập thêm nhiều chiến công khác được cả nước biết đến. Thậm chí, nhà báo từ Liên Xô đã tới chụp ảnh và viết bài đăng ảnh của tôi lên tạp chí của Liên Xô. Tháng 4 năm 1969, tôi cùng đoàn đại biểu của Quân khu 4 ra Trung ương để báo cáo. Đoàn có 9 nữ. Đoàn Quảng Bình khi ấy có 3 chị em nữ, là tôi, Chính trị viên Đại đội pháo binh Ngư Thủy, chị Sen ở khẩu đội 12,7 ly. Chị Điệt là dân công hỏa tuyến, người Tuyên Hóa".
Khi ra Hà Nội báo cáo, tôi được tới thăm nhà Đại tướng. Khi đó, Đại tướng lại hỏi: "Bây giờ các cháu thích cái gì?" Chúng tôi nói ngay: "Dạ thưa bác, chúng cháu ở xa ít khi được gặp Bác Hồ. Chúng cháu thích được gặp Bác Hồ. Chúng tôi nói, chúng cháu có một số chiến công, đã được Bác Hồ tặng huy hiệu của Người, nhưng chưa bao giờ được gặp Bác. Chúng cháu muốn gặp Bác". Sau đó, Đại tướng đã sắp xếp để chúng tôi tới gặp Bác Hồ.
Lần gặp Bác Hồ là kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên. Từng phút bên Bác, chúng tôi vẫn nhớ như in. Hôm đó, đoàn đại biểu có 9 nữ. Số chị em được ưu tiên cầm 9 bó hoa tặng Bác. Lúc ấy Bác đã vui vẻ đùa, Quân khu 4 giờ tiến bộ thật, nam nữ bình đẳng. Ưu tiên để nữ tặng hoa cho Bác. Sau đó, Bác đã mang tất cả số hoa đó tặng lại cho chị em chúng tôi.

Hình ảnh nữ Chính trị viên Đại đội pháo binh Ngư Thủy
Trần Thị Thản trên báo chí Liên Xô (Ảnh do nhân vật cung cấp)

"Buổi gặp hôm đó Bác có mời cả đoàn ăn kẹo. Ấy vậy mà kẹo, bánh vẫn còn nguyên, không ai chịu ăn gì, cứ lặng người đi vì xúc động, hồi hộp", bà Thản kể.

Tôi được ưu tiên bác cáo trước, chỉ được báo cáo 15 phút, không được kéo dài. Tôi báo cáo tình hình chiến đấu của đơn vị. Tháng 8-1968, đơn vị nhận được thư khen của Bác cùng 30 Huy hiệu của Người. Bác hỏi: Thế các cháu nhận đủ chưa. Tôi nói: Dạ thưa Bác chưa đủ. Bác mới gửi 30 Huy hiệu, còn thiếu 7 nữa ạ. Lúc ấy Bác nói: Chú Giáp, chú lấy huy chương tặng đủ cho các cháu. Mấy ngay sau, Bác tặng đủ số huy chương cho các chị em trong đại đội. Bác Hồ còn hỏi thăm cuộc sống của đồng bào, hỏi đồng bào có đào hầm trú ẩn không. Tôi xúc động lắm. Bác ở xa như thế mà lúc nào cũng nghĩ tới đồng bào...".
Kể chuyện tới đây, bà Thản nghẹn ngào không nói lên lời. Bà không thể quên được những giây phút ở bên Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bà nói: "Nghe tin Đại tướng mất, tôi cũng như những người dân ở đây, chị em trong Đại đội pháo Ngư Thủy, ngày 12-10 này, chị em chúng tôi trong Đại đội sẽ qua viếng Đại tướng".

Lần giở từng bức ảnh quý giá nhất cuộc đời

Chuyện cũ lại xen với với thực tại. Bà Thản kể: "Mấy năm cuối cùng, khi Đại tướng nằm viện tôi cũng thường xuyên xem ti-vi, đọc báo về tình hình sức khỏe của Đại tướng. Đại tướng mất tôi và gia đình buồn lắm! Giờ cứ xem ti-vi mấy ngày qua, mỗi lần nghe thấy, nhìn thấy, chỉ biết ngồi khóc".
Bà Thản nói: "Tôi ngưỡng mộ bác Giáp lắm. Quân đội ta lúc đó nhỏ, vậy mà thắng cả mấy đế quốc to. Bác Giáp giỏi vậy nhưng đức độ, tình cảm của Đại tướng đã làm nhiều người yêu mến và học tập. Năm 1998, tôi trở lại thăm Đại tướng tại nhà riêng ở Hoàng Diệu. Khi ấy Hãng phim Tài liệu Trung ương mời cả đơn vị về Hà Nội tham quan nhân dịp Hãng tổ chức làm phim về Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy".
Đoạn kết câu chuyện, bà lần giở từng bức ảnh chụp với Đại tướng rồi sụt sùi nói: "Tôi vẫn nhớ mãi lời Đại tướng: Mình là dân quân tự vệ, nhưng là lực lượng chiến đấu. Mình hãy chứng tỏ là những người con ưu tú của quê hương Quảng Bình. Ghi khắc những lời của Bác Hồ, của Đại tướng, chị em là nữ, nhưng chúng tôi quyết không chịu "nhường" anh em, chúng tôi đã và sống quãng thời gian đẹp nhất của đời mình, chiến đấu và chiến thắng, lập chiến công trên chính quê hương Quảng Bình, nơi đã sinh ra một người con ưu tú của dân tộc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp".