Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam nhìn từ hai phía (1): Hạ gục tượng đài F-8

ANTĐ - Một tháng sau khi bắt đầu chiến dịch Sấm Rền, các phi công Mỹ quá bất ngờ khi đối đầu với MiG trên bầu trời miền Bắc. Sự lúng túng khiến họ mất đi hai chiếc F-8 - máy bay mang tính biểu tượng của Hải quân Mỹ ngay trong trận đánh đầu tiên.

LTS: Hơn 40 năm qua, những trận không chiến trên bầu trời miền Bắc Việt Nam đã đi vào lịch sử. Tại Mỹ, đề tài về cuộc chiến tranh trên không ở Việt Nam đã được nhiều nhà nghiên cứu, các cựu phi công tham chiến công bố trong hàng trăm cuốn sách. Trong khi đó, vì nhiều lý do khác nhau, các tài liệu lưu trữ và tổng kết của Không quân nhân dân Việt nam về giai đoạn lịch sử hào hùng này vẫn chủ yếu lưu hành nội bộ, chưa có điều kiện công bố rộng rãi. 

Mới đây, NXB Quân đội Nhân dân và Công ty sách Tân Việt đã tái bản cuốn sách “Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam (1965-1975)- Nhìn từ hai phía”, do nhóm các cựu cán bộ và phi công biên soạn, cuốn sách không chỉ kể về một giai đoạn lịch sử đặc biệt, là bài học thực tiễn đối với Không quân Mỹ và Việt Nam mà còn là tài liệu đa chiều từ hai phía để độc giả có thể so sánh, đánh giá, phân tích về những chấn trận không chiếu hào hùng nhất trong lịch sử chiến tranh trên không của thế giới hiện đại.

Báo ANTĐ xin trích đăng một số đoạn trong cuốn sách, nhằm giới thiệu tới độc giả về cuốn sách thú vị này.
Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam nhìn từ hai phía (1): Hạ gục tượng đài F-8 ảnh 1

Những tình cờ và cú “chạm trán” đầu tiên

Buổi trưa 16-9-1963, một máy bay T-28 sơn cờ hiệu Không quân Hoàng gia Lào do phi công Bun Khăm lái đã bất ngờ hạ cánh xuống sân bay Bạch Mai. Đây là chiếc máy bay của Không quân Lào bay biểu diễn nhân ngày sinh nhà vua tại Viêng Chăn đã bay sang hàng phía Việt Nam.

Hai phi công là Thượng úy Nguyễn Văn Ba, Trung úy Lê Tiến Phước, các giáo viên bay YAK-18 của Trường Hàng không được giao nhiệm vụ nhanh chóng nắm vững kĩ thuật và bay trên chiếc T-28 (giai đoạn đầu có phi công Lào Bun Khăm hướng dẫn). Chiếc T-28 với 2 khẩu súng 12,7mm (200 viên đạn) được đưa vào biên chế chiến đấu với số hiệu 963. Sau thời gian huấn luyện, một số linh kiện và lốp của chiếc 963 hết hạn sử dụng.

Rất may là sau đó lại có 1 chiếc T-28 khác của Không quân Vương quốc Thái Lan (không biết do hết dầu, hay bỏ chạy sang Việt Nam) phải hạ cánh và bỏ lại máy bay ở phía Tây Quảng Bình.

Lực lượng kĩ thuật đã tháo rời 2 động cơ và 2 cánh, rồi chở chiếc T-28 này về sân bay Bạch Mai và lấy các linh kiện còn tốt lắp cho chiếc 963. Tháng 1-1964, sau khi kiểm tra kĩ toàn bộ công tác chuẩn bị, Bộ Tư lệnh Quân chủng quyết định đưa T-28 vào trực chiến.

Các phi công MiG 21 trao đổi kinh nghiệm chiến đấu

Lúc 1 giờ 07 phút sáng 16-2-1964, Tư lệnh Quân chủng quyết định cho T-28 cất cánh. Đêm 15 sáng 16-2 mặc dù là tuần trăng mờ đầu tháng, nhưng trời lại rất tối.

