Những hành vi khó hiểu của ông Luật sư Trần Vũ Hải

ANTĐ - Bốn lần bị CQĐT CATP Hà Nội triệu tập, mời đến làm việc để xác minh đơn thư của công dân tố cáo có hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; thì cả 4 lần luật sư Trần Vũ Hải (thuộc Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) đều bất hợp tác. Những hành vi diễn ra trong thời gian dài của vị Luật sư này thực sự khó hiểu, khi mà ông Hải vốn được nghĩ sẽ phải là người hiểu biết và chấp hành pháp luật tốt nhất.

Theo Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội, đơn thư của công dân khiếu nại, tố cáo ông Trần Vũ Hải có hành vi vi phạm pháp luật được gửi đến từ nhiều tỉnh, thành phố; trong số đó có đơn của các hộ dân ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Xuất phát điểm của sự việc là các hộ dân ở huyện Đại Từ khiếu nại đến cơ quan chức năng sức khỏe của họ bị ảnh hưởng bởi đường dây 220 KV Tuyên Quang – Thái Nguyên, và việc đền bù chưa thỏa đáng. Cùng với việc gửi đơn đến cơ quan chức năng, các hộ dân và luật sư Trần Vũ Hải đã tìm đến nhau. Hai cá nhân đại diện cho các hộ dân huyện Đại Từ đã ký thỏa thuận Trợ giúp pháp lý với luật sư Hải, và ông Hải đã thu tổng cộng 84 triệu đồng.

Đây chính là dấu hiệu khó hiểu đầu tiên của luật sư Trần Vũ Hải; bởi về hình thức văn bản Thỏa thuận nguyên tắc về Trợ lý pháp lý mà luật sư Hải ký với các hộ dân, bản chất là dịch vụ pháp lý có thu tiền của luật sư. Trong khi việc trợ giúp pháp lý không được thu bất kỳ khoản phí, lệ phí, thù lao từ người được trợ giúp pháp lý. Ngoài ra, quy định dịch vụ Trợ giúp pháp lý của Nhà nước chỉ cung cấp cho các cá nhân là người được trợ giúp pháp lý có vướng mắc về pháp luật mà không thực hiện trợ giúp pháp lý cho tổ chức hoặc đại diện các hộ dân. Vì vậy, Thỏa thuận đó là sai với quy định về trợ giúp pháp lý.

Theo tường trình của nhiều công dân với CQĐT, luật sư Trần Vũ Hải hứa trợ giúp pháp lý giúp họ đòi quyền lợi, nhưng thực tế chỉ giúp họ soạn một số văn bản rồi bảo các hộ dân tụ tập tại cổng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN - số 18 Trần Nguyên Hãn, Hoàn Kiếm, Hà Nội) gây áp lực đòi bồi thường. CQĐT CATP Hà Nội khẳng định, luật sư Trần Vũ Hải có kiến thức, hiểu biết pháp luật nhưng không trợ giúp cho công dân những việc làm đúng pháp luật, mà lại tư vấn cho họ làm các việc không mang lại kết quả, thậm chí vi phạm pháp luật.

Điều này thể hiện rất rõ: tại khoản 4 điều 12 Luật Điện lực quy định: “UBND các cấp trong phạm vi quyền hạn của mình có trách nhiệm chủ trì, phối hợp chủ đầu tư dự án điện lực lập kế hoạch GPMB, di dân, tái định cư, bồi thường thiệt hại về đất đai, tài sản…”.

Như vậy trong vụ việc trên, trách nhiệm giải quyết bồi thường thiệt hại thuộc UBND các cấp, nhưng ông Hải lại hướng dẫn người dân viết đơn gửi EVN là không đúng. Chưa hết, mặc dù đã được các công dân huyện Đại Từ cung cấp các kết quả trả lời bằng văn bản của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kết luận việc khiếu kiện của người dân là sai; và các cơ quan có thẩm quyền đã giải quyết đúng theo quy định của pháp luật, nhưng luật sư Hải vẫn nói với mọi người những văn bản trên là không đúng; từ đó “hướng dẫn” công dân tiếp tục viết đơn kiện, tụ tập đông người, dài ngày tại cổng trụ sở EVN.

