Lấp lỗ hổng pháp lý từ vụ Formosa

ANTĐ - Sau vụ việc nghiêm trọng xảy ra tại Formosa Hà Tĩnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) thừa nhận, báo cáo đánh giá tác động môi trường ở nhiều dự án chỉ làm cho có chỉ qua loa vài gạch đầu dòng, như một hình thức qua mắt các cơ quan hữu quan để được cấp phép đầu tư. Như vậy, việc lấp lỗ hổng pháp lý này nhằm tránh phát sinh những vụ việc tương tự như Formosa Hà Tĩnh trong tương lai là điều cần được làm ngay và làm một cách chặt chẽ.

Lấp lỗ hổng  pháp lý từ vụ Formosa ảnh 1Sự cố môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra để lại hậu quả nặng nề

Qua loa cho có

Có thể nói, chất lượng báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án còn nhiều yếu kém không phải là vấn đề mới. Các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường đã chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng ở Việt Nam là do chất lượng báo cáo đánh giá tác động môi trường của nhiều dự án quá kém. Thậm chí, báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án này có thể được sao chép để áp dụng cho dự án kia.

Không khó để chỉ ra hàng loạt dự án được đánh giá có tác động khó lường đối với môi trường cũng như sinh kế của người dân nhưng báo cáo đánh giá tác động môi trường lại quá sơ sài. Ví dụ, dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện. Đây được xem là một “siêu” dự án với trị giá hơn 1 tỷ USD chạy dọc 288km sông Hồng, bao gồm 7 cảng, 6 đập dâng nước và 6 nhà máy thủy điện.

Ngay khi thông tin được đưa ra, điều được dư luận quan tâm nhiều nhất là khi triển khai dự án, môi trường sinh thái ở vùng hạ lưu sông Hồng sẽ ra sao? Đời sống của hàng triệu người dân ở đồng bằng sông Hồng sẽ chịu những ảnh hưởng gì? Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các bộ, ngành, địa phương “đều” đồng ý với chủ trương xây dựng dự án. 

Điều khiến không ít người ngạc nhiên là Bộ Tài chính lại là đơn vị đưa ra những cảnh báo về tác động của dự án đối với môi trường sinh thái. Cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị các bộ quản lý chuyên ngành có liên quan nghiên cứu, đánh giá cẩn trọng tác động của dự án đến môi trường sinh thái các vùng ảnh hưởng của dự án…

Trong khi đó, thống nhất về sự cần thiết thực hiện dự án, Bộ TN-MT góp ý doanh nghiệp cần có đánh giá chi tiết tác động của dự án tới tài nguyên nước trước khi xây dựng các công trình đập dâng nước, âu tàu, cảng, thủy điện. Đồng thời đề nghị bổ sung, làm rõ các tác động của dự án tới môi trường tự nhiên và kinh tế - xã hội trong vùng. Ngoài ra, chủ đầu tư cần bổ sung các biện pháp phòng, chống sạt lở bờ sông, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt.

Ngay sau đó, hàng loạt ý kiến phản biện đã được đưa ra và Thủ tướng Chính phủ quyết định chưa xem xét việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ TN-MT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổ chức xây dựng Quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng để đảm bảo phát triển bền vững.

Cụ thể hơn, về báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng đánh giá tác động môi trường của dự án Formosa Hà Tĩnh mà Bộ TN-MT phê duyệt năm 2008 là hết sức sơ sài, giản lược. Báo cáo chỉ gói gọn trong 285 trang với 9 chương được thiết kế theo hướng dẫn. Mặc dù vậy, các yêu cầu về đánh giá chi tiết tác động môi trường có khả năng xảy ra khi dự án được thực hiện, dự báo rủi ro về sự cố môi trường do công trình gây ra, biện pháp cụ thể giảm thiểu tác động xấu đối với môi trường hay phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường lại hết sức ngắn gọn.

Phần đánh giá tác động của nước thải đến môi trường trong giai đoạn vận hành nhà máy chỉ vỏn vẹn hơn 2 trang A4 với nội dung chủ yếu là liệt kê các nguồn nước thải của nhà máy ra môi trường, đặc điểm của các loại nước thải. Trong khi đó lại không đưa ra được những dự báo về khả năng ảnh hưởng tới môi trường. Ngoài ra, phần đánh giá rủi ro về sự cố môi trường cũng chỉ được nêu ra một cách đơn giản bằng vài gạch đầu dòng như sự cố nổ và bén lửa, ngã do đứng ở vị trí trên cao, kim loại nóng chảy phun bắn ra ngoài, sự cố chập điện, phóng điện, bỏng điện… mà không thấy xuất hiện dự báo nào về “nguy cơ” sự cố đối với môi trường biển, môi trường không khí. 

