Kỳ vọng một Chính phủ hành động!

ANTĐ - Tuần qua, Quốc hội đã dành trọn tuần làm việc để kiện toàn các chức danh còn lại trong bộ máy Nhà nước. Đến hết phiên làm việc sáng qua, 9-4, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm 3 Phó Thủ tướng và 18 thành viên khác của Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín với số phiếu đồng thuận cao của đại biểu Quốc hội. Như vậy, bộ máy Chính phủ mới đã hình thành để nhanh chóng triển khai những mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

Nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ niềm tin, sự kỳ vọng vào các thành viên Chính phủ mới. Đó cũng là kỳ vọng chung của cử tri cả nước vào một bộ máy hành pháp có tư duy đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt để đưa đất nước vượt qua những khó khăn nội tại và những thách thức của hội nhập kinh tế quốc tế. 

Không thể phủ nhận Chính phủ tiền nhiệm với một xuất phát từ nền tảng kinh tế trong nước và thế giới đầy bất ổn nhưng trong nhiệm kỳ 5 năm qua đã để lại rất nhiều thành quả đáng ghi nhận. Đó là những nỗ lực trong ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế và thực hiện các đột phá chiến lược, nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, đồng thời từng bước vượt qua thách thức, tham gia hội nhập sâu rộng hơn.

Tuy nhiên vẫn còn đó những vấn đề bức xúc tồn tại qua nhiều nhiệm kỳ, như tham nhũng vẫn nhức nhối, bội chi ngân sách tăng cao, nợ công hiện chiếm tới 62% GDP, cải cách hành chính vẫn đang dang dở, bộ máy công chức cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả, nền kinh tế phát triển chưa bền vững… Trong khi đó, chủ quyền đất nước đang đứng trước nhiều thách thức, đòi hỏi Chính phủ mới cần có những động thái linh hoạt nhưng cũng phải kiên quyết, cứng rắn. Việc bước vào tiến trình thực hiện hàng loạt Hiệp định Thương mại tự do được xác định là cơ hội lớn, vì vậy để tận dụng, nắm bắt cơ hội cũng đặt một trọng trách lớn lên vai Chính phủ.

Đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, chúng ta đang trong bối cảnh hội nhập sẽ chuyển mình thay đổi từng phút, từng giờ, đòi hỏi Chính phủ mới phải có tầm nhìn, tư duy chiến lược và sự đồng lòng, quyết tâm để cụ thể hóa. Trong đó, để nâng cao “sức khỏe” của nền kinh tế, làm nền tảng để phát triển vững mạnh đất nước, vấn đề trọng tâm đặt ra cho Chính phủ là phải cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là về mặt hành chính, để thu hút tối đa sự đóng góp của các thành phần kinh tế. 

Các thành viên Chính phủ cũng đã được “chọn mặt gửi vàng”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là người đi lên từ cơ sở, đã từng đảm nhiệm nhiều trọng trách quan trọng, từng là người trực tiếp điều hành nên được đánh giá cao về sự quyết đoán, thực tế. Các Phó Thủ tướng mới là các đồng chí Vương Đình Huệ, Trương Hòa Bình, Trịnh Đình Dũng đều từng đảm nhiệm các chức vụ quan trọng trong các lĩnh vực, trình độ chuyên môn cao và được đánh giá là có nhiều dấu ấn trong lĩnh vực mình phụ trách nên được tin tưởng sẽ có nhiều quyết sách giúp Chính phủ hoàn thành tốt nhiệm vụ được Quốc hội và nhân dân giao phó. Nhiều thủ lĩnh các ngành được lựa chọn cũng được nhân dân đặt niềm tin.

Trước Quốc hội trong ngày đầu nhậm chức, tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng có những lời hứa đầy quyết tâm trong việc khắc phục những hạn chế, yếu kém, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, như tập trung cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ quốc gia… Thông điệp từ bài phát biểu nhậm chức của người đứng đầu Chính phủ cho thấy Chính phủ đã nhìn thấy những khó khăn, thách thức của đất nước và sẽ quyết tâm vượt qua.  Cùng với các thành viên Chính phủ mới, đại biểu và cử tri có thể đặt niềm tin vào một cách điều hành mới của một một Chính phủ có tầm nhìn và quyết liệt hành động!