Khi có mưa ngập, phải sẵn sàng đảm bảo an toàn cho người dân

ANTĐ - Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội chỉ đạo: "Khi có mưa lớn gây ngập úng trên đường, từ chỉ huy đến CBCS phải xắn quần, lội nước, hướng dẫn, phân luồng, đảm bảo an toàn cho người dân đi lại".

Thực hiện Kế hoạch số 122 ngày 8-5-2016 của CATP Hà Nội về ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2016, Phòng CSGT chỉ đạo các đơn vị CSGT quản lý địa bàn khi xảy ra mưa lớn, chỉ huy Đội trực tiếp kiểm tra, quán xuyến toàn địa bàn để bố trí lực lượng làm nhiệm vụ hướng dẫn phân luồng giao thông ở tất cả các điểm bị ngập úng đã được xác định, các khu vực xảy ra các sự cố do mưa bão gây ra, đảm bảo hạn chế ùn tắc và tai nạn, đồng thời phối hợp với các lực lượng khác nhanh chóng giải quyết giao thông; chủ động phân luồng từ xa không để phương tiện dồn nhiều vào khu vực úng ngập.

Khi xảy ra mưa bão, ngập úng, CSGT được tăng cường 100% quân số, giúp người dân trên đường (Ảnh CBCS Đội CSGT số 10, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, giúp cháu bé trên đường đến trường tại Quốc lộ 21B trong cơn mưa ngập vào ngày 25-5 vừa qua)

Khi có lũ, lụt bão, úng ngập xảy ra, CSGT phải chủ động có lực lượng để phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô, cơ quan thường trực Ban chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn thành phố tổ chức hiệp đồng huy động, bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu, thực hiện tìm kiếm, cứu nạn, sơ tán nhân dân từ vùng lũ lụt đến các điểm tập kết an toàn; Ưu tiên phân luồng, tạo điều kiện cho các phương tiện cấp cứu, cứu hộ, cứu nạn hoặc vận chuyển lương thực, thuốc men, hàng hóa, vật tư thiết yếu… để sẵn sàng hỗ trợ đảm bảo đời sống nhân dân vùng thiên tai, ngập lụt;

Duy trì TTGT trên các tuyến xung quanh khu vực, các điểm sơ tán; Giữ gìn TTATGT các khu vực hàn khẩu, khu vực trạm bơm, các đoạn đê xung yếu, các khu vực sụt lở đường, sập cầu... đồng thời tổ chức phân luồng không cho xe ô tô (không có nhiệm vụ) vào các khu vực đê xung yếu, tuyến đường đang bị ngập, úng.

Tại các điểm, nút giao thông ngập sâu, các đơn vị bố trí xe tải hoặc xe cẩu thường trực để cẩu, kéo ô tô bị sự cố chết máy ra khỏi nơi ngập úng, không để ùn tắc, tai nạn giao thông xảy ra; lực lượng chức năng phải đặt các biển báo “điểm ngập sâu”  ở phía trước nơi có điểm ngập sâu; cảnh báo cho các phương tiện không lưu thông vào khu vực.

CSGT dắt hộ xe máy cho một phụ nữ đang có bầu giữa đường mưa ngập trên Quốc lộ 21B

"CSGT tiiếp tục tăng cường công tác TTKS đảm bảo TTATGT, xử lý nghiêm các vi phạm theo từng chuyên đề. Phát hiện, ngăn chặn kịp thời những hành vi phá hoại, gây cháy nổ, vi phạm pháp luật về quản lý đê điều. Phối hợp các lực lượng chức năng trong và ngoài ngành, đặc biệt là Phòng Cảnh sát đường thủy, Thanh tra GTVT tiến hành xử lý, tháo gỡ các công trình lấn chiếm hành lang an toàn bảo vệ đê điều, công trình giao thông; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp xe ô tô chở quá trọng tải lưu hành trên các tuyến đê, kè, cống trong mùa mưa bão" - Đại tá Đào Vịnh Thắng nhấn mạnh.

Cũng theo chỉ huy Phòng CSGT, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với công an các quận, huyện, thị xã, các phương tiện thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền về phòng chống bão lụt, thiên tai. Thông qua việc thực hiện tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, đăng ký xe, điều tra giải quyết tai nạn... đấu tranh có hiệu quả với bọn tội phạm lợi dụng tình hình thiên tai, lụt, bão để hoạt động phạm pháp; các phần tử khủng bố, cơ hội chính trị lợi dụng thiên tai, lụt, bão để hoạt động khủng bố, phá hoại, rải truyền đơn, tờ rơi có nội dung xấu… Góp phần bảo vệ an toàn tài sản, tính mạng của Nhà nước và nhân dân, giữ gìn ANTT trên địa bàn Thủ đô.