Xem lại quy trình

Những sự cố môi trường như vụ việc do Formosa Hà Tĩnh gây ra vừa qua có tác động vô cùng lớn không chỉ về mặt môi trường mà còn tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế. Theo ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khuyến cáo, Việt Nam cần đưa ra các tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt và giám sát tốt về môi trường để tránh những sự cố tương tự trong tương lai.

Để phòng ngừa những sự cố có thể xảy ra, các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường cho rằng, cần làm chặt chẽ ngay từ khâu phê duyệt dự án. Các dự án chỉ được phê duyệt khi báo cáo đánh giá tác động môi trường thực sự kỹ càng. Việc triển khai thực hiện công tác đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và bản cam kết bảo vệ môi trường chính là phương tiện hữu hiệu trong lĩnh vực quản lý.

Hiện công tác xây dựng báo cáo đánh giá môi trường chiến lược và báo cáo đánh giá tác động môi trường còn nhiều bất cập do chất lượng cán bộ tư vấn cũng như nhận thức của đơn vị chủ quản chưa thực sự coi trọng. Điều đó dẫn tới chất lượng báo cáo đánh giá tác động môi trường của nhiều dự án hiện còn thấp, biện pháp bảo vệ môi trường thiếu tính khả thi. 

Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà thẳng thắn thừa nhận, đánh giá tác động môi trường hiện nay như hình thức để các doanh nghiệp được đầu tư. Nhận thức rõ vấn đề, Bộ trưởng Bộ TN-MT kiến nghị Chính phủ cho phép xem xét báo cáo đánh giá tác động môi trường trong giai đoạn xem xét cấp giấy phép xây dựng. “Khi đó dự án mới có thiết kế cơ sở, mới có căn cứ để đánh giá tác động môi trường”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà phân tích. 

Còn theo ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, nhiệm vụ cấp bách hiện nay là triển khai kịp thời các công cụ quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, xử lý triệt để các công trình gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đồng thời, cần triển khai các công cụ quản lý Nhà nước để rà soát, đánh giá thanh tra diện rộng các nguồn thải lớn để nắm bắt được và kiểm soát chặt chẽ các đối tượng này, tránh sự cố tương tự như Formosa Hà Tĩnh. Bên cạnh đó, ông Tài cho rằng, Việt Nam cần xây dựng quy chế về ứng phó sự cố môi trường, trong đó nêu rõ huy động nguồn lực thế nào, cách thức ra sao để ứng phó kịp thời và tránh sự cố lan rộng.

Ngoài vấn đề đánh giá tác động môi trường, về công tác thực thi pháp luật liên quan đến môi trường, ông Phạm Anh Tuấn, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản - Bộ NN&PTNT, cho rằng cần phải gấp rút rà soát các tiêu chuẩn xả thải của Việt Nam, theo 2 tiêu chí: một là đã có đầy đủ các tiêu chuẩn hay chưa, hai là các tiêu chuẩn có phù hợp hay không. Bên cạnh đó, cần giám sát chặt chẽ việc xả thải về cả chỉ tiêu thông số lẫn tần suất.

PGS TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam đánh giá, môi trường nước vẫn bị ô nhiễm trong khi chúng ta đã có nhiều luật là bởi sự quản lý còn hạn chế. Ngay khi xây dựng luật, cách tiếp cận chưa trúng, các bộ thường chỉ xem xét các điều khoản có lợi cho ngành mình, chồng chéo trong quản lý… Do đó mới dẫn đến việc Formosa Hà Tĩnh tự ý thay đổi trái phép công nghệ gây ô nhiễm môi trường mà không được phát hiện sớm.

Giám sát thực thi đánh giá tác động môi trường còn yếu

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT cho rằng, khâu giám sát trong thực thi đánh giá tác động môi trường ở Việt Nam khá yếu. “Theo đánh giá tác động môi trường ban đầu của Formosa Hà Tĩnh thì cần xả thải ra sông Quyền trước khi xả ra biển nhưng cuối cùng Formosa lại thải ra biển. Tại sao cơ quan quản lý ở Hà Tĩnh lại không biết? Điều này cho thấy lỗ hổng trong giám sát. Việc chấp nhận ống xả thải ra sông Quyền và ra biển là hoàn toàn khác nhau. Xả thải ra biển không thể kiểm soát được như khi xả thải ra sông. Chính sách chặt chẽ nhưng thực thi lại lỏng lẻo và cho thấy không có sự kết nối giữa Trung ương và địa phương trong quản lý” - GS Đặng Hùng Võ nêu ý kiến.