Khó khăn vẫn đeo bám

ANTĐ - Từ nay tới cuối năm, nền kinh tế sẽ tiếp tục đối mặt với nhập siêu, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhưng khả năng tăng trưởng GDP cả năm nay sẽ ở mức 6,5%, lạm phát cơ bản khoảng 3%. 

Đó là nhận định trong báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2015 do Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia vừa công bố.

Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, trong 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp thành lập mới tăng gần 22%, số vốn đăng ký tăng trên 20% so với cùng kỳ năm 2014. Số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải ngừng hoạt động giảm 5,8% so với cùng kỳ.

 Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, chỉ số niềm tin kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp trong 2 quý vừa qua đã tăng lên 75 điểm, cao hơn mức trung bình năm 2014.

Đặc biệt, chỉ số niềm tin người tiêu dùng cũng tăng thêm 2,9 điểm và đạt mức cao kỷ lục với 143,1 điểm. Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia còn đưa ra cảnh báo về những thách thức trong 6 tháng cuối năm 2015. Đáng lo ngại, trong nửa đầu năm nay, nhập siêu ước tính đạt 3,75 tỷ USD, tương đương 4,8% kim ngạch xuất khẩu. Nhập siêu tăng là do xuất khẩu tăng chậm và nhập khẩu tăng nhanh.

Qua phân tích cơ cấu nhập khẩu cho thấy, nhập siêu tăng là do nhập khẩu nhiều máy móc, nguyên vật liệu sản xuất. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, chỉ trong 6 tháng đầu năm, cả nước đã nhập siêu bằng 4,8% kim ngạch xuất khẩu, trong khi chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 5% cho cả năm. Đây là vấn đề cần đặc biệt lưu ý trong thời gian tới. Một trong những nguyên nhân khiến cán cân thương mại nghiêng về nhập khẩu là do lượng xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản như gạo, cà phê, cao su và thủy sản giảm.

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Bộ Công Thương nhận định, nhập khẩu và xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước tăng thấp hơn khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chứng tỏ sản xuất kinh doanh trong nước vẫn gặp khó khăn. Giá và lượng xuất khẩu của một số hàng hóa giảm. Trong khi đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực lại chủ yếu dựa vào nguồn lao động rẻ và gia công. Vì vậy, giá trị gia tăng thấp, chưa tham gia được vào chuỗi sản phẩm và lưu thông hàng hóa trong khu vực và thế giới.

Kinh tế vĩ mô ổn định song tình hình nhập siêu, xuất khẩu giảm sút, thu ngân sách Nhà nước tăng chậm là những khó khăn đeo bám trong những tháng cuối năm. Để giảm sức ép lớn, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương cho rằng, ngoài việc kiểm soát chặt nhóm hàng hạn chế nhập khẩu, cần có giải pháp kịp thời về vốn trung và dài hạn, tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp.