Mục sở thị bảo tàng có một không hai dưới hầm Nhà Quốc hội

ANTĐ - Một trưng bày với tên gọi “Những phát hiện khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội” vừa hoàn tất khâu cuối cùng trong công tác xây dựng, tổ chức và ra mắt thử nghiệm. Gọi là trưng bày nhưng thực ra đây chính xác là một bảo tàng hiện đại. Có thể khẳng định hiện đại nhất tại Việt Nam, tính cho tới thời điểm này.

Khởi đầu một Đại Việt huy hoàng

Bảo tàng nằm ở 2 tầng sâu của Nhà Quốc hội. Đây cũng là lần đầu tiên, một tòa nhà công vụ ở Việt Nam, lại là cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước có một bảo tàng ở bên trong. Toàn bộ khu trưng bày được cấu trúc theo lát cắt địa tầng khảo cổ, theo diễn biến thời gian từ xưa lại gần và nội dung được thể hiện lồng ghép đan cài giữa di tích và di vật, trong đó, di tích là hồn cốt. 

Tầng hầm 2 có diện tích gần 2000m2, là nơi trưng bày những phát hiện khảo cổ học thời kỳ Tiền Thăng Long, thời kỳ trước khi xây dựng Kinh đô Thăng Long, gồm thời Đại La (thế kỷ 7-9) và thời Đinh- Tiền Lê ( thể kỷ 10). Các di tích nền móng kiến trúc cùng giếng nước, mộ ngựa, xâu tiền của các thời kỳ được tái tạo, trưng bày dưới mặt sàn giống như một công trường khai quật. Lối đi của du khách được thiết kế bằng sàn kính chịu lực trong suốt. Phía bên trên là các loại hình di vật được bố trí hợp lý theo “công thức”: di vật- hình ảnh- ánh sáng- âm nhạc. Cuối phòng trưng bày là một không gian tương tác, nơi công chúng, đặc biệt là trẻ em được tự do khám phá và trải nghiệm về khảo cổ học.

Tượng chim uyên ương thời Lý

Điểm nhấn của phòng trưng bày Tiền Thăng Long chính là các bức tranh rồng cùng họa tiết lá đề được ghép từ hàng vạn viên ngói, gạch- những vật liệu kiến trúc được tìm thấy qua đợt khai quật khảo cổ học di chỉ 18 Hoàng Diệu.

Bức tranh "Bình minh Thăng Long"

Tiến sĩ Bùi Minh Trí- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành, đơn vị trực tiếp thực hiện Dự án này cho biết, bức tranh "Bình minh Thăng Long" mang ý nghĩa  là sự khởi đầu của một thời kỳ huy hoàng nhất trong lịch sử.

Thăng Long rồng bay

Phòng trưng bày nằm ở tầng tiếp theo có tên gọi Thăng Long (thế kỷ 11-18). Diện tích 1.700m2. Đây là nơi giới thiệu các di vật thời Lý, Trần, Lê. Toàn bộ phòng trưng bày được thiết kế như một cung điện thời Lý. Mặt sàn giống như bối cảnh khai quật. Toàn bộ đường đi vẫn sử dụng chất liệu kính chịu lực trong suốt. Mặt bằng kiến trúc được trình diễn bằng màu sắc ánh sáng của 42 đèn cột ánh sáng lớn, gợi mở cho công chúng về hình thái kiến trúc cung điện thời Lý với 42 cột gỗ của công trình cùng những sắc thái độc đáo của bộ mái qua các loại ngói lợp được trưng bày ngay trong lòng kiến trúc. Lịch sử vàng son của Kinh đô Thăng Long thời Lý được diễn giải sinh động qua một số di tích, di vật tiêu biểu, đặc sắc kết hợp với phong cách trình diễn: đồ họa, ánh sáng cùng các màn hình chiếu cực lớn.

Toàn cảnh phòng trưng bày Thời kỳ Thăng Long

Đánh giá về bảo tàng dưới lòng đất vừa hoàn thành, GS Nguyễn Văn Huy, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho đây là thành công lớn, thông qua sự hỗ trợ của âm thanh, ánh sáng, media…trưng bày đã khiến các hiện vật vốn căm lặng trở nên biết nói, biết kể chuyện, những hiện vật khô khan trở nên sinh động, hấp dẫn. Cách kết hợp nhiều thủ pháp trong một không gian tạo hiệu quả cao về thị giác và tâm lý.

Người xem có thể đi lại trên mặt sàn kính với không gian lớn, cảm giác như đi trên những hố khai quật thực sự. Những hiện vật lớn bày ngay trên sàn, không có tủ kính…khiến du khách choáng ngợp và bất ngờ. Thêm nữa, Bảo tàng Khảo cổ học dưới tầng hầm Nhà Quốc hội đã đạt được đến chuẩn quốc tế, điều này ít bảo tàng nào trong nước thực hiện được.

Theo Tiến sĩ Bùi Minh Trí, trong thời gian tới, Bảo tàng này sẽ mở cửa phục vụ khách tham quan.

Một vài hình ảnh của Bảo tàng hiện đại nhất Việt Nam:

Miệng giếng nước thời Trần, thế kỷ 13-14

Mục sở thị bảo tàng có một không hai dưới hầm Nhà Quốc hội ảnh 7Tượng đầu rồng, trang trí mái kiến trúc thời Lê sơ, TK 15-16

Bên cạnh việc trưng bày các di vật khảo cổ, bảo tàng có hệ thống màn hình lớn, giới thiệu về các hiện vật Hoàng Thành

Mục sở thị bảo tàng có một không hai dưới hầm Nhà Quốc hội ảnh 10

Toàn bộ lối đi được thiết kế bằng kính chịu lực trong suốt

Mục sở thị bảo tàng có một không hai dưới hầm Nhà Quốc hội ảnh 11Tượng sấu đá thời Lý được khôi phục lại các phần đã mất bằng đồ họa

Mục sở thị bảo tàng có một không hai dưới hầm Nhà Quốc hội ảnh 12

Phòng Truyền thông có sức chứa 60 người, với một màn hình lớn, đây là nơi giới thiệu tới du khách lịch sử Hoàng Thành, kỹ thuật xây dựng và giá trị ngàn năm

Mục sở thị bảo tàng có một không hai dưới hầm Nhà Quốc hội ảnh 13Vật liệu kiến trúc cao cấp được tìm thấy tại di chỉ khảo cổ học Hoàng Thành