Nhiều công dân về sau khi tường trình tại CQĐT đã cho rằng, họ tưởng việc viết đơn và tụ tập như vậy, chính là đang được luật sư Hải giúp đòi quyền lợi. Bản thân họ không ý thức được rằng, họ vô tình đang bị đẩy vào hành vi vi phạm pháp luật, gây rối trật tự công cộng.

Trước cách hành xử của người dân thời điểm đó, ông Nguyễn Trọng Tỵ - chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội trong công văn gửi UBND TP nêu rõ: “…Việc tập trung đông người kéo đến ăn nằm tại cổng của EVN là phi lý, trái pháp luật”.

Còn EVN trong văn bản gửi Ban chủ nhiệm đoàn luật sư Việt Nam cũng đã nêu rõ luật sư Trần Vũ Hải và các cộng sự đã có các hành vi: kích động, xúi giục các hộ dân khiếu nại, khiếu kiện không đúng trình tự pháp luật, không đúng đối tượng và không có cơ sở pháp lý. Lợi dụng nghề nghiệp, danh nghĩa luật sư để gây mất trật tự trị an trước trụ sở EVN, gây ảnh hưởng xấu đến TTATXH; và xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của EVN, làm mất uy tín của EVN trước dư luận xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh hàng ngày của EVN…

Để đảm bảo tính khách quan, chính xác trong quá trình điều tra, xác minh nội dung đơn thư tố cáo luật sư Trần Vũ Hải của công dân, đại diện Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội cho biết, đã 4 lần triệu tập, mời vị luật sư này đến làm việc, nhưng ông Hải luôn tỏ thái độ bất hợp tác.

Ngày 12-11, CQĐT CATP phối hợp cùng CSKV CAP Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội đã đến nơi cư trú của luật sư Trần Vũ Hải để mời đến CQĐT làm việc. Tuy nhiên một lần nữa, ông Hải bất hợp tác, cho rằng việc triệu tập này là trái pháp luật nên không chấp hành (?!). Cơ quan công an đã cương quyết triệu tập ông Hải để làm rõ.

Tại trụ sở cơ quan công an, ông Hải tiếp tục tỏ thái độ bất hợp tác. Cuối giờ sáng cùng ngày, CQĐT tạm cho ông Hải về nhà nhưng vị luật sư này không chịu, tuyên bố ở lại CAP Xuân La để khiếu nại. CQĐT đã chủ động trao đổi, đề nghị và sau đó, ông Nguyễn Văn Chiến - Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hà Nội cùng đại diện Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư TP. Hà Nội đã có mặt tại trụ sở CAP Xuân La để nắm tình hình.

CQĐT đã thông tin với Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư TP. Hà Nội mục đích triệu tập ông Trần Vũ Hải để làm rõ nội dung ông Hải bị một số công dân ở Thái Nguyên tố cáo. Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư TP. Hà Nội đã đề nghị ông Trần Vũ Hải hợp tác với CQĐT, nhưng ông Hải vẫn thể hiện thái độ trong suốt thời gian qua: bất hợp tác!

CQĐT CATP Hà Nội cho biết, đang thụ lý điều tra, xác minh đơn của 12 hộ dân ở tỉnh Tây Ninh, tố cáo luật sư Trần Vũ Hải về việc nhận tiền, hứa hẹn đòi đất cho dân; thu tiền của 9 hộ dân với mức 6,5 triệu đồng/ hộ và 5 hộ dân với mức 5 triệu đồng/ hộ. Nhưng cuối cùng chỉ tổ chức được 2 buổi đối thoại với UBND tỉnh Tây Ninh, sau đó không làm được gì cho dân, và cũng không trả lại tiền.