Tiến tới Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ TP Hà Nội

Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo

ANTĐ - Phát triển giáo dục và đào tạo; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là nhiệm vụ quan trọng của thành phố Hà Nội trong nhiệm kỳ 2015-2020.

Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XV nêu rõ: Phát huy tối đa các nguồn lực để xây dựng Thủ đô thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu hàng đầu của cả nước về giáo dục, đào tạo. Thực hiện tốt nhiệm vụ chiến lược: Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng, phát triển nhân tài; tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục, đào tạo, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô, đất nước và nhu cầu học tập của nhân dân; phấn đấu đến năm 2025 giáo dục Thủ đô đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.

Thành ủy đặt ra yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, ý thức, trách nhiệm công dân cho học sinh; tăng cường trang bị và nâng cao hiệu quả sử dụng kiến thức ngoại ngữ, tin học; đẩy mạnh thực hiện học đi đôi với hành. Giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục ở mỗi cấp học; phấn đấu đến năm 2020 có 95% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ THPT và tương đương, 90% học sinh học 2 buổi/ngày. Cùng với đó, cần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện giáo dục. Bảo đảm 100% đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn nghề nghiệp.

Huy động các nguồn lực trong xã hội, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các trường, lớp theo hướng đồng bộ, hiện đại. Tiếp tục thực hiện mục tiêu kiên cố hóa, hiện đại hóa trường học, lớp học; có cơ chế, chính sách hỗ trợ để có mặt bằng xây dựng trường; bảo đảm đến năm 2020 số học sinh mỗi lớp, số lớp trong mỗi trường không vượt quá quy định của từng cấp học, 100% xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng.

Đẩy mạnh xây dựng mô hình trường chất lượng cao theo Luật Thủ đô; ưu tiên đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông chất lượng cao; khuyến khích phát triển các loại hình trường ngoài công lập đáp ứng nhu cầu xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, trước hết đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học; khuyến khích liên kết với các cơ sở đào tạo nước ngoài có uy tín.

Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ tập trung đào tạo, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế. Hoàn thiện mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học - cao đẳng, bảo đảm cơ cấu ngành, nghề và trình độ đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực Thủ đô. 

Có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề gắn với tiếp nhận, sử dụng lao động. Chú trọng đào tạo nhân lực có tay nghề cao đáp ứng nhu cầu đào tạo lao động kỹ thuật trong nước, khu vực và quốc tế; phấn đấu đến năm 2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao của Thủ đô có đủ năng lực đào tạo tương đương khu vực và quốc tế.

(Trích Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XV)