Tân Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường:

Kiên quyết chỉ đạo xử lý những trường hợp sai phạm trong ngành

ANTĐ -Về tổng thể, các sản phẩm chính vẫn là sản xuất nhỏ lẻ, cho giá trị thấp bấp bênh, giá trị gia tăng thấp đòi hỏi chúng ta phải quyết liệt hơn, đặc biệt ở các vùng trọng điểm đang bị tác động bởi biến đổi khí hậu như đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên.

Giải trình, làm rõ một số ý kiến của Đại biểu Quốc hội liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường nhận định nền nông nghiệp nước ta đang đứng trước những thách thức rất lớn.

Thứ nhất, về tổng thể, nền nông nghiệp Việt Nam dựa trên nền tảng quy mô hộ gia đình, có năng suất lao động thấp. Thứ hai, biến đổi khí hậu diễn ra gay gắt, khốc liệt trên hầu hết các vùng thuộc lãnh thổ Việt Nam, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Thứ ba, hội nhập kinh tế sâu  rộng  thị trường mở cửa cả hai chiều, với chiều xuất yêu cầu chất lượng hàng hóa tiêu chuẩn cao hơn, ở chiều còn lại là  áp lực cạnh tranh với hàng ngoại tràn vào. Đây là 3 thách thức rất lớn có ý nghĩa  sống còn đòi hỏi chúng ta phải tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chuỗi giá trị bền vững.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu nông nghiệp từ năm 2013. Theo đó ngành, các địa phương xây dựng Chương trình tái cơ cấu nông nghiệp của mình. Qua  3 năm thực hiện đã xuất hiện những mô hình ở cấp độ quy mô khác nhau. Về quy mô cấp tỉnh có thể lấy ví dụ tỉnh Lâm Đồng xác định lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng  áp dụng công  nghệ  trong sản xuất nhất là rau, hoa, hiện đã có ¼ diện tích đất nông nghiệp được áp dụng công nghệ canh tác tiên tiến. Về ngành hàng, trong chăn nuôi, chúng ta có chăn nuôi có bò sữa và lợn có bước chuyển biến rất tích cực, năng suất sữa đứng hàng đầu khu vực.

Tuy nhiên, về tổng thể, các sản phẩm chính vẫn là sản xuất nhỏ lẻ, cho giá trị thấp bấp bênh, giá trị gia tăng thấp đòi hỏi chúng ta phải quyết liệt hơn, đặc biệt ở các vùng trọng điểm đang bị tác động bởi biến đổi khí hậu như đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên. Tới đây, Bộ sẽ cùng các tỉnh rà soát, điều chỉnh quy hoạch theo hướng phát huy sản phẩm lợi thế, gắn với nhu cầu thị trường, trên cơ sở đó có đề xuất đầu tư cơ sở hạ tầng.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho biết, về tổ chức sản xuất, chúng ta chỉ có 3000 doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp, 1000 hợp tác xã kiểu mới nhưng không có doanh nghiệp trụ cột trong chuỗi liên kết nên khó hình thành sản xuất lớn tập trung. Do vậy, Bộ sẽ cùng VCCI, các địa phương sớm hoàn thiện chính sách kêu gọi doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường

Về xây dựng nông thôn mới, Bộ đã tiếp thu theo hướng đảm bảo đúng quy định những mục tiêu cốt lõi của phát triển nông thôn mới như phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, các chỉ tiêu về môi trường…Về phân bổ nguồn lực, Bộ đã tham mưu trình Chính phủ  ưu tiên vùng sâu vùng xa, các xã nghèo đặc biệt khó khăn.

Về việc hỗ trợ 4 tỉnh miền Trung sau sự cố môi trường,  Bộ NN&PTNT và các ngành trung ương, 4 tỉnh bị thiệt hại đã đề nghị Chính phủ sớm ban hành Quyết định hỗ trợ trước mắt nhằm hỗ trợ ban đầu cho ngư dân. Hiện nay Chính phủ đã giao cho Bộ NN&PTNT 2 đề án: Đề án hỗ trợ thiệt hại thống kê thiệt hại đối với nghề khai thác, nuôi trồng thủy sản, làm muối và ngành nghề khác bị thiệt hại; Đề án phục hồi và tái tạo nguồn lợi hải sản và các hệ sinh thái biển tại khu vực bị ảnh hưởng do sự cố môi trường.

Để khắc phục những tồn tại trong lĩnh vực nông nghiệp, hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường  đã đề ra các giải pháp từ nay đến cuối năm: Tập trung  vào các đối tượng thủy sản, chăn nuôi lợn, mở rộng diện tích lúa thu động đến ngưỡng cho phép. Tiếp tục có giải pháp ứng phó thiên tai.

Về công tác quản lý ngành, Bộ sẽ tập trung rà soát các nội dung quản lý, hoàn thiện nhằm đáp ứng đòi hỏi yêu cầu của thực tế hiện nay. Với những trường hợp sai phạm trong công tác quản lý của ngành, Bộ quyết tâm chỉ đạo xử lý theo đúng quy định của pháp luật.