Không có “vùng cấm”, không khoan nhượng trong phòng chống tham nhũng

ANTĐ - Đảng kiên quyết phòng chống tham nhũng ở tất cả các cấp, không có “vùng cấm”. Đó là khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị ĐBQH tiếp xúc cử tri Hà Nội báo cáo kết quả kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, sáng 6-12.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri 2 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình (Hà Nội)

Trong số 8 ý kiến cử tri góp ý tại hội nghị, đa số đánh giá cao kết quả mà kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII đã đạt được, song cũng bày tỏ rất nhiều ý kiến chưa đồng tình hoặc còn băn khoăn, lo ngại liên quan đến các vấn đề lấy phiếu tín nhiệm, tình hình kinh tế xã hội đất nước, cải cách chương trình sách giáo khoa, chủ quyền biển đảo…

Đặc biệt, hầu hết các cử tri đều quan tâm tới công tác chống tham nhũng, xử lý tham nhũng và cho rằng nạn tham nhũng vẫn hết sức nhức nhối, trong khi công tác này hiện thực hiện chưa quyết liệt, chưa đáp ứng nhu cầu.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đánh giá cao những ý kiến, góp ý, kiến nghị của cử tri. Theo Tổng Bí thư, đây đều là những góp ý rất tâm huyết, thể hiện trình độ, trí tuệ và trách nhiệm với các công việc chung, các vấn đề đại sự của quốc gia. Qua đó toát lên tinh thần toàn dân làm việc nước, là bước tiến lớn trong thực hiện công tác dân chủ, đề cao vai trò làm chủ của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cũng thể hiện hoạt động của Quốc hội ngày càng hiệu quả.

Tổng Bí thư chia sẻ, xung quanh câu chuyện chống tham nhũng, lần tiếp xúc cử tri nào cũng nhiều ý kiến nhất. Theo Tổng Bí thư, trên thế giới đều có tham nhũng, chỉ là nhiều hay ít thôi, bởi đây là vấn đề liên quan đến quyền lợi, đến lợi ích của những người có chức có quyền. Tại Việt Nam, Đảng đã có chủ trương, đã nêu ra đây là 1 trong 4 nguy cơ lớn nhất của đất nước.

“Quan điểm của Đảng là kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Phòng là cơ bản, rất quan trọng. Chống cũng vậy, chống tốt sẽ giúp phòng tốt. Đảng kiên quyết chống tham nhũng ở tất cả các cấp, không có vùng cấm, không có khoan nhượng. Vấn đề là phương pháp làm thế nào để đảm bảo hiệu quả, đồng thời đảm bảo được ổn định để phát triển kinh tế xã hội đất nước”- Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Đa số cử tri quan tâm và lo ngại về tình trạng tham nhũng, chống tham nhũng

Thông tin thêm đến cử tri về vụ việc sai phạm của ông Trần Văn Truyền – nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ khiến dư luận bức xúc trong thời gian qua, Tổng Bí thư cho biết, vừa qua Ủy ban kiểm tra Trung ương đã có kết luận công khai, cơ quan chức năng cũng đang tiến hành xử lý, thu hồi tài sản theo đúng quy định của nhà nước.

Tổng Bí thư chia sẻ: “Hiện còn nhiều ý kiến cử tri đề nghị phải xử lý vụ việc của ông Trần Văn Truyền nhanh hơn, quyết liệt hơn. Chúng ta tập trung xử lý nghiêm, nhưng đòi hỏi phải có thời gian, phải qua các khâu xác minh, điều tra, kết luận để người bị xử lý tâm phục, khẩu phục. Kết luận đến khâu nào, đến mức nào xử lý đến đó, kể cả khai trừ khỏi Đảng thì thời gian tới cũng sẽ xem xét. Chúng ta quyết liệt chống tham nhũng, nhưng phải bình tĩnh, tỉnh táo chứ không vội vã”.

Cũng liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng, nhiều cử tri đề nghị công khai kê khai tài sản trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, việc này đã có quy định kê khai tại nơi công tác, còn công khai trên phương tiện thông tin thì lại vi phạm pháp luật.

Hay về việc lấy phiếu tín nhiệm theo 3 mức (tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp), nhiều cử tri chưa thực sự hài lòng và đề nghị Quốc hội chỉ nên lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn theo 2 mức (tín nhiệm, không tín nhiệm) để nâng cao trách nhiệm và hiệu quả của lá phiếu. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ, chúng ta vẫn lấy phiếu tín nhiệm theo 3 mức vì lấy phiếu tín nhiệm là để thăm dò tín nhiệm, để kịp thời nhắc nhở, cảnh tỉnh, răn đe cán bộ.

“Đó là một kênh để Đảng tham khảo xem xét, đánh giá cán bộ, trên cơ sở đó đề bạt, bổ nhiệm, luân phiên cán bộ. Điều này thể hiện sự nhân văn, tạo lối mở cho những người biết nỗ lực, cố gắng phấn đấu và khắc phục nhược điểm của mình, bởi người Việt Nam chúng ta vẫn có câu đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại. Sau đó nếu cán bộ phiếu tín nhiệm thấp thì sẽ bỏ phiếu tín nhiệm mà bỏ phiếu thì theo 2 mức. Điều này đã được Quốc hội thống nhất cao, thể hiện qua việc 82% ĐBQH tán thành biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm” - Tổng Bí thư nói.