Ngành y tế Hà Nội: Nhiều thương hiệu được nể phục

ANTĐ - Là địa phương có đến hàng chục bệnh viện đầu ngành tuyến Trung ương đóng trên địa bàn, những năm gần đây các bệnh viện của Hà Nội không chỉ tận dụng được lợi thế này mà đã nỗ lực vươn lên, làm chủ nhiều kỹ thuật cao, khẳng định được “thương hiệu” riêng ngày càng vững chắc.
Ngành y tế Hà Nội: Nhiều thương hiệu được nể phục ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Y tế thăm và khen Bệnh viện Tim Hà Nội về kỳ tích cứu sống bệnh nhân
bị vỡ tim

Làm chủ hàng trăm kỹ thuật cao

Bệnh viện Tim Hà Nội là một trong những đơn vị y tế hiếm hoi tuy trực thuộc Sở Y tế Hà Nội nhưng lại được Bộ Y tế công nhận là bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối và là 1 trong 3 bệnh viện tim lớn nhất cả nước. Hiện tại, Bệnh viện Tim Hà Nội là một trong những trung tâm phẫu thuật tim mạch hàng đầu miền Bắc với số lượng ca mổ lên tới trên 1.000 ca mỗi năm. Không chỉ hoạt động trong phạm vi của Thủ đô mà bệnh viện này còn đào tạo, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, giúp đỡ các bệnh viện của 32 tỉnh, thành phố trong cả nước, đồng thời mở rộng liên kết với nước ngoài. 

PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội tự hào chia sẻ, hầu hết các kỹ thuật can thiệp nội mạch để điều trị các bệnh tim mạch mà thế giới đang triển khai đều đã được bệnh viện thực hiện thành công, đem lại hiệu quả rõ rệt. Chỉ trong một thời gian ngắn, bệnh viện đã ứng dụng kỹ thuật can thiệp nội mạch để điều trị thành công cho hàng nghìn bệnh nhân mắc bệnh tim mạch. Nhiều nước trên thế giới và trong khu vực đã cử cán bộ sang để học tập, trao đổi kinh nghiệm về can thiệp nội mạch như Nhật Bản, Ấn Độ, Singapore… Nhiều kỹ thuật khó đã trở thành thường quy của bệnh viện như: Cấy máy tạo nhịp tạm thời, vĩnh viễn, cấy máy phá rung tim, thăm dò điện sinh lý và điều trị rối loạn nhịp tim bằng sóng có tần số radio…

Cũng giống như Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Xanh Pôn không chỉ là bệnh viện đầu tiên của thành phố mà còn là một trong số ít bệnh viện trên cả nước thực hiện thành công kỹ thuật ghép thận, đang chuẩn bị tiến tới ghép gan, ghép tế bào gốc. Hiện tại, ghép thận đã trở thành kỹ thuật thường quy tại Bệnh viện Xanh Pôn với 8 cặp ghép thành công. Đặc biệt, một số kỹ thuật khó đã trở thành “thương hiệu” riêng của bệnh viện, chẳng hạn kỹ thuật diệt hạch thân tạng điều trị giảm đau trong ung thư, kỹ thuật bơm xi măng tạo hình đốt sống do Phó Giám đốc Bệnh viện Bùi Văn Giang thực hiện đã góp phần nâng cao uy tín của ngành y tế Thủ đô, TS Eric Krakauer -  một chuyên gia hàng đầu về điều trị giảm đau của Đại học Y khoa Harvard (Hoa Kỳ) cũng phải ngưỡng mộ. 

Lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng

TS Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định, những năm qua, mạng lưới khám, chữa bệnh của Hà Nội đã tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Hiện tại, hệ thống khám chữa bệnh của ngành y tế có 41 bệnh viện công lập đa khoa và chuyên khoa, 26 bệnh viện ngoài công lập, 52 phòng khám đa khoa... Toàn ngành đã có 11.000 giường bệnh, hơn 20.000 cán bộ, rất nhiều cán bộ là những chuyên gia giỏi, đầu ngành trong những lĩnh vực y tế chuyên sâu. Các cơ sở y tế của Hà Nội hàng năm điều trị  trên 6,5 triệu lượt người bệnh trên địa bàn Thủ đô cũng như các tỉnh lân cận. 

Công tác đầu tư cho hệ thống y tế tuyến cơ sở được thành phố rất quan tâm và bước đầu phát huy hiệu quả tốt. Hầu hết các bệnh viện đa khoa tuyến huyện đã được đầu tư và đưa vào sử dụng có hiệu quả khu nhà kỹ thuật nghiệp vụ như: Bệnh viện đa khoa huyện Đan Phượng, Chương Mỹ, Ba Vì, Thanh Oai, Thạch Thất, Vân Đình... Đối với các bệnh viện thành phố cũng được nâng cấp mở rộng và đưa vào sử dụng có hiệu quả như: Bệnh viện đa khoa Xanh pôn, Bệnh viện đa khoa Hà Đông… đặc biệt là công trình đầu tư nâng cấp, mở rộng Bệnh viện đa khoa Đức Giang được đầu tư đồng bộ với quy mô 500 giường bệnh - một trong những công trình trọng điểm của thành phố. Hiện thành phố cũng đang chuẩn bị khởi công xây mới Bệnh viện Nhi Hà Nội với quy mô 500 giường bệnh… 

Bên cạnh đó, ngành y tế Hà Nội đang nỗ lực thực hiện đổi mới phong cách, thái độ phục vụ đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, Sở Y tế đã tổ chức ký cam kết với các đơn vị và triển khai chương trình “Tiếp sức người bệnh” với sự tham gia tích cực của lực lượng đoàn viên thanh niên các trường y, dược trên địa bàn trong việc quan tâm, giúp đỡ người bệnh, góp phần làm giảm quá tải trong đón tiếp, khám bệnh cho người dân tại các bệnh viện … TS Nguyễn Khắc Hiền nhấn mạnh, thời gian tới phương hướng quan trọng của ngành y tế Thủ đô là sẽ tiếp tục phát triển các kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh và đổi mới cơ bản, toàn diện hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội: Nhân lực chất lượng cao là yếu tố quyết định

Để phát huy hiệu quả hoạt động, các bệnh viện rất cần sự quan tâm hơn nữa của thành phố để giúp nâng cấp cơ sở vật chất, xây dựng cơ chế chính sách trong đẩy mạnh xã hội hóa về y tế, cũng như sự quan tâm của các cấp, các ngành tạo điều kiện đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ trong khám chữa bệnh.

Đặc biệt, phải đổi mới các chính sách đào tạo, bồi dưỡng người có trình độ cao. Đầu tư công nghệ kỹ thuật cao là điều quan trọng và rất cần thiết nhưng người sử dụng kỹ thuật cao, làm chủ được công nghệ cao mới là yếu tố quyết định để phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.