Hội nghị G7 nhất trí phát đi thông điệp mạnh mẽ về Biển Đông

ANTĐ - Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp hàng đầu (G7) ngày 26-5 đã chính thức khai mạc tại thành phố Ise-Shima, miền Trung Nhật Bản. 

Hội nghị G7 nhất trí phát đi thông điệp mạnh mẽ về Biển Đông ảnh 1Đông đảo cán bộ, sinh viên và bà con người Việt sống, làm việc tại Nhật Bản đón Thủ tướng tại sân bay

Tại hội nghị, lãnh đạo các nước thuộc Nhóm G7 đã nhất trí về sự cần thiết phải gửi một thông điệp mạnh mẽ về các yêu sách hàng hải ở phía tây Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc gia tăng các hoạt động trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Nhật Bản và một số quốc gia Đông Nam Á.

“Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã dẫn dẫn dắt các cuộc thảo luận về tình hình hiện nay ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Các nhà lãnh đạo khác thuộc Nhóm G7 nói rằng G7 cần thiết phải phát đi một thông điệp rõ ràng nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ các nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế”, Phó Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Hiroshige Seko nói với các phóng viên. 

Trước đó, tại buổi họp báo chung vào cuối ngày 25-5, Thủ tướng Abe nói rằng, Nhật Bản hoan nghênh sự “trỗi dậy” hòa bình của Trung Quốc, đồng thời tái khẳng định lập trường của Nhật Bản phản đối các hành động nhằm thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực. Trong khi đó, Mỹ cũng bày tỏ quan ngại ngày càng tăng về hành động của Trung Quốc trong khu vực. Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi Trung Quốc giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển một cách hòa bình, tôn trọng tự do hàng hải và hàng không trong khu vực. Bên cạnh đó, lãnh đạo các nước G7 cũng thảo luận tình hình kinh tế toàn cầu, tập trung vào vai trò của Nhóm G7 trong dẫn dắt hòa bình và thịnh vượng của thế giới.

Trong hôm qua, 26-5 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam đã đến sân bay Chubu-Nagoya, tỉnh Nagoya, bắt đầu chuyến thăm Nhật Bản, dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Đón Thủ tướng và đoàn tại sân bay có đại diện Ban Tổ chức Hội nghị G7, Thống đốc tỉnh Aichi, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản. Ngay trong chiều 26-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Đối thoại kinh tế cao cấp Việt Nam - Nhật Bản với chủ đề “Việt Nam hội nhập và phát triển”.

Phát biểu trước hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản tại buổi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á” Việt Nam - Nhật Bản đang trải qua giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất trên tất cả các lĩnh vực kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

Trước các nhà đầu tư Nhật Bản và Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Chúng tôi quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, phục vụ người dân, doanh nghiệp và đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh. Bên cạnh đó, tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh, tái cơ cấu nền kinh tế; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính; tập trung phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ; phát triển nhân lực. Khuyến khích tinh thần “khởi nghiệp”, nhất là trong thanh niên trẻ, phấn đấu có một triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020. Để phát triển mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước, Thủ tướng đã nêu một số định hướng lớn về đầu tư, thương mại và du lịch.  

Sau khi phát biểu, Thủ tướng đã đối thoại, trả lời trực tiếp các vấn đề mà doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm. Phát biểu tại cuộc đối thoại, Thứ trưởng Quốc vụ khanh, Bộ Kinh tế - Thương mại và Công thương Nhật Bản Junji Suzuki khẳng định, Việt Nam là đối tác quan trọng của Nhật Bản. Trước mắt, Bộ Kinh tế Nhật Bản và Bộ Công Thương Việt Nam đã thống nhất hợp tác nhiều lĩnh vực như dệt may, chống hàng giả, đào tạo công chức, tiếp tục hợp tác điện nguyên tử, nhiệt điện hiệu suất cao…

Cũng trong ngày 26-5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến với Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon, Tổng thống Sri Lanka và có các cuộc tiếp Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổng Thư ký Tổ chức OECD và lãnh đạo tỉnh Aichi cùng một số doanh nghiệp Nhật Bản.