Phi công Nguyễn Văn Ba và Lê Tiến Phước tập trung quan sát, khi đến cự ly khoảng 500m, Nguyễn Văn Ba đã nhìn thấy hình chiếc vận tải C-123 hai động cơ của đối phương. Anh ấn nút lên đạn, xin vào công kích.

Chiếm vị trí thuận lợi, phi công Nguyễn Văn Ba ấn cò bắn hai loạt hết 163 viên đạn, đến loạt thứ ba thì súng bị tắc. Nhưng chiếc C-123 đã trúng đạn, phụt lửa, tròng trành rồi nghiêng về bên trái và rơi rất nhanh xuống khu vực gần biên giới Việt – Lào. Sở chỉ huy lệnh 963 về sân bay Gia Lâm hạ cánh.

Có tài liệu của Mỹ cho rằng sự kiện này diễn ra đêm 15-2-1965, và tổ bay lái chiếc C-123 này là các phi công của Hãng China Airlines – Đài Loan.

Đây là chiến thắng đầu tiên của Không quân nhân dân Việt Nam bằng phương tiện chiến đấu trên không, sử dụng chính máy bay T-28 của Mỹ để tiêu diệt chiếc C-123 của Mỹ làm nhiệm vụ thả biệt kích.

Truy đuổi Alpha 9

Theo thông tin từ mạng tình báo chiến lược, ngày 3-4-1965, các biên đội cường kích của Không quân Mỹ tham gia đánh phá các mục tiêu quanh khu vực cầu Hàm Rồng, Thanh Hóa (mật danh Alpha 9), sẽ gồm 79 máy bay, trong đó có 46 chiếc F-105 làm nhiệm vụ tấn công, 21 chiếc F-100 (Supper Sabres) làm nhiệm vụ chế áp MiG (MiGCAP), 2 chiếc RF-101 (Voodoo) làm nhiệm vụ trinh sát và 10 chiếc KC-135 tiếp dầu trên không. Đội hình tấn công do Chỉ huy trưởng Phi đoàn Không quân tiêm kích chiến thuật số 67 TFS, Trung tá Robinson Risner dẫn đầu bay vào công kích phá hủy cầu Hàm Rồng.

Mệnh lệnh chiến đấu đã được phổ biến xuống các phi đội từ tối ngày 2-4. Lúc 5 giờ 30 phút sáng ngày 3-4-1965, các biên đội trực chiến đã sẵn sàng. Biên đội tấn công gồm 4 chiếc máy bay MiG-17A: Phạm Ngọc Lan số 1; Phan Văn Túc số 2; Hồ Văn Quỳ số 3; Trần Minh Phương số 4. Biên đội nghi binh, thu hút tiêm kích địch và sẵn sàng yểm hộ cho biên đội tấn công gồm 2 máy bay MiG-17A: Trần Hanh số 1 và Phạm Giấy số 2.

Đến 10 giờ 09 phút, số 4 Phương báo cáo phát hiện mục tiêu 6 chiếc F-8 bên phải đang bay đối đầu, một số chiếc khác đang công kích các trận địa Phòng không quanh khu vực cầu Hàm Rồng. Đây là biên đội 4 chiếc F-8E của Phi đoàn VF-211 (tàu USS Hancock), với đội hình cường kích được phân công chế áp các trận địa Phòng không, bay hộ tống 3 chiếc A-4E của Phi đoàn VA-212 và 3 chiếc A-4C của Phi đoàn VA-216.

Ngay sau khi phát hiện mục tiêu, số 1 MiG-17 Phạm Ngọc Lan lập tức ra lệnh: “Vứt thùng dầu phụ, tăng tốc tiếp cận đội hình F-8”. Biên đội tách thành 2 tốp. Sau khi cắt bán kính bám theo mục tiêu, số 1 MiG-17 lệnh số 2 vào công kích, số 2 lập tức vòng gấp về phía chiếc F-8, số 1 bám theo yểm hộ.

Đúng lúc đó, chiếc F-8 cũng đã phát hiện có MiG, vòng gấp vào để không chiến. Lúc này, chiếc F-8 số 2 đã bị mất đội hình. Chiếc F-8 của Thiếu tá S.Thomas, sau khi thoát ra khỏi công kích đang kéo vọt lên độ cao 10.000ft (3.300m) và đang tìm kiếm số 2 bị lẫn trong những đám mây, thì số 1 MiG-17 Phạm Ngọc Lan đã nhanh chóng bám theo phía sau.

Số 1 Lan đưa được chiếc F-8 vào vòng ngắm, đến đúng cự ly anh bóp cò. Máy bay F-8 trúng đạn, bốc cháy, lao xuống đất. Đó là lúc 10 giờ 14 phút sáng 3-4-1965.

Đây là giờ phút lịch sử, khi MiG của Không quân việt Nam lần đầu tiên bắn rơi chiếc F-8 của Hải quân Mỹ trong không chiến trên bầu trời miền Bắc Việt Nam.

Cùng lúc đó, số 2 Túc đã phát hiện chiếc F-8 số 2. Anh từ phía sau, có độ cao hơn, đã nhào xuống bắn một loạt đạn. Chiếc F-8 trúng đạn, bốc cháy, lao xuống đất. Quá bất ngờ khi bị MiG tấn công, các máy bay F-8 tăng lực bỏ chạy, bỏ mặc các máy bay cường kích A-4 không có lực lượng hộ tống.

Số 1 Phạm Ngọc Lan, sau khi nổ súng bắn rơi chiếc F-8 đã lao qua đám mây mù, bám theo các máy bay cường kích A-4. Khi thoát ra khỏi lớp mây, anh đã nổ thêm một loạt đạn, ngay lúc đó, anh thấy phía trước là biển, đã nhanh chóng đổi hướng bay quay về sân bay.

Ngoài 2 chiếc F-8 bị biên đội MiG-17 (Lan, Túc, Quỳ, Phương) bắn rơi, ngày 3-4-1965, 1 máy bay A-4C từ tàu USS Hancock bị súng Phòng không bắn hạ. Thiếu tá, phi công Raymond Arthur Vohden nhảy dù và bị bắt, trở thành phi công tù binh thứ ba của Không quân Mỹ.

Một chiếc F-100D và 1 chiếc RF-101C bị Phòng không bắn rơi ở phía Đông thành phố Vinh. Nhiều máy bay Mỹ bị thương, bao gồm cả máy bay của Phi đoàn trưởng, Trung tá Robinson Risner phải về hạ cánh ở Đà Nẵng.

Một vài thông tin về máy bay F8

Do hãng Chance-Vought sản xuất (tên gốc ban đầu là F-8U), là máy bay tiêm kích 1 động cơ phản lực vượt âm, được biên chế cho các tàu sân bay (Aircraft Carries) của Hải quân và Thủy quân lục chiến (US.Marine Corps).

Trong chiến tranh Việt Nam, F-8 là máy bay tiêm kích đầu tiên của Mỹ đụng đầu với MiG-17 của Không quân Việt Nam và bị MiG-17 của Không quân Việt Nam bắn rơi 2 chiếc ngay trong trận đầu tiên (3-4-1965). Trong toàn bộ cuộc chiến tranh ở Việt Nam, Mỹ mất 170 chiếc F-8. Trong khi đó, phía Không quân Việt Nam công bố bắn rơi 15 chiếc F-8 trong các trận không chiến.

Các phi công của Hải quân Mỹ rất tự hào khi được bay trên F-8. Thậm chí trong hàng ngũ phi công còn lưu truyền câu khẩu hiệu: “Nếu anh bị loại ra khỏi hàng ngũ phi công F-8, thì cũng coi như bị loại khỏi hàng ngũ phi công tiêm kích”. Tuy nhiên, chính F-8 là loại máy bay Mỹ đầu tiên bị MiG-17 bắn rơi trong không chiến ở Việt Nam.

(Trích Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam (1965-1975) Nhìn từ hai phía – Nguyễn Sỹ Hưng – Nguyễn Nam Liên và nhóm tác giả. NXB Quân đội Nhân dân và Nhà sách Tân Việt liên kết xuất bản)